Kinh tế

Phó Chủ tịch WB: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế

"Sự kiên cường và sức mạnh của người dân Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn lao" – đó là lời khẳng định của bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Trong cuộc trao đổi, bà Ferro đã chia sẻ về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong phát triển kinh tế và giảm nghèo. Từ một quốc gia chịu nhiều tổn thất hậu chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình năng động và hiện đại. Phó Chủ tịch của WB nhấn mạnh vai trò tiên phong của Việt Nam trong các lĩnh vực như giảm phát thải carbon và đổi mới nông nghiệp. Với tinh thần kiên cường và chiến lược hợp lý, Việt Nam đang trên hành trình chinh phục mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Phóng viên: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong những thập kỷ qua. Điều gì đã thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng này, thưa bà?

Bà Manuela V. Ferro: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế. Trong 40 năm qua, thu nhập hộ gia đình đã tăng gấp 6 lần và tình trạng đói nghèo cùng cực gần như được xóa bỏ hoàn toàn.

Việt Nam ngày nay sở hữu một nền kinh tế năng động, hiện đại, thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài. Thành tựu này có được là nhờ sự kiên cường và khả năng thích ứng của người dân. Bên cạnh đó, điểm nhấn quan trọng chính là quyết định táo bạo của Chính phủ vào thập niên 1980, nhằm mở cửa nền kinh tế và lấy xuất khẩu làm ưu tiên. Hiện nay, xuất khẩu đóng góp khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và cứ hai lao động thì có một người làm việc trong lĩnh vực này.

Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao thu nhập của Việt Nam cho đến nay là lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ cùng chi phí năng lượng thấp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một thực trạng là phần lớn lao động tham gia vào các hoạt động có giá trị gia tăng thấp như khâu lắp ráp cuối cùng, và cường độ phát thải của GDP (cường độ phát thải carbon trên một đơn vị GDP) vẫn ở mức cao.

Phóng viên: Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Theo bà, hành trình này sẽ cần những gì và Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam ra sao?

Bà Manuela V. Ferro: Để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tập trung nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài có năng suất cao. Ngành dịch vụ cũng có tiềm năng trở thành một động lực tăng trưởng bổ sung, đặc biệt khi được tiếp thêm sức mạnh từ đầu tư và gia tăng cạnh tranh.

Song song với đó, giảm phát thải carbon, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, sẽ là yếu tố then chốt để tăng khả năng cạnh tranh và giảm thiểu cường độ phát thải của GDP. Đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), là cấp thiết để bảo vệ việc làm trước nguy cơ tự động hóa, đồng thời thúc đẩy sản xuất hướng tới các hoạt động giá trị gia tăng cao hơn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới "Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao", vừa được công bố đã đưa ra các lựa chọn chiến lược và lộ trình phát triển cho đất nước. Sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong việc lập kế hoạch cho tương lai là một tín hiệu tích cực, và chúng tôi lạc quan về triển vọng của Việt Nam.

Chúng tôi tự hào về mối quan hệ hợp tác bền chặt với Việt Nam, bắt đầu từ khoản tài trợ đầu tiên vào năm 1978 thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – là nguồn vốn dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Thật đáng mừng khi được chứng kiến hành trình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, từ giai đoạn phục hồi sau chiến tranh đến vị thế quốc gia có thu nhập trung bình như bây giờ.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều biến động. Điều này đòi hỏi những chính sách mang tính chủ động, linh hoạt cùng các khoản đầu tư chiến lược. Về phía Ngân hàng Thế giới, chúng tôi sẵn sàng tài trợ cho những dự án đầu tư mang tính đột phá trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, số hóa, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, và nâng cao năng suất nông nghiệp, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Phóng viên: Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, bà đã đến Đồng bằng sông Cửu Long để gặp gỡ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp hưởng lợi từ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Xin bà chia sẻ về những trải nghiệm từ chuyến đi đó?

