Chân dung

GS.TS Thái Kim Lan – ra đi để trở về

Sau hơn 50 năm sống và làm việc ở Đức, GS.TS Thái Kim Lan chọn trở về quê hương xứ Huế theo tiếng gọi của con tim không chỉ vì nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ dòng sông Hương thơ mộng và dãy núi Kim Phụng tím biếc mờ sương chất chứa nhiều kỉ niệm, mà thẳm sâu hơn trong nỗi lòng đầy trăn trở của người nữ trí thức mang đậm cốt cách tâm hồn Huế ấy là trở về để được góp một chút sức mình cho công cuộc tìm kiếm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế.

GS.TS Thái Kim Lan tâm sự rằng, thời trẻ lúc sang Tây du học, bà luôn có một khát khao đến cháy bỏng đó là học thành tài, cái sự học ấy không vì công danh sự nghiệp hay quyền cao chức trọng gì mà chỉ để giúp ích cho đất nước. Vì thế những năm tháng trên đất khách quê người bà đã dấn thân vào việc học để rồi trở thành một nữ giáo sư triết học người Việt đáng kính ngay chính trên quê hương của những triết gia lừng danh thế giới như Immanuel Kant, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Ludwig Andreas Feuerbach.... “Giờ nhìn lại cái hoài bão và lí tưởng ấy thấy nó như một sự mơ mộng của lứa tuổi thanh xuân, nhưng chính sự mơ mộng ấy là “thức ăn” nuôi dưỡng tinh thần học hỏi, lập thân và cống hiến của chúng tôi.”, GS Thái Kim Lan trải lòng.

GS.TS Thái Kim Lan, tên đầy đủ là Thái Thị Kim Lan, sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc của Huế xưa, có bà nội là người dạy học cho các cung nữ trong cung nhà Nguyễn. Ngoài sự ảnh hưởng gia phong và lễ giáo của gia đình, bản thân bà thuở thiếu thời cũng được theo học tại những ngôi trường nổi tiếng về giáo dục nhân cách và lễ nghi truyền thống của Huế như Quốc Học, Đồng Khánh, nên cái chất Huế trong con người bà vì thế càng thêm sâu đậm. Có lẽ vì thế mà nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân đã từng nhận xét rằng: “Thái Kim Lan là một mẫu người tiêu biểu của phụ nữ Huế”. Còn học giả Bửu Ý thì nói rằng: “Thái Kim Lan là mẫu người phụ nữ hiện đại theo cách mới, tức là vẫn rất nền nếp và rất truyền thống”.

GS.TS Thái Kim Lan - chủ nhân của "Lan viên cố tích" và Bảo tàng gốm cổ sông Hương. Ảnh: Công Đạt
Sau nhiều năm sưu tầm và gìn giữ, GS Thái Kim Lan đã có được bộ sưu tập gần 5.000 hiện vật gốm quý hiếm được trục vớt từ dòng sông Hương. Ảnh: Công Đạt 
Lễ khai trương Bảo tàng gốm cổ sông Hương tại nhà vườn "Lan viên cố tích". Ảnh: Tư liệu của nhân vật
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thăm Bảo tàng gốm cổ sông Hương của GS Thái Kim Lan. Ảnh: Tư liệu của nhân vật
Ông Phan Ngọc Thọ (áo trắng), Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đến dự triển lãm gốm cổ "Câu chuyện những dòng sông" của GS Thái Kim Lan tại Tuần lễ Festival Huế mùa hạ 2022. Ảnh: Tư liệu của nhân vật
TS Phan Thanh Hải (ở giữa), GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, thăm Bảo tàng gốm cổ sông Hương của GS Thái Kim Lan. Ảnh: Tư liệu của nhân vật
GS.TS Thái Kim Lan tiếp những người bạn đến từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID). Ảnh: Tư liệu của nhân vật

 Thái Kim Lan sang Đức du học năm 1965, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về triết học rồi được giữ lại làm giáo sư giảng dạy triết học so sánh Đông-Tây tại trường Đại học Tổng hợp Ludwig Maximilian ở Munich, Đức hơn 30 năm.

Sau bao năm xa quê, những tưởng bản tính Đức mạnh mẽ sẽ khiến cho cái chất Huế vốn khoan dung, mềm mỏng trong con người bà dần phai nhạt nhưng không phải thế. Bởi bà từng nói rằng: “Khi ra đi tôi mang theo trong mình cả một gia tài văn hóa, không phải chỉ tà áo dài hay mái tóc thề của người con gái xứ Huế mà trong tâm khảm là cả một gia tài văn hóa Huế. Vì thế dù có ở trời Tây, ăn bơ sữa đến mấy thì cái gia tài ấy cũng không bao giờ phai mờ được.”.

