Khám phá

Lễ rước nước Hội làng Thổ Khối

Hội làng Thổ Khố ở xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội được được tổ chức vào đầu tháng 2 âm lịch hằng năm. Hội làng Thổ Khối diễn ra với nhiều hoạt động mang nét văn hóa đặc trưng truyền thống đồng bằng Bắc bộ nhưng để lại nhiều ấn tượng nhất là nghi thức rước nước từ sông Hồng.
Là lễ thức mở đầu hội, lễ rước nước cũng là phần quan trọng nhất. Đoàn rước nước đi lấy nước sạch trong, tinh khiết ở sông Hồng về để tắm tượng Thành Hoàng. Đây vừa thể hiện lòng thành kính, biết ơn với những vị thần được dân làng thờ phụng đồng thời cũng là mong ước của những cư dân ven sông cầu một năm thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu.

Người làng Thổ Khối làm lễ rước nước ngay trong sáng ngày khai hội. Đi đầu đoàn rước là đội cờ, trống, chiêng, bát bửu, phường bát âm, kiệu Thành Hoàng làng, kiệu chóe đựng nước, đội tế và cuối cùng là dân làng. Đoàn rước khởi thành từ đình Thổ Khối theo đường đê hướng ra sông Hồng.



Đoàn rước nước Hội làng Thổ Khối bắt đầu từ đình làng hướng ra sông Hồng.


Đình làng Thổ Khối thờ 6 vị Thành Hoàng. Trong ngày lễ cả 6 chiếc kiệu đều được rước trong đoàn đi rước nước.


Lễ tế cờ diễn ra ở sân đình làng trước khi khởi hành đoàn rước nước.


Dân làng rước kiệu Thành Hoàng làng ra sông Hồng lấy nước.


Chóe đựng nước được phủ vải đỏ, rước bằng một chiếc kiệu lớn do những người trung niên làng Thổ Khối rước đi.


Phường bát âm tấu lên những bài nhạc trong cả thời gian rước nước.


Trẻ em làng Thổ Khối tham gia đoàn rước nước.


Kiệu Thánh Bà do các cô gái làng Thổ Khối rước.


Kiệu Thánh Ông liên tục được xoay vòng, di chuyển nhanh trong hầu hết thời gian tham gia đoàn rước.


Hai thiếu nữ mang lư hương trong đoàn rước nước. 


Phường bát âm cổ vũ cho đoàn rước nước.


Kiệu rước chóe đựng nước được đưa lên thuyền để đi lấy nước giữa sông Hồng.


Đoàn rước làm lễ trên thuyền ra giữa sống lấy nước.


Chủ tế sẽ múc 37 gáo nước sạch trong vào chóe.


Nước sau đó được rước về đình để làm “lễ mật”.

Quãng đường dài gần 2 cây số nhưng phải mất gần 3 tiếng mới đến nơi. Hai chiếc kiệu Thánh Ông, kiệu Thánh Bà do các thanh niên làng Thổ Khối rước. Hai chiếc kiệu này lúc di chuyển bình thường theo đoàn một đoạn, lúc lại được rước chạy ngược hay xoay tròn nhiều vòng tạo nên nét sôi động rất khác biệt.

Khi tới bờ sông Hồng, những chiếc kiệu Thánh được để lại, mọi người xuống thuyền chỉ mang theo kiệu choé đựng nước. Thuyền ra đến giữa dòng nước trong, chủ tế sẽ làm lễ và múc đủ 37 gáo nước đổ vào chóe rồi hô thuyền về bờ. Đến bến, đoàn người lại trống dong cờ mở tạo nên một không gian lễ hội náo nhiệt trên đường về.

Lần này đoàn rước nước đi nhanh hơn để kịp giờ làm lễ. Nước trong chóe sau đó sẽ được đưa vào trong đình để làm “lễ mật”. Chỉ có hai người là ông từ và chủ tế được thực hiện nghi lễ này. Trong lúc ấy, những chàng trai, cô gái khỏe mạnh làng Thổ Khối trong trang phục truyền thống vẫn rước hai chiếc kiệu Thánh di chuyển, xoay vòng khắp đường làng và thường đến tận chiều muộn mới trở lại đình./.

 
Thực hiện: Việt Cường

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

Sáng nay, 22/01/2025, tức nhằm ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thượng nêu (Thướng tiêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu trong Đại Nội.

Top