Chợ là một hình ảnh quen thuộc đã gắn bó bao đời với người Việt Nam và được ví như một kho tàng văn hóa đậm chất vùng miền của người Việt. Bởi vậy, cuộc Triển lãm “Chuyện của chợ” vừa được tổ chức tại tàng Phụ nữ Việt Nam là một sự kiện khơi gợi ký ức như một lời nhắc nhở về sự bảo tồn và phát huy những nét đẹp của chợ Việt trong quá trình đô thị hóa như hiện nay.
Có một nhà khoa học nữ của Việt Nam sống ở Mỹ, trong bức thư gửi về cho người bạn đã nói lên nỗi mong ước duy nhất của mình khi trở về quê hương đó là chỉ để được đi chợ. Bởi ở phương Tây, nhà khoa học này thấy rằng, chợ sự máy móc hoá của các siêu thị trong nền thương mại hiện đại.
Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn nhà khoa học này, nỗi nhớ quê hương, xứ sở mang đậm hình ảnh phiên chợ quê trong cảnh chen chúc, đông đúc và có thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào, thiếu sạch sẽ nhưng vô cùng ấm áp. Người đi chợ có thể tay nắm tay, vai chạm vai, mắt nhìn nhau, được hỏi han, mời chào như người nhà... được nghe những mùi vị thơm thảo của xứ sở quê hương lan toả khắp không gian.

Toàn cảnh phiên chợ quê được mô phỏng lại trong khu vực sân của Bảo tàng Phụ nữ.

Hàng quán trong Triển lãm được dựng lại mô phỏng theo những phiên chợ Việt xưa.

Hàng hóa ở chợ quê xưa thường được treo lên như thế này để khách hành dễ nhìn thấy.

Một góc quán nước trà trong các phiên chợ quê. Đây là những hàng quán không thể thiếu của một phiên chợ quê.

Chợ quê là nơi thường bán hàng hóa do chính người dân địa phương làm ra: ngô, khoai, các loại rau củ quả,…

Những hàng quán bán đồ ăn vặt được ví như là một góc ẩm thực của phiên chợ quê.

Bánh trôi tàu, một món quà quê đã rất gần gũi với người Việt.

Một số khách mua tham quan Triển lãm đã trực tiếp tham gia làm các món quà vặt để tìm lại không khí thực sự của chợ quê.

Ở các vùng quê, người ta thường đợi đến chợ phiên để lên đó mua về những loại thực phẩm khô như đỗ, gạo nếp,…
dữ trự trong nhà để chủ động khi có việc dùng.

Ngày xưa khi chưa có các thiết bị giữ nóng, người dân thường sử dụng ấm ủ để giữ cho những ấm trà nóng được lâu hơn.

Chợ quê có một điều vô cùng đặc biệt đó là thực phẩm đều là thực phẩm tươi, bán trong ngày.

Những dụng cụ được các bà, các mẹ sử dụng để đựng đồ mang ra chợ bán.

Những đồng tiền cổ dùng để trao đổi hàng hóa trong các phiên chợ xưa.

Những chiếc giỏ đựng đồ được các bà, các mẹ mang đi mỗi dịp chợ phiên.

Một góc phiên chợ quê với những hàng hóa quen thuộc với người dân thôn quê.

Khách du lịch nước ngoài cũng rất hào hứng với những gian hàng bán rau củ quả tươi của chợ quê được mô phỏng trong triển lãm.

Một góc phiên chợ xưa được tái hiện trong Triển lãm.

Triển lãm chợ quê đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều chị em phụ nữ bởi hình ảnh chợ gắn liền với người phụ nữ Việt Nam. |
Vô vàn những điều thú vị, bất ngờ cùng những niềm vui và sự ấm áp tình người có thể cảm nhận được ở một phiên chợ Việt xưa. Hôm nay, đến triển lãm “Chuyện của chợ” thật bất ngờ khi tại đây chúng tôi vẫn cảm nhận được một phần tinh thần của phiên chợ xưa. Có cùng đồng cảm như chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhi một cán bộ đã về hưu vừa chỉ vào những chiếc đấu đong gạo được trưng bày trong triển lãm và chia sẻ về ký ức của phiên chợ quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, nơi bà sinh ra. Trước năm 1972, bà hay theo phụ mẹ bán gạo ở chợ Khoái Châu nên khi nhìn thấy chiếc đấu đong gạo như gợi nhớ ký ức của bà về tuổi thơ đầy nhọc nhằn.
Nhưng trong quá trình đô thị hóa như hiện nay, những giá trị văn hóa của chợ Việt đang bị mai một dần trong cuộc sống hiện đại. Bà Nhi cho biết, năm 1972 bà chuyển ra Hà Nội công tác thì thường xuyên đi chợ Cửa Nam và chợ Hàng Da. Bây giờ các chợ này đã trở thành siêu thị, trung tâm mua sắm.
Còn trong ký ức của bà Lê Thị Lân – giám đốc CFRC (Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng) chia sẻ về ký ức chợ xưa với chúng tôi rằng rằng: “Chợ quê là nơi vô cùng thân thiện, thi vị và đầy ắp tình người. Đó là nơi mà cả người bán và người mua đều có những nét mặt rất gần gũi cởi mở thân thương”.
Trở lại với thực tại, Bà Lân cho biết, hằng ngày bà đến chợ rất vội vàng mua nhanh để về còn kịp đi làm hay đón con đón cháu. Cho nên bây giờ mọi người thường để ý đến hàng hóa, giá cả nhiều hơn là trò chuyện. Ngày nay, sự giao lưu giữa người bán hàng với người mua hàng gần như là rất ít.
Đối với bà Lân, bà Nhi và những người đã được đắm mình vào văn hóa của những phiên chợ xưa, triển lãm “Chuyện của chợ” như một lời nhắc nhở, tri ân với một nét đẹp văn hóa của dân tộc./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Nguyễn Văn Quyền