Là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương, vải Thanh Hà năm nay đón một mùa bội thu, đã và đang được xuất khẩu đi nhiều nước.
Với sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều Thanh Hà có chất lượng đặc biệt ngon. Năm 2007 vùng vải Thanh Hà đã được cấp “Chỉ dẫn địa lý vùng trồng vải Thanh Hà”. Trong những năm qua tỉnh Hải Dương đã đầu tư sản xuất vải an toàn theo quy trình VietGAP, Global GAP, hướng hữu cơ và cấp mã QR cho 25/25 xã của huyện Thanh Hà. Tỉnh Hải Dương có 399ha vải được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP( huyện Thanh Hà có 300 ha, Thị xã Chí Linh có 99ha ) sản lượng dự kiến 4.000 tấn.
Cục Bảo Vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU cho 13 vùng trồng vải có diện tích hơn 131 ha. Năm nay vải đã được Công ty CP xuất khẩu Đồng Giao xuất thử đi Anh 0,5 tấn, Công ty Rồng Đỏ xuất khẩu đi Úc 1,2 tấn, Công ty Minh Việt xuất khẩu đi Thái Lan, Singapor...
Người trồng vải Thanh Hà sản xuất vải theo quy trình VietGAP.
Vải Thanh Hà từ lâu đã được công nhận là một trong những loại vải ngon, có hương vị riêng biệt.
Những người nông dân Thanh Hà thu hoạch những quả vải đầu mùa trong vụ vải 2018.
Một góc khu sơ chế vải Thanh Hà tại Công ty Hưng Việt, Hải Dương.
Vải VietGap Thanh Hà được sơ chế chuẩn bị xuất khẩu qua thị trường nước ngoài.
Vải Thanh Hà được sơ chế cẩn thận trước khi tiêu thụ.
Để nâng cao giá trị cho quả vải, những năm gần đây tỉnh Hải Dương
đã chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu cho vải Thanh Hà.
Người trồng vải vui với đặc sản đã thành thương hiệu của mảnh đất Thanh Hà.
Người nông dân trồng vải ở Thanh Hà được tập huấn kỹ thuật sản xuất, đóng gói …theo những quy trình tiêu chuẩn.
Sản lượng vải quả hàng năm ở Thanh Hà đạt được từ 50.000- 60.000 tấn.
Nhiều điểm thu mua vải của thương lái được dựng lên ngay cạnh đường trong mùa vải ở Thanh Hà. |
Đúng vào mùa vụ, chúng tôi đến với lễ hội vải Thanh Hà và cảm nhận được không khí tấp nập thu mua, sơ chế của nhiều công ty trong đó có công ty Hưng Việt. Đây là công ty có quy mô lớn về xuất khẩu vải sang thị trường ASEAN. Mỗi ngày nhà máy thu mua và sơ chế 50 tấn vải, cung cấp cho các siêu thị phía Nam và phục vụ xuất khẩu.
Nhà máy sơ chế đóng gói, bảo quản rau củ quả tại công ty được đầu tư 66 tỷ đồng. Mỗi mùa vải Thanh Hà đến, nhà máy tập trung toàn bộ công nhân làm tăng ca để kịp các hợp đồng giao vải cho đối tác. Anh Tăng Xuân Trường, giám đốc công ty cho biết: "Thị trường các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaixia, Singapor, Lào... đều rất tiềm năng cho xuất khẩu vải thiều. Vải được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap nên khâu sơ chế vải cũng đơn giản và có thể đáp ứng vải xuất đi trong ngày là đến tay người tiêu thụ. Hưng Việt đang phấn đấu xuất khẩu vải sang Nhật, Úc và phủ rộng thị trường các nước Đông Nam Á".
Ông Phạm Thanh Hải- giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá tiềm năng và chất lượng của vải Thanh Hà trong đó chú trọng việc xuất khẩu. Tỉnh kết hợp làm lễ hội vải, du lịch vùng vải và kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với vùng trồng vải để hợp tác làm các sản phẩm nước uống từ vải, vải sấy khô./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường