Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân (GS. TSKH. NGND) Phương Lựu tên thật là Bùi Văn Ba. Ông sinh năm 1936 tại làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1954, theo sự phân công của Đảng bộ Liên khu V, ông cùng với một số học sinh miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc để đi học nước ngoài. Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh và về nước giảng dạy ở bộ môn Văn học Trung Quốc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về lí luận văn học cho đến tận ngày nghỉ hưu vào năm 2006.
Đối với nhiều người trong giới văn học Việt Nam, cái tên Phương Lựu đã quá đỗi quen thuộc, thế nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc khá thú vị của bút danh đầy ấn tượng này. Theo lời GS Phương Lựu, cuộc đời ông có hai người mẹ đáng kính, đó là mẹ đẻ và mẹ vợ. Để ghi nhớ công ơn của họ, ông đã lấy chữ “Lựu” là tên của mẹ đẻ và chữ “Phương” là tên của mẹ vợ, ghép chung lại thành bút danh “Phương Lựu”, có nghĩa là bông hoa lựu vừa đỏ vừa thơm. Và một điều cũng thú vị không kém, đó là cái tên Phương Lựu của ông còn có cả trong cuốn “Đại từ điển văn học nước ngoài thế kỉ XX” của Trung Quốc, do Nhà xuất bản Dịch Lâm (Nam Kinh – Trung Quốc) ấn hành vào năm 1999.
«...
MỘT SỐ THÀNH TÍCH NỔI BẬT
CỦA GS PHƯƠNG LỰU:
- Ông là người bảo vệ thành công luận án TSKH
duy nhất ở trong nước về lĩnh vực KHXH (1990)
- Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995
- Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2000
- Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật năm 2009
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010
- Ông là người sáng lập ra Trung tâm Trung Quốc
học (1992) và Giải thưởng Khoa học Công nghệ (2007)
của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Trong cuộc đời hơn 50 năm miệt mài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS Phương Lựu đã đào tạo được hàng nghìn cử nhân, và rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Học trò của ông có mặt ở nhiều miền đất nước và rất nhiều người đã thành đạt. Trong số đó có thể kể đến những tên tuổi rất nổi tiếng trên văn đàn như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vĩ…
Ông được bạn bè đánh giá là người viết nhiều và viết khỏe. Tính cho đến nay, ông đã viết được 22 chuyên khảo nghiên cứu riêng và 40 công trình nghiên cứu, soạn thảo chung, cùng hàng nghìn bài báo đăng trên các báo và tạp chí khoa học. Đáng chú ý như công trình “Tuyển tập Phương Lựu”, một bộ sách khổng lồ gồm 3 tập, dày 1.747 trang với tổng cộng gần 70 vạn chữ, tập hợp gần như tất cả những điều tâm huyết trong suốt cả cuộc đời làm khoa học của ông.
Đặc biệt, năm 2010, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học – Công nghệ với cụm 5 công trình khoa học đặc biệt xuất sắc gồm: “Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX” (2001), “Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh” (2002), “Lí luận phê bình văn học” (2004), “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” (2005), “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007).
Với cụm công trình khoa học này, GS Phương Lựu đã góp phần xác lập được một hệ thống công cụ trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu và giới thiệu tinh hoa lí luận của văn học truyền thống phương Đông cũng như những thành tựu nổi bật của lí luận văn học phương Tây hiện đại và đương đại. Và cũng từ cụm công trình này người ta thấy rằng, ông chính là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống 22 trường phái lí luận văn học hiện đại và hậu hiện đại phương Tây, phân tích một cách thấu đáo tư tưởng văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, cùng nhiều vấn đề cơ bản khác giúp ích rất nhiều cho việc phát triển các chuyên ngành như Lí luận Văn học, Phê bình Văn học và Văn học sử…
Thấm nhuần chân lí “Học, học nữa, học mãi. Nghiên cứu, nghiên cứu nữa, nghiên cứu mãi”, nên nay dù đã nghỉ hưu, ngoài việc tiếp tục hướng dẫn và làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, ông còn làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, tham gia Hội Liên hiệp Nho học Quốc tế với tư cách là Ủy viên Thường vụ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS.TSKH.NGND Phương Lựu.
GS.TSKH.NGND Phương Lựu trong ngày mừng thọ GS Vũ Khiêu. |
Không chỉ là một nhà khoa học, một nhà giáo tâm huyết, ông còn là một nhà hảo tâm đáng kính trọng. Hầu hết số tiền dành dụm được từ các giải thưởng khoa học, ông đều đem ra làm từ thiện để giúp cho phong trào học tập và văn hóa của nước nhà. Và mới đây, ông đã dành trọn số tiền thưởng 200 triệu đồng từ Giải thưởng Hồ Chí Minh để tặng cho Quỹ Bảo trợ Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam.
Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy cho thấy, GS. TSKH. NGND Phương Lựu là một người có nhân cách vô cùng cao đẹp. Ông không chỉ là một nhà khoa học chân chính, một nhà sư phạm mẫu mực, mà còn là một người có trái tim nhân hậu./.