Chân dung

Lương Trọng Quỳnh - Nghệ nhân dân gian giữ di sản hát chầu văn

Là thế hệ thứ 5 trong nghề Hát văn Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú Hát văn Lương Trọng Quỳnh đang nỗ lực đào tạo và truyền nghề cho lớp trẻ kế cận, nhằm giữ gìn bảo tồn nghệ thuật Hát văn - di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Hát theo phong cách văn Hà Nội cổ

Anh Lương Trọng Quỳnh vốn là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trung ương. Có năng khiếu nghệ thuật, lại được đào tạo bài bản tại ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, anh Lương Trọng Quỳnh không những là một diễn viên đa tài mà còn là một người luôn khát vọng gìn giữ những bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 22 tuổi, anh Quỳnh bắt đầu tiếp cận với hát văn và nhận thấy đây là loại hình nghệ thuật dân gian có sức hấp dẫn vì gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ ( Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Hát văn là bản tình ca cảm xúc tổng hòa của tay đàn, miệng hát, chân gõ phách là một thử thách thú vị cho những người ham học hỏi. Anh Quỳnh có thể hát được hầu hết các loại hình nghệ thuật kết hợp với múa và gõ nhạc cụ nên hát văn chính là thể loại để tài năng của anh có thể phát huy tối đa.

Đồng hành cùng anh là người cậu, vốn cũng là nghệ nhân hát văn. Ông thường hay đưa anh lên phố cổ, cho xem và để anh hát thử. Duyên nghiệp với hát văn đã theo nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh từ đó. Anh Quỳnh đã đi hát khắp mọi miền tổ quốc, từ các đền, phủ, tiệc thánh, đến các sự kiện văn hóa quốc gia. Không quản ngại khó khăn và luôn dày công luyện tập, có nhiều chuyến đi anh Quỳnh hát liên tục 10 tiếng liền, về nhà lại luyện giọng thu âm, anh nghiên cứu, sưu tập các bộ hát văn cổ lịch sử để thể hiện hát một cách bản sắc. Hiện, 
nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh đã thu âm thành công 4 bộ hát văn chính là Đức Thánh Trần, Thánh Gióng, mẫu Giáng Tiên Kỳ Lục, Chử Đồng Tử-Tiên Dung.


Nghệ nhân ưu tú Hát văn Lương Trọng Quỳnh.


Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh cùng các đồng nghiệp chuẩn bị cho một buổi hát văn.


Nhóm hát văn của anh Lương Trọng Quỳnh biểu diễn tại chùa Láng, Hà Nội.


Không những chơi được đàn Nguyệt, anh Lương Trọng Quỳnh còn thành thạo các nhạc cụ khác như trống, phách…




Các nhạc cụ của nghi lễ chầu văn như đàn Nguyệt, trống, phách…

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh hát theo phong cách văn Hà Nội cổ nên được công chúng rất yêu thích. Anh có chất giọng ấm, cách biểu diễn tinh tế và truyền được cốt hồn vào những bài hát văn lịch sử. Nhiều người nghe hát văn như bài văn chầu đệ tứ, bài Cô đôi thượng ngàn… do anh thể hiện mà ứa nước mắt. Điều này cho thấy các câu hát do anh thể hiện đã thấm vào tâm hồn người nghe một cách sâu lắng.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghệ thuật hát văn hiện đang được quan tâm bảo tồn ở Việt Nam, đặc biệt sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phong cách hát của anh Quỳnh được bạn bè trong và ngoài nước yêu mến… anh đã biểu diễn tại nhiều sân khấu quốc tế trong những giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Nghệ nhân Trọng Quỳnh đã được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2016 trao tặng giấy chứng nhận người đã có công gìn giữ và phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, Cục nghệ thuật biểu diễn tặng giấy chứng nhận người đã có công thực hành và truyền dạy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2014 anh được phong tặng Nghệ nhân Dân gian, năm 2019 được phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Giữ lửa nghề hát văn

Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long là nơi nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy. Anh muốn mang tâm huyết và kinh nghiệm của mình để truyền lửa cho những bạn trẻ đam mê  hát văn. Đến lớp học, mới cảm nhận được không khí rộn ràng từ bản tình ca của tiếng phách, thanh la, tiếng trống, tiếng đàn nguyệt trong tiếng hát say mê của từng học viên. Với lối hát đa dạng nên giai điệu hát văn cuốn hút mọi người ở từng nhịp điệu. Nghệ nhân Trọng Quỳnh uốn nắn học trò từ cách gõ nhạc, cách ngắt câu, nhấn chữ và cảm xúc theo từng bài hát. Anh cũng đưa học trò đi trải nghiệm hát thực tế tại nhiều đền, phủ để hiểu hơn những nét đẹp của loại hình này trong đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam.



Lớp dạy nhạc cụ hát văn của anh Lương Trọng Quỳnh.


Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh trực tiếp thị phạm cho học sinh của mình ở lớp học.


 Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh trao chứng nhận tốt nghiệp khóa học
“Hát chầu văn cơ bản” tại Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội).

Với nhiều hình thức biểu diễn: hát thi, hát thờ và hát lên đồng, diễn xướng theo các làn điệu như hát phú chênh, phú bình, phú nói, vãn, cờn…học trò học hát văn có nhiều cách để thể hiện và trau dồi lời văn. Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh chia sẻ rằng, anh rất trân quý các em học sinh ở xa Hà Nội, những người đã lặn lội hàng trăm km đến lớp học hát văn do mình đứng lớp. Đó cũng chính là những ghi nhận của Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh đối với cộng đồng.

Hiện kho tàng các bài hát văn lưu giữ khoảng 70 bài và nghệ nhân Trọng Quỳnh đều thu âm các lời để làm mẫu cho học sinh thể hiện, anh cố gắng truyền đạt dễ hiểu nhất những nét hấp dẫn của ca từ trong hát văn, nó vừa hấp dẫn vừa mang đậm bản sắc ngôn ngữ của văn học dân gian. Một năm nghệ nhân Trọng Quỳnh tổ chức khoảng 20 lớp học miễn phí và đào tạo truyền lửa cho 30 học viên thành nghề và anh mong muốn nhân rộng các lớp học hơn nữa để mọi người cùng cảm nhận nét đẹp văn hóa và tinh hoa của hát văn./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Thanh Giang

Quyền Thiện Đắc và hành trình phát triển Jazz Việt

Quyền Thiện Đắc và hành trình phát triển Jazz Việt

Được đào tào tại trường âm nhạc Berklee College of Music - Mỹ, trở về nước với số điểm tốt nghiệp cao nhất của ngành nhạc Jazz, trải qua nhiều chặng đường âm nhạc, nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Quyền Thiện Đắc đã xác định sứ mệnh của mình đó là phát triển và hình thành dòng nhạc Jazz tại Việt Nam dựa trên chất liệu dân gian – dân tộc.

Top