Chân dung

GS Đặng Huy Huỳnh - cây đại thụ của ngành tài nguyên môi trường Việt Nam

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Năm 2010, cùng với tập thể các nhà khoa học, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ, giải thưởng danh giá nhất của Nhà nước dành tặng cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại Quảng Nam. Năm 14 tuổi, ông gia nhập quân ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Campuchia. Suốt 9 năm quân ngũ ông đều ở trong rừng, nên có lẽ vì thế mà ông có điều kiện gần gũi và biết nhiều về môi trường tự nhiên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tập kết ra Bắc và theo học ở Khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1965, ông được nhà nước cử đi làm nghiên cứu sinh ngành Sinh thái học tại trường Đại học Lomonoxop (thuộc Liên Xô cũ). Đến năm 1968 ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và quay trở về nước làm việc tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, đồng thời tham gia giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1975,  ông giữ vai trò là Viện trưởng Viện Sinh vật học. Năm 1983, ông được cử đi làm Tiến sĩ tại Nga và năm 1984 thì bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (sau này Việt Nam gọi là Tiến sĩ Khoa học - TSKH - PV). Quay trở về nước, ông tiếp tục con đường nghiên cứu và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành tài nguyên môi trường như: Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam); Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam... Từ năm 1990 đến nay, ông giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ở cương vị nào ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc. Năm 1991, ông được phong hàm Giáo sư.


GS Đặng Huy Huỳnh, chuyên gia hàng đầu của ngành tài nguyên môi trường Việt Nam.


GS Đặng Huy Huỳnh bên mẫu vật hà mã do ông và các đồng nghiệp thực hiện vào năm 1995.


GS Đặng Huy Huỳnh trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia chế tác mẫu vật
của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


GS Đặng Huy Huỳnh là một trong số những người đặt nền móng xây dựng nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.


GS Đặng Huy Huỳnh trao đổi kỹ thuật bảo quản mẫu vật với chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


GS Đặng Huy Huỳnh bên mẫu vật sao la được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam.


GS Đặng Huy Huỳnh trên cương vị Chủ tịch Hội đồng phản biện
tại một Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội.



Nay dù đã ngoài 80 tuổi nhưng GS Đặng Huy Huỳnh vẫn say mê với công việc nghiên cứu của mình.

Dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên môi trường, GS Đặng Huy Huỳnh nhận thấy tài nguyên sinh vật ở Việt Nam, đặc biệt là các loài sinh vật quý hiếm và đặc hữu ngày càng bị suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Dựa trên thành quả của mấy chục năm nghiên cứu, ông đã tổ chức nhiều chuyến đi thực địa và phối hợp giúp đỡ người dân ở nhiều địa phương như Ba Vì (Hà Nội), Sơn Dương (Tuyên Quang), Yên Thế (Bắc Giang)… nuôi thử nghiệm thành công một số loài động vật như nai, hươu sao, nhím… vừa mang hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ nguồn gien các giống, loài quý hiếm của đất nước.

Bên cạnh đó, ông còn cùng với các nhà khoa học tham gia giúp đỡ các Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên như Vân Long (Ninh Bình), Cát Bà (Hải Phòng), Xuân Thủy (Nam Định)… trong việc bảo tồn và phục hồi các loài động vật hoang dã, quý hiếm, góp phần phát triển du lịch. Không những thế, ông còn thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để tuyên truyền và giúp đỡ cộng đồng dân cư nằm trong vùng đệm của các Khu bảo tồn như Tam Đảo, Ba Vì, Tây Nguyên… hiểu được giá trị của việc sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, và ý nghĩa của việc tích cực bảo vệ rừng trong phát triển môi trường sống bền vững.

Trong sự nghiệp nghiên cứu ông đã để lại nhiều công trình khoa học có giá trị. Trong đó có 154 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bảo tồn...

Ông cũng đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước. Điển hình như công trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (1961-1971) ở Mã Đà (Đồng Nai), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau), làm căn cứ cho việc đề ra hướng khắc phục và góp phần vào việc đấu tranh với Mỹ về hậu quả của chất độc hóa học với môi trường Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2010, cùng với tập thể các nhà khoa học, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với cụm công trình "Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam".

Với vốn kiến thức khoa học sâu rộng, ông đã trở thành thành viên hoặc được mời cộng tác với nhiều tổ chức khoa học uy tín trên thế giới như: Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hiệp hội Linh trưởng Quốc tế (IPS), Chương trình Tài nguyên Thực vật Đông Nam Á (PROSEA)...

Năm nay GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã bước sang tuổi 82, nhưng với tài năng và tâm huyết của một nhà khoa học, ông vẫn tham gia giảng dạy cho nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu trên cả nước như: Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Thủy lợi.../.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn

 

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và câu chuyện đối ngoại nhân dân trong thời đại mới

Đại sứ Nguyễn Phương Nga là nữ Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam và là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) khóa V (2013-2018). 35 năm công tác trong ngành ngoại giao và đối ngoại nhân dân, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền ngoại giao Việt Nam.

Top