Khám phá

Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Ho Srê

Lễ Nhô Lir bông (Mừng lúa mới ) của người Cơ Ho Srê tại huyện Di Linh, Lâm Đồng là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc nhất của người Cơ Ho Srê. Là nhóm có dân số lớn nhất, nhóm Cơ Ho Srê sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở cao nguyên Di Linh. Mới đây người Cơ Ho Srê đã tái hiện những nét đặc trưng nhất của Lễ hội Nhô Lir bông tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội.

Là những cư dân đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Cơ Ho luôn tự hào về truyền thống văn hóa rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc mình. Sự phong phú, đa dạng ấy được thể hiện qua mọi khía cạnh của đời sống, từ những làn điệu cồng chiêng, những khúc hát dân ca cho đến trang phục truyền thống và thể hiện rõ nét nhất trong những lễ hội dân gian độc đáo, khác lạ.

  Già làng và các thày cúng chuẩn bị cho phần lễ của ngày hội.  
  Tiết gà sẽ được bôi lên cây nêu, các mặt chiêng và bôi lên trán của các thành viên dự hội  
.
  Già làng thổi tù và báo hiệu trong phần đầu lễ Mừng lúa mới.

   Người Cơ Ho Srê đứng quanh cây nêu để làm các nghi thức trong lễ Mừng lúa mới.  

Sau một năm vất vả với nương rẫy, khi lúa đã chất đầy kho, người Cờ Ho sẽ mở hội Mừng lúa mới để tạ ơn trời và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, rẫy tốt tươi, cho lúa trên nương trĩu hạt. Người ta chuẩn bị lễ vật cho buổi lễ rất cẩn thận. Thông thường lễ vật gồm có rượu cần, gạo, cá khô, muối, xôi và trái cây. Trong phần lễ của người Cơ Ho Srê luôn có tục hiến sinh để tạ ơn Giàng. Vào những năm được mùa, lễ lớn thì họ sẽ hiến sinh trâu, nhỏ hơn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà.

  Già làng mời rượu, đeo vòng đồng cho khách mời, và dân làng. 
   Đội chiêng tấu bài Mừng khách trong Lễ mừng lúa mới.  
  Những cô gái Cơ Ho múa điệu xoang vòng quanh cây nêu.  

Vào sáng ngày hội, khi dân làng đã tụ tập đầy đủ quanh cây nêu, già làng sẽ thổi 3 hồi tù và và thành kính khấn xin Giàng (Trời), các thần linh cho dân làng khai hội. Tiếp đến, già làng sẽ tiến hành nghi thức linh thiêng nhất - lễ hiến sinh xin hạ dàn chiêng. Vật hiến sinh là một con gà trống, đầu tiên già làng dùng máu gà bôi lên cây nêu, các mặt chiêng, rồi lên trán của các thành viên để cầu sự may mắn, sức khỏe và cầu cho mùa rẫy năm sau trời cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. Khi dàn chiêng vừa hạ xuống, đội múa xoang sẽ múa vòng quanh cây nêu trong lúc dân làng nổi chiêng tấu bài Gung Me, Gung Mạ ( bài ca mừng khách). Tiếp đến là nghi thức khai ché, già làng sẽ rót rượu dâng lên Giàng rồi mời rượu, đeo vòng cườm, vòng đồng cho khách và người dự hội. Trong phần khai ché- nghi thức kết thúc phần lễ này, đội chiêng liên tục tấu bài chào mừng quan khách rồi cùng đội múa xoang di chuyển vòng quanh quanh cây nêu trong lời ca ngọt ngào của bài Nhu tơ nơm (uống rượu cần).

Thông thường, mở đầu cho phần hội dàn chiêng sẽ hòa tấu bản nhạc chiêng có tên Mừng khách, Cầu mưa… Rồi mọi người sẽ cùng uống rượu cần, cùng hát, múa những bài ca dân gian truyền thống. Cuộc vui cứ thế với men rượu cần càng lúc càng ngấm, tiếng chiêng càng lúc càng vang xa, giọng hát càng lúc càng ngọt ngào để mọi người càng thêm vui, thêm phấn khởi khi nghĩ đến những vụ mùa bội thu trong năm tới./.


Thực hiện: Việt Cường/VNP

Sài Gòn năng động

Sài Gòn năng động

Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh với những tòa nhà trọc trời, những ngôi chợ, bến cảng, các công trình văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh…..  tất cả nói lên vẻ đẹp năng động của trung tâm kinh tế - văn hóa phía Nam của Tổ quốc. 

Top