Chân dung

Lão nghệ nhân làng tranh Đông Hồ

Ở làng tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người được xem như "báu vật sống" của làng tranh Đông Hồ. Cụ theo nghề từ năm lên 3 tuổi nên tay nghề rất điêu luyện. Nay ở tuổi 80, cụ đem hết vốn nghề truyền lại cho con cháu với mong mỏi sẽ gìn giữ được chút nghề xưa.

Làng Đông Hồ xưa có tên là làng Mái. Làng nằm ngay bên bờ Nam sông Đuống và nổi tiếng với nghề làm tranh mà dân gian vẫn quen gọi là tranh Đông Hồ. Báo ảnh Việt Nam cũng đã có rất nhiều bài giới thiệu về làng tranh dân gian độc đáo này.

Tháng 3 vừa qua, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, giai đoạn 2012 – 2016.

Mới đây, chúng tôi đã có chuyến về thăm lại làng tranh Đông Hồ và tìm gặp lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Từ trên con đê đầu làng, hỏi thăm dân làng ai cũng biết tường tận về lão nghệ nhân nổi tiếng này.

Căn nhà cổ của lão nghệ nhân nằm sâu trong ngõ xóm. Nhà treo đầy tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ tranh sinh hoạt đời thường tới thể loại tranh phong cảnh được thể hiện dưới dạng những bộ tranh "tứ thời", "tứ bình". Tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam bồi hồi nhớ lại quá khứ của mình. Lúc mới lên 3 tuổi, ông đã được cha hướng dẫn cho làm quen với nghề làm tranh. Lên 5 tuổi đã biết giúp cha sơn hồ, quét điệp lên giấy dó và bắt đầu học cách in tranh cho đúng màu sắc. Tới 7 tuổi đã có thể vẽ được bằng bút và làm được những mẫu tranh thuộc dạng khó nhất của dòng tranh Đông Hồ. Năm tháng qua đi, cái hồn tranh dân gian Đông Hồ níu kéo giữ ông sống trọn đời với nghề tranh cho đến tận bây giờ.

Cụ Sam cho biết, làng có 17 dòng họ cùng làm nghề tranh. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, nghề tranh Đông Hồ phát triển cực thịnh. Thậm chí, Tết năm Ất Dậu 1945, giữa lúc nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp nơi, chợ tranh làng Đông Hồ vẫn mở. Nguyễn Hữu Sam lúc đó được bố mẹ cho gánh tranh ra chợ bán, không ngờ đó cũng chính là phiên chợ tranh ngày Tết cuối cùng của làng mà bản thân ông được tận mắt chứng kiến.
 

Ở tuổi ngoài 80, lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn miệt mài vẽ tranh Đông Hồ.

Bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tô vẽ tỉ mỉ từng đường nét trên một bản khắc cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam bên bộ tranh tứ bình “Vịnh hoa quý”.

Tủ lưu giữ hàng trăm bản khắc in tranh cổ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Một trong số hơn 600 bản khắc in tranh cổ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Phòng tranh dân gian Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nối nghiệp cha gìn giữ nghề tranh dân gian Đông Hồ.

Chị Nguyễn Thị Oanh, con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (ngồi bên bàn)  miệt mài vẽ tranh Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam luôn tâm huyết với nghề và mong chờ cơ hội phục hồi làng tranh xưa. Năm 1967, khi được địa phương giao trọng trách khôi phục dòng tranh dân gian truyền thống Đông Hồ, ông đã đứng ra tập hợp được 50 người làng có tay nghề, thu gom hàng trăm bản khắc gỗ in tranh để thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ. Nhờ đó mà những bức tranh dân gian nổi tiếng của Đông Hồ như “Đám cưới chuột”, “Gà trống”, “Đánh ghen”, “Vịnh hoa quý”… được hồi sinh. Nhiều sản phẩm tranh Đông Hồ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Đức, Singapore, Mỹ… Đến năm 1990, tình hình kinh tế thay đổi, tranh khó tiêu thụ, Hợp tác xã tranh Đông Hồ giải thể. Nhiều nhà làm tranh bỏ ván khắc. Xót xa trước thời cuộc, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đến từng nhà thu gom mua lại những bản khắc này. Bởi theo ông, bản khắc in tranh vô cùng quan trọng, nó chính là linh hồn của nghề làm tranh dân gian truyền thống Đông Hồ. Nhờ đó mà cho đến nay, ông vẫn còn giữ được hơn 600 bản khắc cổ rất quý giá. Ngoài ra, trong quá trình làm nghề ông còn sáng tác ra nhiều mẫu khắc in mới rất độc đáo.

Ngày nay, nghề làm tranh không còn phát triển thịnh vượng như xưa, nhiều gia đình trong làng đã bỏ nghề nhưng gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn quyết chí bám trụ gìn giữ nghề xưa bằng cách vừa tiếp tục in các mẫu tranh theo đề tài dân gian truyền thống và sáng tác thêm nhiều mẫu tranh mới phù hợp nhu cầu thị trường. Dưới sự dẫn dắt của ông, hai người con trai cũng quyết chí nối nghiệp cha làm tranh. Các cháu nội, cháu ngoại nhờ được ông tỉ mẩn truyền dạy cho từng công đoạn làm tranh nên nhiều đứa cũng đã thạo nghề. Anh Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam hiện làm chủ một cơ sở sản xuất tranh trong làng. Ngôi nhà của anh Nguyễn Hữu Quả nay đã trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài tới thưởng ngoạn và mua tranh.

Đối với nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghề làm tranh như cái nghiệp bởi nó nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình, nên ông quyết giữ nghề cho bằng được. Chính vì vậy, sự sống còn của nghề tranh truyền thống luôn trăn trở, day dứt trong ông. Ông ra sức truyền dạy hết bí quyết làm tranh cho con cháu với suy nghĩ rằng, nghề làng cũng là nghề nhà, con cháu trong nhà phải biết làm tranh, sống chết cũng phải cố giữ lấy nghề truyền thống.
 
Chị Nguyễn Thị Oanh, con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết, cha chồng mình rất yêu nghề, ông đã ra sức gây dựng nên cơ nghiệp này và luôn căn dặn con cháu giữ gìn nghề xưa để góp phần bảo tồn một dòng tranh quý của làng.

Nay đã ở tuổi ngoài 80, lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam vẫn khỏe, đôi mắt vẫn mắt tinh tường, đôi tay vẫn mềm mại trong từng nét vẽ. Căn nhà của ông lúc nào cũng ngập tràn màu sắc tươi vui của những bức tranh dân gian muôn màu muôn vẻ.
 
Một số tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam:
 

Bức tranh vẽ cảnh hội làng.

Bức tranh diễn tả cảnh thiếu phụ bế con vẽ tranh.

Bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng “Đám cưới chuột”.

Bức tranh vẽ cảnh hát quan họ ở vùng Kinh Bắc.

Bức tranh "Gà chọi".

Bức tranh "Lợn đàn".

Bức tranh "Công múa".
Bài: Hoàng Thị Hà - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
 

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top