Nông nghiệp Hà Nội trong thời đại kỷ nguyên số

Nông nghiệp Hà Nội trong thời đại kỷ nguyên số

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà còn là cách giúp các hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới. Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp của Hà Nội đã ứng dụng công nghệ số trên diện rộng, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các công nghệ tiên tiến như blockchain, trí tuệ nhân tạo, quản lý dữ liệu,  IoT (internet vạn vật), dữ liệu lớn (big data), máy bay không người lái đang được ứng dụng trong sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Nhờ các thiết bị thông minh, nông dân có thể quản lý trang trại của mình một cách thuận tiện và hiệu quả. Họ có thể tưới nước, bón phân và theo dõi sự phát triển của cây trồng từ xa, chỉ bằng cách sử dụng điện thoại thông minh.

Hệ thống máy đo thời tiết khí hậu ở khu vực sản xuất rau Việt Gap (Hà Nội). Ảnh: KNHN

Bà Bùi Thị Thanh Hà - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) cho biết, hợp tác xã có diện tích 10.000 m2 để trồng rau mầm, toàn bộ sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Chỉ với thao tác quét mã QRcode, người tiêu dùng có thể nắm đầy đủ thông tin sản phẩm và không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm, nhãn hiệu nào khác cùng loại bán trên thị trường. Từ đó, hợp tác xã tạo được niềm tin ở người tiêu dùng, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 200 tấn rau mầm các loại.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, để tiết kiệm chi phí, nhân công lao động, vụ xuân 2024, hợp tác xã sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ trên diện tích gần 400 ha. Việc cơ giới hóa trong làm đất, ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ mang lại rất nhiều lợi ích. Cây lúa không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao mà còn giảm chi phí và cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.

Sản xuất nông nghiệp trong các nhà màng ở huyện Hoài Đức - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam


Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và  Phát triển thị trường Hà Nội thông tin, Hà Nội đang duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội(check.hanoi.gov.vn). Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản, duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống. Trong năm 2024, số lượng sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã tăng 30% so với năm trước. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã triển khai, ứng dụng marketing số (digital marketing) để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…), website và ứng dụng di động. Việc này giúp tăng cường nhận diện, thu hút nhiều khách hàng từ thị trường trong và ngoài nước.

Hệ thống làm tem QR - Code ở Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE).
Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để đưa công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Hà Nội cần tiếp tục phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của Hà Nội lên sàn thương mại điện tử...

Khách mua hàng sản phẩm nông nghiệp có thể thanh toán qua ngân hàng điện tử ở cửa hàng Big Green phố Hoàng Văn Thái ( Hà Nội ).
Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

Hiện tại, theo số liệu của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Hà Nội đã xây dựng được 406 mô hình tiên phong về nông nghiệp công nghệ cao với 262 sáng kiến sản xuất cây trồng, 119 doanh nghiệp chăn nuôi và 25 dự án nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tại các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh và Thanh Oai./.

Bài: Hoàng Hà        Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh việt Nam, Phương Tín, KNHN


Top