Nghệ thuật

Họa sĩ Mộng Bích với những tác phẩm “Đi giữa hai thế kỷ”

Với 30 tác phẩm, bao gồm tranh lụa, màu nước và ký họa tiêu biểu xuyên suốt hành trình sáng tạo của bà trong hơn sáu thập kỷ từ năm 1960 đến nay, những tác phẩm của họa sĩ Mộng Bích được giới thiệu tới người xem là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của bà.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) và là học trò của những tên tuổi lớn như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng… Mộng Bích là một trong số ít các nữ họa sĩ ở lúc bấy giờ đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng, trong đó có thể kể đến bức tranh "Mẹ và con" (Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa Liên khu Việt Bắc, năm 1961) hay bức tranh "Bà già" (Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1993)...

Trong suốt cuộc đời mình, bà chưa bao giờ theo đuổi trào lưu hội họa, tìm kiếm những phương thức biểu hiện mới lạ hay cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự kiên trì, đức tính khiêm nhường và sự đam mê dành cho hội họa của họa sĩ Mộng Bích đã khiến tác phẩm của bà đong đầy giá trị mỹ thuật và lịch sử. Những tác phẩm của bà như một tấm vé đưa người xem ngược dòng thời gian để đắm mình trong thế giới ấy một lần nữa.



Đến nay, dù đã xấp xỉ 90 tuổi, họa sĩ Mộng Bích vẫn tiếp tục kiên trì vẽ về những thứ diễn ra trong cuộc sống thường ngày của bà. Ảnh: Tư liệu


Họa sĩ Mộng Bích trả lời báo chí trong buổi Họp báo giới thiệu triển lãm tranh “Đi giữa hai thế kỷ” tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.


Họa sĩ Mộng Bích giới thiệu những bức tranh trong cuốn sách của mình cho các bạn trẻ Thủ đô.


Khán giả Thủ đô tham quan triển lãm tranh “Đi giữa hai thế kỷ” của họa sĩ Mộng Bích tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

Ngắm nhìn những tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ” được tổ chức ở Viện Pháp tại Hà Nội, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những bức chân dung đầy ám ảnh đã làm nên tên tuổi Mộng Bích mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh qua lời kể của họa sĩ, để có thêm phương tiện cảm nhận đa chiều, sống động hơn về bối cảnh xã hội cũng như thế giới nhân vật trong tranh của bà. Từ bà lão ăn mày vô tình bắt gặp trên đường đến người thầy đáng kính Trần Văn Cẩn, từ quang cảnh xóm Chăm chìm trong hoàng hôn cùng bầu trời đỏ rực đến chiếc rổ sảo, bình gốm trong căn nhà họa sĩ đang sống. Tất cả được miêu tả vô cùng sống động bằng nét vẽ như lại giống như đang nghe bà kể lại cảnh vật thiên nhiên, cuộc sống và con người bà đã gặp trong suốt sáu thập kỷ qua.

Nhìn những bức tranh chân dung có thể thấy họa sĩ Mộng Bích biết cách duy trì mối liên kết cá nhân với những người bà vẽ. Các bức ký họa cho thấy phương pháp và sự khéo léo của bà trong việc nắm bắt những đường nét chính yêu của đối tượng. Các bức chân dung luôn đi kèm những câu chuyện, bởi ở mỗi chân dung bà đều "đào bới" như một nhà văn sống. Bà vẽ những ông bà người Chăm đầy trang trọng và ẩn chứa một nền văn hóa đã bị lãng quên, các cô gái mạnh mẽ không ngại bộc lộ mình với cách thức ăn mặc, đầu tóc mà phụ nữ ở 
thế hệ của bà không bao giờ vậy. Đặc biệt, vốn quan tâm sâu sắc tới bản chất con người và nỗi khổ của phụ nữ, người mẹ nên bà chú trọng sao cho có thể trung thành với nét mặt của họ. Những nhân vật hiển hiện trực tiếp trong các bức ký họa trên lụa được bà vẽ rất kỹ càng, vờn tỉa, chuốt nhiều lần. Vì thế khi xem có thể thấy những tác phẩm của họa sĩ Mộng Bích đều vừa mang tính nghệ thuật vừa có tính phổ quát của các giá trị nhân văn.

Đến nay, dù đã xấp xỉ 90 tuổi, họa sĩ Mộng Bích vẫn tiếp tục kiên trì vẽ về những thứ diễn ra trong cuộc sống thường ngày của bà ở ngôi làng Hiên Vân (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) một cách trong trẻo nhất trong tâm hồn với phong cách vẽ riêng của mình.

Đánh giá về phong cách hội họa cũng như những tác phẩm được vẽ trong suốt sáu thập kỷ của họa sĩ Mộng Bích, giáo sư Nora A. Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago cho biết : “Ở tuổi gần 90, Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hầu hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung đã trải qua trong thế kỷ trước. Triển lãm này là sự thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam”./.



Tác phẩm “Bà già”, tháng 10 năm 1993, màu nước trên lụa, kích thước 47,5x64 cm.


Tác phẩm “Mẹ và con” vẽ năm 1960, phác thảo chì trên giấy can, kích thước 64x52,5 cm


Tác phẩm “Múc nước chống hạn”, vẽ năm 1959 tại Hải Dương, phác thảo màu nước trên giấy, kích thước 52x42 cm.


Tác phẩm “Xay lúa” vẽ năm 1961 tại Võ Nhai – Thái Nguyên, ký họa màu nước trên giấy, kích thước 50x37 cm.


Tác phẩm “Làng trẻ Võ Nhai” vẽ năm 1963 tại Võ Nhai – Thái Nguyên, ký họa màu nước trên giấy, kích thước 51x34,5 cm.


Tác phẩm “Làng Giật”, bột màu trên giấy, kích thước 50x41 cm.


Tác phẩm “Tĩnh vật làng Na”, năm 2015, màu nước trên giấy, kích thước 48x36 cm.


Tác phẩm “Bà Ngữ”, năm 1992, màu nước trên giấy dó, kích thước 40,5x50,5 cm.


Tác phẩm “Bà mẹ già”, năm 1996, màu nước trên giấy dó, kích thước 40x50 cm.


Tác phẩm “Họa sĩ Trần Văn Cẩn”, màu nước trên giấy, kích thước 23x23 cm.


Tác phẩm “Cháu tôi”, năm 2002, màu nước trên lụa, kích thước 49x70 cm.


Tác phẩm “Em bé Hàn Quốc”, năm 2007, màu nước trên lụa, kích thước 43,8x53 cm.


Tác phẩm “Cô gái Hà Nội”, năm 1996, màu nước trên lụa, kích thước 37x52,5 cm.


Tác phẩm “Cô gái Chăm”, năm 1987, màu nước trên lụa, kích thước 36,5x46,5 cm.


Tác phẩm “Dệt thổ cẩm”, năm 1990, màu nước trên lụa, kích thước 47,5x64 cm.


Tác phẩm “Một chiều ở vùng Chăm”, năm 1995, màu nước trên lụa, kích thước 84,5x71 cm.


Tác phẩm “Cô gái người Dao ngồi băm rau”, tháng 3 năm 1961, ký họa màu nước trên giấy, kích thước 41,5x31,5 cm.


Tác phẩm “Niềm vui”, năm 2000, màu nước trên lụa, kích thước 130x93 cm.
 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Công Đạt & Tư liệu


Top