Nghệ thuật

Hồi sinh những mảnh gốm vỡ

Với những chiếc bình gốm vỡ, thường người ta sẽ bỏ đi, nhưng dưới bàn tay của anh Ngô Duy Cường- Chủ thương hiệu Mori Art lại biến thành những bức tranh đa màu sắc hay những chiếc bàn nhỏ xinh có tính ứng dụng cao trong đời sống.
Anh Ngô Duy Cường chia sẻ, những tác phẩm của anh thường phải làm từ gốm vỡ vì nó được tạo thành từ những mảnh ghép nhỏ. Nguyên liệu được anh lấy từ Bát Tràng, Phù Lãng và của những bình gốm vỡ bị bỏ đi. Anh hay mua về rồi tuỳ vào độ dày, mỏng sẽ quyết định dùng vào từng sản phẩm khác nhau.

Bắt tay làm từ năm 2018, ban đầu chỉ làm chơi theo kiểu mày mò, sáng tác. Sau dần thấy bạn bè đặt mua nhiều, anh mới có ý định đưa vào sản xuất sản phẩm.

Theo anh Cường, ban đầu làm gặp không ít khó khăn về nguyên liệu cũng như dụng cụ. Anh phải đích thân đi tìm thu mua để nguyên liệu được đa dạng theo ý mình. Những mảnh gốm cứng nên cần tìm mua kìm chuyên dụng, điều này không hề dễ dàng ở Việt Nam. Mất vài tháng tìm kiếm thì đến giờ nguồn nguyên liệu đã ổn định hơn, dụng cụ cũng phong phú hơn
 nên có thể làm ra sản phẩm đều đặn.


Xuất phát từ thông điệp bảo vệ môi trường, anh Ngô Duy Cường đã sáng lập ra thương hiệu Mori Art
với mong muốn sẽ tận dụng được những chiếc gốm vỡ vụn để làm ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao trong đời sống thường ngày. Ảnh: Khánh Long


Nhiều bạn trẻ tham gia Mori Art bởi tính sáng tạo tự do, độc đáo không gò ép vào khuôn khổ nào. Ảnh: Khánh Long


Các tác phẩm sẽ được phác thảo lên gỗ trước khi ghép gốm. Ảnh: Khánh Long


Để có những mảnh ghép phù hợp với vị trí gắn đòi hỏi người làm phải rất khéo léo để ko bị to hay nhỏ quá khi ghép vào. Ảnh: Khánh Long


Các mảnh gốm được kết dính với nhau bằng keo dính chuyên dụng. Ảnh: Khánh Long


Công đoạn gắn các mảnh gốm đòi hỏi sự tập trung cũng như tỉ mỉ đến từng chi tiết của người làm. Ảnh: Khánh Long


Không gian sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo từ mảnh gốm ghép của các bạn trẻ Mori Art. Ảnh: Khánh Long

Để làm được một tác phẩm tranh hay mặt bàn ghép gốm cũng đều phải qua các công đoạn phác thảo ý tưởng chủ đề cho tác phẩm, sau đấy sẽ phải cắt gốm để ghép và hoàn thiện. Công đoạn lên ý tưởng và ghép đều khó, bởi đôi khi ý tưởng và cách diễn tả trên sản phẩm thực tế không khớp nhau. Đến nay, chủ đề được anh Cường lựa chọn chủ yếu là các loại hoa và con vật với các tông màu đa dạng. Bên cạnh đó, công đoạn bấm gốm để xếp các miếng nhỏ tạo thành sản phẩm là công đoạn mất thời gian nhất, những mảnh gốm với nhiều kích cỡ khác nhau thì sẽ càng tạo thành sản phẩm đẹp.

Việc hoàn thành một tác phẩm tuỳ thuộc vào kích cỡ sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, kích cỡ sản phẩm của Mori Art chủ yếu là 50-70cm. Người làm thường mất 5 đến 7 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm tranh, bàn làm bằng gốm ghép của thương hiệu Mori Art chủ yếu được sử dụng trong không gian bài trí của những ngôi nhà, quán cà phê. Các sản phẩm có mức giá dao động từ 3 đến 5 triệu đồng/tranh gốm, 5 đến 7 triệu/ bàn gốm.

Anh Cường cho biết, sắp tới Mori Art sẽ triển khai thêm những sản phẩm có hoạ tiết chủ đề truyền thống của Việt Nam và làm thêm những sản phẩm để trưng bày trong không gian sân vườn./.


Các tác phẩm ấn tượng được làm từ những mảnh gốm. Ảnh: Tư liệu


















Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long & tư liệu

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top