Bà Manuela V. Ferro: Trong chuyến thăm của mình, tôi đã chứng kiến cách người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng những công nghệ nông nghiệp sáng tạo. Đây là những công nghệ đang góp phần tạo ra cuộc cách mạng toàn diện của ngành trồng lúa. Phương pháp này không chỉ tăng năng suất, giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón mà còn giúp thu nhập của nông dân tăng đến 30%. Đồng thời, lượng khí thải methane – tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu – cũng giảm đáng kể.

Đầu tư vào hệ thống tưới tiêu hiện đại còn giúp mở rộng canh tác thêm nhiều loại cây trồng khác, một số phục vụ xuất khẩu, tạo ra nguồn thu nhập bổ sung. Khi đến Cần Thơ, tôi đã trực tiếp trao đổi với nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp nông nghiệp. Họ rất ủng hộ và mong muốn mở rộng quy mô áp dụng.

Ngân hàng Thế giới rất mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng mô hình này với mục tiêu phát triểu 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong đổi mới ngành nông nghiệp thật đáng kinh ngạc và kinh nghiệm từ Việt Nam đã được nhiều quốc gia khác học hỏi.

Phóng viên: Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giảm phát thải carbon không chỉ trong ngành nông nghiệp mà còn trong toàn bộ nền kinh tế. Bà đánh giá thế nào về nỗ lực này?

Bà Manuela V. Ferro: Ngành năng lượng là một nguồn phát thải lớn ở Việt Nam. Việc giảm phát thải của ngành này trong khi vẫn duy trì mức chi phí hợp lý là nhiệm vụ cấp thiết.

Khi các thị trường toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm được sản xuất từ năng lượng sạch, các ngành xuất khẩu chủ lục của Việt Nam cần thích ứng. Đồng thời, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo và chăn nuôi, cũng rất quan trọng.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động rõ nét tại Việt Nam, với tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt gia tăng và sự tàn phá tại các vùng ven biển. Để bảo đảm phát triển bền vững, Việt Nam cần tích cực ứng dụng và triển khai các công nghệ thân thiện với môi trường, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Ngân hàng Thế giới sẽ tổ chức Hội nghị bổ sung nguồn vốn IDA lần thứ 21 vào đầu tháng 12 tới tại Hàn Quốc. Xin bà hãy chia sẻ về vai trò của IDA đối với kinh tế Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác có thể học được gì từ hành trình phát triển của Việt Nam?

Bà Manuela V. Ferro: Đúng vậy, Ngân hàng Thế giới sẽ tổ chức Hội nghị bổ sung nguồn vốn IDA lần thứ 21 trong hai tuần tới. Hàn Quốc, với hành trình phát triển ấn tượng, là một minh chứng sinh động cho thấy sự kết hợp của các yếu tố bao gồm chính sách chủ động, tầm nhìn chiến lược và sự hỗ trợ từ IDA có thể mang lại những thành quả to lớn.

Có nhiều điểm tương đồng giữa Hàn Quốc và Việt Nam khi cả hai quốc gia đều từng trải qua thời kỳ khó khăn với chiến tranh khốc liệt, nhưng đã đứng dậy mạnh mẽ, vươn lên phát triển nhanh chóng.

Cứ ba năm, IDA được bổ sung thêm vốn để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới bằng các khoản vay ưu đãi và kỳ hạn dài. Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức Hội nghị lần này và đã công bố sẽ tăng 45% mức đóng góp cho IDA. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu vẫn cần sự hỗ trợ từ IDA.

Phóng viên: Xin bà hãy chia sẻ một thông điệp tới độc giả Việt Nam

Bà Manuela V. Ferro: Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời. Sự kiên cường và sức mạnh của người dân Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn lao. Với chúng tôi, được đóng góp vào sự phát triển của đất nước các bạn không chỉ là niềm vui mà còn là một vinh dự. Chúng tôi rất mong được đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình đạt mục tiêu quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Hà Nội sản xuất nông sản an toàn và hướng tới xuất khẩu

Hà Nội sản xuất nông sản an toàn và hướng tới xuất khẩu

Những ngày qua, bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Mưa bão làm thực phẩm tươi sống trở nên khan hiếm. Để giải quyết bài toán này, ngành Nông nghiệp Hà Nội chủ động xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực.

Top