Tiềm năng địa phương

Khởi sắc nghề gốm ở Kim Lan

Từ nguyên liệu đất làng, qua bàn tay khéo léo cùng với việc sử dụng công nghệ mới trong sản xuất đã giúp đời sống kinh tế của các hộ dân làng gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày càng phát triển khi sản phẩm gốm của họ tìm lại chỗ đứng trên thị trường.
Đã có một thời gian dài, các hộ làm gốm ở Kim Lan sử dụng lò nung than truyền thống. Than sẽ được nghiền nhỏ trộn với sỉ, đất, nước sau đó đắp từng bánh nhỏ lên tường cho khô. Sản phẩm gốm mộc được xếp vào lò nung đan xen với từng bánh than sẽ được nung chín trong vòng một vài ngày.

Tuy nhiên, do khả năng cách nhiệt kém, các lò than tiêu tốn một lượng năng lượng lớn, đồng thời gây ô nhiễm làng nghề với bụi và khói, làm nguy hại đến sức khỏe của trẻ em và các gia đình sống gần lò nung.

Nắm bắt được những khó khăn về nguồn vốn cũng như sự e ngại phải đầu từ thêm của người dân, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Công Thương đưa ra cơ chế tài trợ vốn 6,5 triệu USD thuộc chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh. Trong đó, Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tài trợ 50 % số vốn cho các hộ gia đình muốn mở rộng sản xuất, chuyển đổi từ đun gốm thủ công sang đun công nghiệp tại làng gốm sứ Kim Lan.



Ngoài việc nung gốm bằng lò ga, mọi công đoạn làm gốm
của người dân làng Kim Lan vẫn theo cách thủ công thông thường.



Tùy theo đơn đặt hàng, các nghệ nhân của làng gốm Kim Lan sẽ làm những sản phẩm gốm nặn tay tinh xảo.
Những sản phẩm này được thực hiện kỳ công hơn và giá thành cũng cao hơn sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng khuôn.



Một xưởng sản xuất chậu cây cảnh ở làng gốm Kim Lan.


Một người dân ở Kim Lan đang tạo họa tiết trên sản phẩm chum đựng rượu cần.


Làng gốm Kim Lan chủ yếu sản xuất các mặt hàng gia dụng như âu,
liễn dùng để kho cá, muối dưa...Trong ảnh là các sản phẩm thô đang chuẩn bị cho công đoạn tráng men.



Sản xuất ngói gốm cũng là một sản phẩm đặc trưng của làng gốm Kim Lan.


 Cách đây 5 năm, tại Kim Lan có hơn 1000  lò đun gốm thủ công.
Từ khi có công nghệ đun gốm bằng ga, cả xã Kim Lan chỉ còn hơn 100 hộ sản xuất gốm theo lối truyền thống.



Có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm gốm, sứ ở khắp các con đường, lối xóm ở Kim Lan.


Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng lò đun than còn hạn chế
bởi khả năng rủi ro cao, xác suất hỏng nhiều và được số lượng ít.



Với hệ thống lò đốt bằng ga, tối đa thời gian đun chỉ trong 20 tiếng,
mất 2 ngày kể từ ngày vào lò, sản phẩm có thể xuất bán được.



Chum, vại đựng rượu cần là các sản phẩm phổ biến và được sản xuất nhiều ở làng gốm Kim Lan.


Sản phẩm ngói gốm của làng nghề Kim Lan được vận chuyển đi tiêu thụ
tại các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Trị…



Từ nguyên liệu đất làng, với việc áp dụng công nghệ đun gốm bằng ga, sản phẩm gốm Kim Lan
tăng tính cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lan, một trong số những người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án hỗ trợ đầu tư xanh cho biết: "Gia đình được hỗ trợ vốn hơn 100 triệu đồng từ dự án và đã đầu tư một lò nung bằng ga, bước đầu đã cho hiệu quả rõ rệt so với nung truyền thống".

Cũng theo anh Lan, nếu sử dụng lò đun than, trung bình mất khoảng 6 ngày mới được 1 lò. Trong đó, thời gian xếp lò mất 1,5 ngày, thời gian đun mất 4 ngày, chờ sản phẩm nguội để ra lò mất 1 ngày mới đem xuất bán được. Nhưng từ khi có hệ thống lò đốt bằng ga, với sản phẩm gốm, sứ thời gian đun rút xuống chỉ trong 20 tiếng, mất 2 ngày kể từ ngày vào lò, sản phẩm có thể xuất bán được.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Kim Lan, cách đây 5 năm về trước, tại Kim Lan có hơn 1000 nóc lò đun gốm thủ công. Từ khi có công nghệ đun gốm bằng ga, xã Kim Lan hiện chỉ còn hơn 100 hộ sản xuất theo lối truyền thống. Các sản phẩm gốm, sứ của Kim Lan chủ yếu bán đi khắp các vùng trong cả nước với các mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng.

Việc sử dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất gốm sứ Kim Lan đã cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế của các hộ dân cũng như bảo đảm môi trường và giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường./.

 
Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Công Đạt

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Top