Vì thế sau này khi có dịp nói chuyện với giới trẻ trong nước bà thường chia sẻ với họ rằng, người trẻ là những người dễ bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nên từ quê nhà bước ra thế giới rộng lớn phải biết làm gì để vững vàng trước thử thách của hội nhập, bởi chúng ta hội nhập với thế giới không nghĩa chúng ta phải đồng hóa với thế giới.

GS Thái Kim Lan – người phụ nữ mang đậm cốt cách và tinh thần Huế. Ảnh: Công Đạt
Một chút Tây hóa điệu đà của chiếc mũ rộng vành làm tôn thêm vẻ đẹp đậm chất Huế của GS Thái Kim Lan. Ảnh: Công Đạt
GS Thái Kim Lan tổ chức lễ thượng nêu ngày Tết theo nghi thức truyền thống Huế tại nhà vườn "Lan viên cố tích". Ảnh: Tư liệu của nhân vật
GS Thái Kim Lan và những người bạn yêu văn hóa Huế. Ảnh: Tư liệu của nhân vật
Một buổi giao lưu văn hóa và giới thiệu áo dài truyền thống Huế tại “Lan viên cố tích”. Ảnh: Tư liệu của nhân vật
GS Thái Kim Lan trao đổi những câu chuyện văn hóa thú vị với người bạn nước ngoài. Ảnh: Tư liệu của tác giả
Những người bạn Huế thưởng thức các món ăn truyền thống Huế do chính tay GS Thái Kim Lan làm đãi khách. Ảnh: Tư liệu của nhân vật 

 GS.TS Thái Kim Lan là một trong những trí thức Việt kiều đầu tiên đã trở về Việt Nam rất sớm sau chiến tranh. Bà về nước sáng lập hội hữu nghị Đức – Việt và kêu gọi đầu tư từ Đức ngay sau khi lệnh cấm vận Việt Nam được dỡ bỏ. Từ đó đến nay bà đi về nhiều lần với nhiều dự án ấp ủ lớn nhỏ khác nhau.

Năm 2001, GS.TS Thái Kim Lan về nước giúp Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) phục dựng lại vở tuồng cổ "Lộ Địch" vốn đã bị mai một, thất truyền từ sau 1975. Đây là một vở tuồng kinh điển, là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử tuồng cổ Việt Nam lấy cảm hứng từ đề tài văn học Pháp và được coi là mẫu mực của việc chuyển biên một tác phẩm sân khấu Châu Âu sang sân khấu truyền thống Việt. Năm 2002, cũng chính nhờ GS.TS Thái Kim Lan, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã đem vở kịch này sang Đức biểu diễn trong suốt 2 tuần liền và đã để lại tiếng vang lớn trong lòng công chúng Đức. Với những đóng góp ấy, năm 2005 GS.TS Thái Kim Lan được trao giải thưởng Đào Tấn vì đã có công bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Là một nhà khoa học am hiểu sâu rộng triết học, văn học Đức cũng như thấm nhuần tư tưởng văn hóa Việt, GS.TS Thái Kim Lan đã dịch nhiều tác phẩm văn học, triết học có giá trị của Đức sang tiếng Việt cũng như tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Đức để tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Những năm gần đây, GS.TS Thái Kim Lan thường xuyên về Huế hơn và dành nhiều thời gian cho các công việc liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế. Hiện bà đang tham gia giảng dạy cho lớp thạc sĩ triết học tại Học viện Phật giáo Huế.

Tháng tư vừa qua, sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị, GS.TS Thái Kim Lan đã cho ra mắt Bảo tàng gốm cổ sông Hương ngay tại chính ngôi nhà vườn “Lan viên cố tích” của mình ở Huế. Đây là một bảo tàng đặc biệt sưu tầm và trưng bày gần 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ chính dòng sông Hương quê hương của bà. Trong đó có những hiện vật quý có niên đại từ thời thời tiền Sa Huỳnh, tức cách nay khoảng 2.500 – 3.000 năm. Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam chỉ trưng bày những hiện vật gốm cổ được tìm thấy từ một dòng sông. Nói về tâm nguyện lớn này, GS.TS Thái Kim Lan cho biết, ngày trước bà từng có ước mơ thành lập một trường đại học tư nhân nhưng không thành, nay lập được cái bảo tàng tư nhân này cũng có thể xem như là một “trường tiểu học” về lịch sử và văn hóa Việt Nam để làm nơi gửi gắm, trao truyền lại chút gì đó cho đời sau nên rất lấy làm tâm đắc và mãn nguyện.

Có lẽ vì những nỗi niềm sâu nặng với Huế yêu thương nên “Lan viên cố tích” giờ đây không chỉ đơn thuần là một bảo tàng mà còn là điểm hẹn văn hóa để chủ nhân của nó làm nơi đón tiếp, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng thú vị về văn hóa truyền thống với những người bạn yêu Huế đến từ khắp nơi./.

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Công Đạt và Tư liệu của nhân vật

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top