Giai đoạn từ 2018 – 2020, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được 2.439 chủ thể tham gia với 4.469 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số sản phẩm OCOP nhiều nhất so với cả nước với 1.054 sản phẩm. Nhiều loại đặc sản đã được xuất khẩu ra thế giới và được bạn bè quốc tế biết đến.
Đó là con số ấn tượng được công bố tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – gọi tắt là Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 vừa diễn ra vào cuối tháng 3 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tới dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình OCOP, trong đó có 59/63 tỉnh thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm.
Các tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng lên đến 2.439, trong đó, khu vực tư nhân chiếm 59%, 27% là doanh nghiệp còn lại là hợp tác xã.
Kết quả sau gần 3 năm thực hiện, có 4.469 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (chiếm 62,2%). Ngoài ra, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia
Xây dựng Nông thôn mới tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP bên ngoài Hội nghị.

Sau 3 năm triển khai, có 4.469 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên.
Lễ công bố Hệ thống Quản lý Giám sát sản phẩm OCOP quốc gia.
Vinh danh các tập thể, chủ thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.
Tái hiện không gian văn hóa trà vùng cao bên ngoài Hội nghị tổng kết.
Nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu bên ngoài Hội nghị, thu hút sự quan tâm của khách tham quan.
|
Giai đoạn 2018-2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP; trong đó, có từ 500 sản phẩm được xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia theo quy định. Đến nay, riêng Thủ đô Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP; trong đó có có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao - chiếm 2,2%, 421 sản phẩm 4 sao chiếm 66,8%; 195 sản phẩm 3 sao chiếm 31% của 50 doanh nghiệp, 57 hợp tác xã và 52 hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 3.000 lao động khu vực nông thôn.
Hiện Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và Tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá phân hạng khoảng trên 370 sản phẩm để hoàn thành trong tháng 12 này. Thành phố phấn đấu đến hết năm nay có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Cũng trong năm 2020, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Hà Nội cũng đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền..., góp phần giúp các chủ thể OCOP tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định sẽ phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất 400 sản phẩm OCOP mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân vùng nông thôn mà còn hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong thời gian tới cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy chương trình OCOP đi vào chiều sâu hơn nữa nhằm đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt tránh làm OCOP theo phong trào mà không tính tới hiệu quả kinh tế, công nhận sản phẩm OCOP mang tính xuê xoa, cả nể mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của chương trình.../.
Một số các sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế:
|
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện có 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
|
Bài: VNP - Ảnh: Hoàng Hà