Khám phá

Lễ cúng sức khoẻ của người M’nông

Nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số M’nông sinh sống tại tỉnh Đắk Nông rất phong phú và đa dạng. Hầu hết các nghi lễ đều thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người trong cuộc sống. Lễ cúng sức khỏe là một trong những nghi lễ đặc trưng thường được tổ chức trong những ngày đầu năm mới.
Nghi lễ cúng sức khỏe theo tiếng M’nông gọi là Ôp Brah Broh Srê, là lễ cúng diễn ra thường niên tại các buôn làng, để cầu mong các đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu không bị ốm đau bệnh tật, người đang bị ốm thì nhanh chóng phục hồi sức khỏe, dân làng có cuộc sống bình yên hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, già làng kêu gọi con cháu thực hiện các công đoạn như khoanh vùng, dựng hàng rào, làm bàn cúng, dựng cây nêu, chuẩn bị lễ vật, giã gạo, nẩu cơm...

Bao quanh khu vực diễn ra lễ cúng là một hàng rào được làm bằng những cây có gai, cây chông. Quan niệm của người xưa cho rằng, những cây gai, cây chông này sẽ cản ruồi muỗi và những con vật gây hại đền sức khỏe con người xâm nhập vào buôn làng, để cho dân làng luôn được khỏe mạnh, bình an. Đây là một khâu chuẩn bị rất quan trọng, không thể thiếu trong lễ cúng sức khỏe.



Lễ cúng sức khỏe là lễ cúng diễn ra thường niên tại các buôn làng.


Lễ cúng sức khỏe diễn ra phía trước nhà Rông.


Rượu cần và vật tế lễ được chuẩn bị trước khi diễn ra lễ cúng.


Dê và vịt là 2 con vật dùng để tế lễ trong lễ cúng.


Lễ cúng sức khoẻ của người M’nông gồm lễ cúng ở ngoài sân và cúng trong nhà.


Già làng thực hiện nghi lễ cúng ngoài sân.


Già làng khấn trong lễ cúng sức khỏe.


Sau khi bà con trong làng tụ họp đông đủ, quây quần bên nhau, già làng dùng huyết dê và vịt để cầu mong sức khỏe cho người dân.


Già làng dùng huyết dê và huyết vịt (tượng trưng) làm phép cúng sức khỏe cho con cháu.


Để cầu mong cho già làng có thật nhiều sức khỏe, đại diện con cháu trong làng đeo chiếc vòng bằng đồng cho già làng.


Già làng trao cho con cháu mỗi người một chiếc vòng sức khỏe với ước muốn con cháu luôn được khỏe mạnh, bình an…


Những chum rượu cần được đổ đầy để mọi người cùng thưởng thức.


 Khi đã hoàn thành nghi thức cầu sức khỏe, già làng cùng con cháu quây quần bên nhau uống rượu cần, ca hát, nhảy múa…


Thông qua lễ cúng, mối quan hệ gắn bó, sự đồng cảm, chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng được tăng thêm.

Công tác chuẩn bị hoàn tất, già làng với bộ quần áo truyền thống, tay cầm chiếc M’buốt bước ra, thổi những tiếng dài kêu gọi con cháu tụ họp quanh cây nêu để tiến hành lễ cúng.

Lễ vật của lễ cúng sức khỏe bao gồm một con dê, một con vịt, bột nghệ, ché rượu cần, cơm...Già làng dùng huyết dê, huyết vịt trộn cùng bột nghệ, rượu rồi bôi lên người các con cháu, để trừ xóa chất độc, xua đuổi bệnh dịch, hết ốm đau bệnh tật. Già làng vừa bôi vừa khấn cầu xin cho dân làng có cuộc sống khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật để làm cái nương, cái rẫy thu được thật nhiều bắp, nhiều mì, cà phê tươi tốt, ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Sau khi kết thúc phần lễ, già làng mời các thần linh, các thần tốt bụng khác cùng dân làng uống rượu cần, ăn thịt dê, thịt vịt, cùng nhau đánh chiêng, múa hát.

Để cầu mong cho già làng có thật nhiều sức khỏe, đại diện con cháu trong làng đeo chiếc vòng bằng đồng cho già làng. Sau khi nhận vòng sức khỏe từ con cháu, già làng trao cho con cháu mỗi người một chiếc vòng sức khỏe với ước muốn con cháu luôn được khỏe mạnh, bình an.

Lễ cúng sức khỏe vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người M’nông, không chỉ thể hiện sự tôn trọng, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, mà còn thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh đã che chở cho buôn làng, dòng họ./.

 
Bài, ảnh: Công Đạt

Bài, ảnh: Công Đạt

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

23 tháng Chạp, Huế thượng nêu báo hiệu Tết đã về

Sáng nay, 22/01/2025, tức nhằm ngày 23 tháng chạp năm Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ thượng nêu (Thướng tiêu) tại Triệu Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu trong Đại Nội.

Top