Văn hóa

Khu di tích Đặng Thùy Trâm

Chúng tôi đến huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vùng đất mà cách đây gần nửa thế kỷ, Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (1942-1970) đã sống, chiến đấu, làm việc và ngã xuống khi còn rất trẻ, mới chưa đầy 28 tuổi đời, 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Người dân địa phương đã an táng chị ngay trên mãnh đất mà chị đã hi sinh và được gia đình cải táng về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội.
Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi đã lưu lại những dấu tích anh hùng của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đại diện cho lòng yêu nước, sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khu di tích Đặng Thùy Trâm bao gồm các hạng mục chính: Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ; Trạm phẫu thuật tiền phương ở núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh; Khu vực hồ Liệt Sơn, xã Phổ Hòa; Bệnh xá Đức Phổ tại đồi Gò Chày thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm…
 

Chân dung nữ bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm những ngày ác liệt tại Quảng Ngãi
trong phòng trưng bày của khu di tích. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Lễ khởi công xây dựng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Tư liệu)


Khuôn viên tưởng niệm Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại Khu di tích. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Toàn cảnh Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm là một công trình xã hội, được huy động đóng góp từ các chương trình từ thiện. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Thắp hương tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Nguyễn Luân)

«...
         Anh hùng Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, một bệnh xá nhỏ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
- Tháng 6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.
- Tháng 2/2006, Chủ tịch Nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam, Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm lúc sinh thời. Đây là nơi khám, chữa bệnh có mô hình đặc biệt bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng trên diện tích 3.900 mét vuông, gồm các khoa chức năng: nội, nhi, sản, răng - hàm - mặt, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, sơ cấp cứu ban đầu… với quy mô 10 giường bệnh và đầy đủ trang thiết bị y tế đảm bảo việc khám, điều trị cho hơn 40.000 dân trong khu vực. Hiện tỉ lệ sử dụng giường của bệnh xá luôn hết công suất, điều này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực quá tải cho y tế tuyến trên mà còn giảm đáng kể chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.

Về kiến trúc, Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm mang hơi hướng kiểu nhà Rông Tây Nguyên, dễ làm khách tham quan cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá càng giống khu nghỉ dưỡng có sân vườn. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ, đi tìm địa điểm mới an toàn hơn để dựng bệnh xá cứu chữa thương binh, tránh những trận càn của địch. Ngoài khu chữa bệnh đã kể trên, bệnh xá có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5 nói chung.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Tư liệu)

Phòng trưng bày hình ảnh liên quan đến Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5 nói chung. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Dụng cụ y tế của các trạm xá đã được sử dụng trên chiến trường Khu 5, trong cuộc kháng chiến
chống đế quốc Mỹ xâm lược. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Tấm vải dù bọc võng là một trong những kỷ vật hiếm hoi của Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Giây phút xúc động tại Trung tâm Việt Nam ở bang Texas, Mỹ. Người mẹ và gia đình được chạm vào cuốn nhật ký
của Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sau hơn 30 năm lưu lạc. (Ảnh: Tư liệu)

Bút tích của Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký đã được in thành sách. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Những trang nhật ký Xuân Canh Tuất (1970) được trưng bày tại phòng trưng bày Khu di tích Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Bệnh xá Đặng Thùy Châm vừa là nơi trưng bày, tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
vừa là nơi khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Khu di tích Đặng Thùy Trâm như một công trình tri ân với các liệt sĩ,
bác sĩ đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Bia chỉ dẫn đường vào Khu di tích Đặng Thùy Trâm. (Ảnh: Nguyễn Luân)

Đặc biệt, hành trình cuốn nhật ký của nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm từ một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst từng tham chiến tại chiến trường huyện Đức Phổ sau bao năm cất giữ rồi chuyển giao cho Viện Lưu trữ về Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Texas, Lubbock bảo quản, đã trở về Việt Nam và được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, phát hành. Từ đây, cuộc đời hoạt động anh dũng của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trên quê hương Đức Phổ anh hùng đã được đông đảo công chúng biết đến và khâm phục.

Cách đó khoảng 500m là tấm bia chỉ dẫn đường vào các di tích lưu dấu cuộc đời hoạt động của Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm thuộc thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường. Bia làm bằng chất liệu đá granit, cao 2m, bề ngang 1,6m, mặt chính diện hướng về quốc lộ 1A ghi dòng chữ “Đường lên Khu di tích Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm”, mặt bên của bia ghi dòng chữ “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Đây là hạng mục quan trọng đánh dấu mốc hoàn thành tuyến đường nối từ quốc lộ 1A vào Khu di tích Đặng Thùy Trâm.

Theo tuyến đường này, đi khoảng 5km, trước mặt chúng tôi đã là một khoảng nước mênh mông, xung quanh là những con đường mòn nhỏ hẹp chạy uốn khúc, đó là hồ Liệt Sơn thuộc xã Phổ Hòa. Bao quanh hồ là núi rừng trùng điệp, khá hiểm trở. Không gian như ngừng lại, hình ảnh bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm xông pha trong gian khổ, không quản ngại khó khăn để chăm sóc cho thương, bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến với một tâm hồn lạc quan, yêu đời đã hiện ra trước mặt chúng tôi…Những hình ảnh ấy thực sự là bất tử với tuổi trẻ Việt Nam, luôn khát khao cống hiến./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân và Tư liệu

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân và Tư liệu

Thời khắc lịch sử - Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thời khắc lịch sử - Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng nay, ngày 30/11/2024 đã trở thành thời khắc mang dấu ấn lịch sử đối với hơn 1,2 triệu người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với số phiếu tán thành rất cao, 458/461 phiếu, chiếm 95,62% tổng số đại biểu tham gia phiên họp.

Top