Truyền thuyết của người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Vua Hùng đã sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn trở nên rất phổ biến đối với người Thái.
Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Tây Bắc, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu trò chơi ném còn. Để chuẩn bị cho ngày hội ném còn, các cô gái Thái đã chuẩn bị khâu quả còn trước vài tháng. Quả còn được bàn tay khéo léo của các cô thôn nữ Thái khâu bằng vải, hình trái còn to bằng quả cam lớn, bên trong có nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông. Bên ngoài còn được trang điểm bằng rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp.
Sân ném còn được tổ chức trên khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng và dựng một cây tre dài từ 15m - 20m. Trên ngọn cột tre, ngoài lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của hội xuân còn có một vòng tre đường kính ước khoảng hai gang tay, có quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném thủy tâm đó, coi như dành phần thắng.
Sân chơi ném còn là một bãi đất trống giữa bản.
Vào mùa xuân, các cô gái Thái mặc áo cóm cúc bạc để tham dự hội ném còn.
Với người Thái, hội ném còn mùa xuân là ngày hội lớn nhất trong năm. |
Cũng có khi sân chơi bên bờ suối. |
Quay quả còn trước khi ném. |
Người Thái ném còn thường chia làm hai đội,
cuộc thi có khi là giữa các bản với nhau. |
Ném còn với người Thái không phân biệt lứa tuổi.
. |
Những cổ động viên nhiệt tình.
Với người Thái, mỗi khi hội ném còn được tổ chức, có đến hàng nghìn bà con dân bản và du khách đến tham dự.
Kết thúc hội ném còn là những màn xòe đoàn kết. |
Trong tâm thức của người Thái, trò chơi ném còn có ý nghĩa rất đặc biệt. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái Lò Văn Ín ở Điện Biên cho biết: “Quả còn trong quan niệm của người Thái tượng trưng cho dương còn vòng tròn dán giấy đỏ trên cây tre tượng trưng cho âm. Người Thái chơi ném còn thể hiện âm - dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực. Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái rất hào hứng tham gia ném còn để cầu tự”.
Ngoài ra, khi tổ chức hội thi ném còn, quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông hay suối, chính là hướng về các bản làng người Thái vì người Thái thường sinh sống bên đầu nguồn con nước. Có lẽ vì thế, trò chơi ném còn vẫn trường tồn, trở thành trò chơi dân gian vui nhộn và thu hút nhiều người hào hứng tham gia nhất. Cánh chơi ném còn rất đơn giản, chỉ cần người chơi chia làm hai đội, đứng hai đầu cây tre và dùng quả còn xoay tròn ném lên vòng tròn treo trên đầu cây tre. Nếu đội nào ném trúng thủng vòng tròn thì thắng cuộc.
Hội ném còn của người Thái không phân biệt lứa tuổi, ai cũng có thể tham gia. Thậm chí, du khách miền xuôi lên vui hội, sẽ được các cô giái Thái duyên dáng trong váy cóm hướng dẫn bạn cách chơi. Nếu bạn là người thắng cuộc sẽ được các già làng thưởng cho chum rượu ngô hay chính quả còn bạn ném làm kỷ niệm./.
Bài và ảnh: Thông Thiện
Bài và ảnh: Thông Thiện