Các sản phẩm gốm sứ Tân Phước Khánh ở Thị xã Tân Uyên có sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam và phương Tây nên rất được thị trường Châu Âu ưa chuộng. Bình quân hàng tháng, một cơ sở gốm sứ ở đây cho ra lò từ 10.000 - 20.000 sản phẩm xuất khẩu mang lại sự trù phú cho vùng đất vốn là cái nôi của gốm sứ tỉnh Bình Dương.
Nghề gốm sứ xuất hiện ở Tân Phước Khánh từ giữa thế kỷ 17 khi một thương nhân người Hoa tình cờ đến Tân Uyên đã phát hiện ra loại đất quý màu trắng có thể làm gốm. Vị thương nhân này đã định cư rồi đưa nhiều người đến đây cùng mở các lò sản xuất gốm sứ dọc theo con suối Hố Đại. Đến đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Tân Phước Khánh đã có khoảng hơn 10 lò gốm thủ công với sản phẩm: bát, dĩa, ấm chén, chậu hoa, chân đèn, bình, lọ, tượng người, tượng thú, đôn hình con voi, bình hoả...
Ngày nay, ngoài nguồn nguyên liệu đất sét có sẵn trong vùng, người làm gốm ở Tân Phước Khánh còn lấy từ nhiều vùng khác: đất caolin ở Bến Cát, Thuận Giao, Tân Uyên (Bình Dương) và Đà Lạt. Ban đầu, đất được đem phơi nắng cho rỏ phèn, rồi ngâm qua hai lần nước, lọc bỏ phần xác, lấy phần nhựa, trước khi nhồi cho thật nhuyễn, tạo thành hồ. Sau đó, hồ được đổ vào khuôn theo kích cỡ đủ loại sản phẩm đã được làm sẵn bằng thạch cao. Khoảng một ngày thì gỡ khuôn ra sẽ cho sản phẩm gốm thô.
Đổ nguyên liệu vào khuôn tạo hình cho các sản phẩm gốm sứ.
Tráng men gốm gia dụng.
Trang trí họa tiết cho gốm.
Sản phẩm gia dụng thô.
Nghệ nhân có tay nghề cao tạo nên các tác phẩm gốm sứ đẹp và bắt mắt.
Phơi khô các sản phẩm trược khi nung.
Các loại khuôn đa dạng và nhiều chủng loại.
Sắp xếp các sản phẩm để khi vào trong lò nhiệt được lan tỏa đều tới các sản phẩm.
Nung bằng gas rút ngắn đáng kể thời gian nung.
Kiểm tra sản phẩm gốm khi ra khỏi lò. |
Công đoạn tráng men cần người thợ lành nghề để có thể tráng những lớp men đều và vừa đủ. Ở lò gốm Vạn Phú, hầu hết người thợ đều có thâm niên hàng chục năm trong nghề. Ông Trần Quang, người hơn 40 năm làm gốm cho biết, để ra được một sản phẩm đẹp, cần phải thạo việc, tỉ mỉ ở các khâu cắt gọt, tráng men. Riêng công đoạn nung gốm bằng củi lại đòi hỏi thợ phải giỏi nghề và có kinh nghiệm mới canh đúng lửa cho ra những sản phẩm gốm có màu sắc đẹp. Nếu như nung củi một mẻ gốm sứ là 3 - 5 ngày thì nung bằng gas sẽ rút ngắn đáng kể thời gian.
Gốm sứ Tân Phước Khánh hiện chủ yếu sản xuất để xuất ngoại, bình quân hàng tháng một cơ sở gốm sứ cho ra lò từ 10.000 - 20.000 sản phẩm xuất khẩu, thị trường chủ yếu là các nước châu Âu. Sản phẩm gốm sứ Tân Phước Khánh cũng từng tham gia nhiều cuộc triển lãm gốm sứ ở nước ngoài. Nhiều công ty gốm sứ của Đức, Anh, Canada, Trung Quốc còn mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để tiện giao dịch.
Là cái nôi gốm sứ của Bình Dương, Tân Phước Khánh có nhiều nghệ nhân đã cống hiến tâm huyết cả đời để tạo nên nghề truyền thống trên quê hương mình. Có thể kể đến các nghệ nhân là chủ các lò gốm ở Tân Phước Khánh, là người nắm giữ cả kho kinh nghiệm và những bí quyết gia truyền trong sản sản xuất và tạo màu men như ông Tạ Quốc, Vương Cần, Vương Quýt, Vương Hòa Hiệp… Đặc biệt, ông Lý Ngọc Minh là người sáng lập thương hiệu gốm Minh Long nổi tiếng đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới với những đóng góp to lớn của mình cho nghề gốm sứ truyền thống Tân Phước Khánh./.
Các sản phẩm gốm, sứ gia dụng Tân Phước Khánh rất được các khách hàng ưa chuộng.
Bình quân hàng tháng một cơ sở gốm sứ cho ra lò từ 10.000 - 20.000 sản phẩm xuất khẩu. |
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải