Nghệ thuật

Góc nhìn mới về chân dung nhân vật Nhà Nguyễn

Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hình ảnh tư liệu, tài liệu về triều Nguyễn (1802-1945) , họa sĩ Trần Minh Tâm đã sáng tác nên bộ chân dung các nhân vật lịch sử là các vị vua Nguyễn, các bà vợ vua với các chất liệu phong phú.
Triển lãm Nhà Nguyễn II của Trần Minh Tâm được trưng bày tại Craig Thomas Gallery, 27I Trần Nhật Duật, phường Tân Định, thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm càng trở nên ấn tượng trong mắt công chúng khi tự học sĩ thiết kế khung, làm vóc và dùng sơn dầu để sáng tác. Từ đó, các bức chân dung trong bộ Nhà Nguyễn II hiện lên thật sống động và tái hiện một phần lịch sử của triều đại cuối cùng trong chế độ phong kiến Việt Nam.

Là kinh đô của Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1945, dấu tích của triều đại nhà Nguyễn ở cố đô Huế vẫn còn lưu lại và khiến Trần Minh Tâm bị lôi cuốn bởi sự tráng lệ của quần thể di tích kiến trúc cung đình sau nhiều lần thăm viếng. Với anh, “mối quan hệ giữa người và cảnh là rất thật. Tôi luôn cảm nhận một sự nhung nhớ dành cho những con người đã một thời sống trong không gian tráng lệ này”.



Họa sĩ Trần Minh Tâm khắc họa các nhân vật trong bộ Nhà Nguyễn II thật sống động
và tái hiện một phần lịch sử của triều đại cuối cùng trong chế độ phong kiến Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt



Một góc không gian trưng bày Triển lãm Nhà Nguyễn II. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Công chúng tham quan Triển lãm Nhà Nguyễn II. Ảnh: Tư liệu


Công chúng ấn tượng với các tác phẩm chân dung trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Tư liệu


Nhân vật là phụ nữ trong Nhà Nguyễn II của Trần Minh Tâm thường ẩn chứa những số phận đặc biệt. Ảnh: Tư liệu


Du khách nước ngoài rất ấn tượng với cách thể hiện của họa sĩ 
Trần Minh Tâm. Ảnh: Tư liệu


Nhà Nguyễn II của Trần Minh Tâm mang đến một cái nhìn mới mẻ cho công chúng về các nhân vật lịch sử. Ảnh: Tư liệu

Cơ duyên họa sĩ Trần Minh Tâm chọn đề tài sáng tác liên quan đến lịch sử cũng thật tình cờ, trong một lần sưu tầm đồ gỗ,
thấy một cánh cửa cũ có thiết kế đẹp khiến anh bắt đầu có ý tưởng muốn vẽ một cái gì 
lên đó, tác phẩm hội họa trên chất liệu gỗ luôn bền bỉ, trường tồn cùng thời gian. Và anh đã chọn triều Nguyễn vì đây là triều đại phong kiến gần nhất nên tư liệu còn nhiều, dễ dàng tiếp cận với nhiều nhân vật, hiểu thêm về hoàn cảnh lịch sử cũng như tính cách, số phận của nhân vật đó. Theo anh, thời nhà Nguyễn, Việt Nam còn có lãnh thổ đất liền và hải đảo rộng nhất trong lịch sử, và anh cũng khai thác khía cạnh này vào các chi tiết trong tác phẩm của mình.

Với Nhà Nguyễn II, họa sĩ Trần Minh Tâm không chỉ đơn thuần vẽ lại lịch sử mà còn có sự nâng cao đáng kể về tính nghệ thuật. Đặc biệt là sáng tạo tạo hình có chủ ý, từ những khía cạnh lớn như quyết định nhân vật đến những gợi ý tinh tế hơn ở bố cục hay những chi tiết nhỏ trong tranh. Đồng thời, vận dụng kỹ thuật hội họa của mình, anh đã khắc họa nên những bức họa độc đáo về nhiều nhân vật lịch sử của triều Nguyễn.

Họa sĩ Trần Minh Tâm chia sẻ: “Với chân dung vua Gia Long, tôi sử dụng bố cục cân đối của người Á Đông để vẽ kết hợp với cách miêu tả khối theo kỹ thuật của phương Tây. Qua đó, thể hiện thời đại Gia Long ở ngôi khi đất nước đang tiếp cận với phương Tây và có sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Một cách tương đối, đằng sau chân dung Gia Long, tôi vẽ 2 cụm đảo tượng trưng cho chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam…”.

Các nhân vật trong Nhà Nguyễn II cũng thể hiện những cảm xúc vui, buồn, nhung nhớ, tình yêu và cả sự mất mát của các nhân vật hoàng gia. Như tác phẩm “Vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ”, thay vì nhấn mạnh vào vị vua nổi tiếng yêu nước, tác phẩm dồn sự tập trung vào người phụ nữ trước nay vẫn mang vai phụ. Trong khi vua Duy Tân xuất hiện như một chiếc bóng đằng sau vai, bà Hồ Thị Chỉ được đưa lên làm trọng tâm, bắt mắt người xem trong tà áo dài màu ngọc bích, cùng điểm nhấn là chú công rực rỡ kế bên, biểu tượng cho đức hạnh, duyên dáng… Tuy vậy, vì sự biến thiên của lịch sử cũng như về thân phận cũng như bao phụ nữ đương thời khác, bà Hồ Thị Chỉ cũng không tránh khỏi một mẫu số chung về số phận con người của thời đại. Và hẳn đây cũng là một giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm vào các tác phẩm trong bộ Nhà Nguyễn II của mình./.



Vua Gia Long (1802-1820). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Vua Thành Thái (1889-1907). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Tài nhân Hồ Chí Lạc, vợ vua Thành Thái. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Vua Duy Tân (1907-1916). Ảnh: Tư liệu


Vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Vua Khải Định (1916-1925). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Vua Bảo Đại (1926-1945) và Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại, trong ngày cưới. Ảnh: Tư liệu


Hừng Đông (Hoàng hậu Nam Phương, phía xa là dòng sông Hương). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Hoàng hậu Nam Phương. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Ông quan. Ảnh: Tư liệu


Chân dung một bà hoàng. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt


Hát bội. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt & Tư liệu

Những trang sử bằng hình sắc – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

“Những trang sử bằng hình sắc” – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

Sáng 19/12/2024 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Những trang sử bằng hình sắc” chính thức khai mạc thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và những người muốn tìm lại ký ức lịch sử hào hùng.

Top