Chân dung

GS Ngô Đức Thịnh và đạo Mẫu

Xung quanh việc nghi lễ chầu văn (hầu đồng) được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, phóng viên Báo ảnh Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu của Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên: Vấn đề nghi lễ chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu, đang được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt khi nghi thức tín ngưỡng này vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và hiện hồ sơ di sản này đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Với tư cách là một trong những nhà nghiên cứu đã dành gần như cả cuộc đời nghiên cứu đạo Mẫu, ông có thể giới thiệu những giá trị lớn nhất của tín ngưỡng dân gian thuần Việt này?

GS Ngô Đức Thịnh: Theo tôi, đạo Mẫu có 4 vấn đề gắn với cộng đồng. Một là đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ.
«...
          Nghi lễ chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, hiểu một cách đơn giản là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng, hình thức lên đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh thông qua các ông đồng hay bà đồng.
Hai là đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc – Lộc – Thọ. Đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người. Ba là đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như Đức Thánh Trần trong đạo Mẫu chính là Trần Hưng Đạo. Và bốn là đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, thì có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, ngay từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa. Trong đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi.
 

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu Việt Nam.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh phát biểu trong một buổi lễ kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh tặng hoa cho đại biểu đến dự.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh trong niềm vui gặp lại bạn bè cũ.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh đang hướng dẫn các đại biểu về những nghi thức trong buổi lễ.
 
Phóng viên: Nói đến những vấn đề tín ngưỡng, tâm linh, con người đến được cửa của “Thánh Mẫu” cũng đều có một cơ duyên. Vậy cơ duyên của ông đến với đạo Mẫu xuất phát từ đâu, thưa ông?

GS Ngô Đức Thịnh: Quê tôi ở Nam Định, nơi có rất nhiều đình chùa miếu mạo. Từ nhỏ, tôi đã tò mò lên chùa xem các bà lên đồng hát văn, rồi sau đó được các cụ phát lộc cho. Tôi vẫn còn nhớ đó là một xâu có 5 quả táo ta nhỏ. Lộc hầu đồng ngày đó chỉ đơn giản vậy thôi chứ không được phong phú như bây giờ. Ký ức ngày nhỏ là như vậy và khi lớn lên hiểu chuyện một chút tôi vẫn cứ thắc mắc một câu hỏi: “Tại sao có một thời nhà nước cấm như vậy mà vẫn không thể cấm được hiện tượng này?” (Trước đây, có một thời gian nhà nước cấm hầu đồng vì cho rằng có yếu tố mê tín dị đoan - PV). Và công việc tôi làm bây giờ là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Với một nhà nghiên cứu văn hóa như tôi, thì một câu hỏi đó cũng đủ phải mất cả đời để tìm câu trả lời. Và theo tôi, mọi cái ra đời đều có căn nguyên của nó, còn nhu cầu thì không thể cấm được.


Hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian mà một bộ phận người Việt rất thích.



Trong buổi lễ kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam, các nghi lễ (36 giá đồng) trong hầu đồng đều được tái hiện lại.

Ban nhạc trong nghi lễ hầu đồng.

Phóng viên: Theo ông, làm thế nào để bảo tồn và phát huy được cao nhất những giá trị văn hóa của tín ngưỡng này?

GS Ngô Đức Thịnh: Vấn đề đặt ra ở đây là cái văn hóa, tín ngưỡng của hầu đồng là ở đâu? Là từ người dân. Bởi vậy có một nguyên lý rất quan trọng khi bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc đó là phải dựa vào cộng đồng. Chủ thể văn hóa phải giao về lại cho cộng đồng và kèm vào đó trao cho họ cái hiểu biết, cái tri thức, cái trách nhiệm.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, cả nước có tới hơn 7000 đền phủ. Đó là chưa kể đến các điện của tư nhân. Tôi còn nhớ trong một hội thảo quốc tế bàn về đạo Mẫu, có một vị ở Ủy ban UNESCO Việt Nam đã phát biểu rằng: “Cấm nghi lễ này là có tội với di sản văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Bởi vậy, là một người đã dành trọn cả đời mình cho đạo Mẫu, tôi rất tin tưởng và cho rằng, đạo Mẫu (với nghi lễ tín ngưỡng hầu đồng) của Việt Nam là một tín ngưỡng đặc trưng cho cái tầm và cái tâm của người Việt Nam chúng ta./.
 
Giáo sư Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam (http://daomauvietnam.com/), là Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top