Chân dung

Giáo sư, Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm: mang âm nhạc kết nối tình hữu nghị Việt Nam và bạn bè thế giới

Là một người tài hoa và nhân hậu, Giáo sư, Nghệ sỹ (GS, NS) Piano Tôn Thất Triêm đã cùng tiếng đàn piano của mình biểu diễn thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cả cuộc đời dành trọn cho âm nhạc, đến nay ông vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và thắp lửa cho dàn nhạc Hợp ca Hi vọng, cùng âm nhạc kết nối bạn bè khắp năm châu.
Nhiều năm nay, tại các buổi lễ kỷ niệm quốc khánh của các quốc gia trên thế giới, Đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam đã mời GS, NS Tôn Thất Triêm cùng dàn nhạc hợp ca Hi vọng đến biểu diễn. Ở các sự kiện đó, tôi thường gặp ông Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam tham dự. Dưới khán đài, ông lắng nghe say đắm các bản nhạc do nghệ sĩ Tôn Thất Triêm và dàn hợp ca Hi vọng biểu diễn. Thậm chí ở nhiều tiết mục, Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui đã lên sân khấu hát cùng nhóm nhạc.

Hình ảnh hai người bạn, GS, NS Tôn Thất Triêm đàn, Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui hát đã khiến cả khán đài rung cảm. Âm thanh trầm bổng, hào hùng của các bài quốc ca và sự biểu diễn đam mê của các em nhỏ tật nguyền trong dàn hợp ca Hi vọng dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đã kết nối bạn bè quốc tế và nhân dân Việt Nam đến gần với nhau trong tình hữu nghị và thân ái.



Giáo sư, Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm, người cùng với tiếng đàn Piano của mình đã biểu diễn thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.


Giáo sư, Nghệ sỹ Tôn Thất Triêm ngẫu hứng cùng chiếc đàn Piano của mình tại gia đình.


Giáo sư, Nghệ sỹ Tôn Thất Triêm đệm đàn cho dàn hợp ca những người khiếm thị
do ông trực tiếp đào tạo biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Không giới hạn”...


... với những ngón tay hằn dấu thời gian trên những phím đàn.


Giáo sư, Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm đệm đàn cho dàn hợp ca những người khiếm thị
 tại chương trình nghệ thuật “Không giới hạn”.

Khi Đại sứ Jorge Rondon Uzcategui chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, ông lại đến chương trình “Nghệ thuật không giới hạn” để nghe nghệ sĩ Tôn Thất Triêm và dàn nhạc hợp ca Hi vọng biểu diễn. Ông xúc động chia sẻ: Tôi là một đứa trẻ mồ côi nên rất đồng cảm với sự khó khăn trong đời sống của những bạn trẻ khuyết tật Việt Nam. Khi biết nghệ sĩ Tôn Thất Triêm dành trọn tâm huyết của mình với dàn hợp ca Hi vọng gồm 16 em khiếm thị, giúp các em đứng vững trên cuộc đời bằng tài năng âm nhạc của mình, tôi rất trân trọng. Tôi rất yêu thích ban nhạc và trở thành người bạn của GS Tôn Thất Triêm, từ đó mỗi lần các sự kiện ngoại giao quốc tế mời nghệ sĩ Tôn Thất Triêm biểu diễn, nếu có thời gian là tôi luôn tham dự như một khán giả yêu thích tiếng đàn nhân văn và tràn ngập cảm hứng sống tích cực của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm.

GS, NS Tôn Thất Triêm là nghệ sỹ duy nhất đạt danh hiệu Nghệ sỹ Piano hòa tấu xuất sắc nhất tại 4 cuộc thi âm nhạc quốc tế: Tchaikovski (Moscow 1990), Glinka (Xmôlen 1993), Gulaev (1993), Kaliningrad (1994). Ông cũng là nghệ sỹ nước ngoài duy nhất được mời làm giảng viên tại trường ĐH Tổng hợp Văn hóa Quốc gia Moscow (1992-1996).
GS, NS Tôn Thất Triêm lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam đang thời điểm rất ác liệt. Ông từng mang tiếng đàn đi dọc chiến trường miền Trung để biểu diễn cho các thương binh và dân quân. Tiếng đàn của ông động viên và cổ vũ họ tinh thần chiến đấu và vượt qua những khó khăn khốc liệt của cuộc chiến.

Sau này, có nhiều năm ông sống tại nước ngoài và thành danh ở nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế, tình cảm của GS Tôn Thất Triêm vẫn luôn dành cho quê hương. Về nước, ông đã dìu dắt dàn nhạc hợp ca Hi vọng gồm nhiều trẻ tật nguyền say mê âm nhạc. Các em có những hoàn cảnh éo le nhưng đã vượt qua gian khổ để tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia. Ông dạy nhạc, dạy văn hóa, dạy học ngoại ngữ và còn như một người cha khích lệ các em vươn lên trong cuộc sống. Nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đã đưa ban nhạc của những tài năng khuyết tật biểu diễn thành công trong nhiều sự kiện ngoại giao của đất nước.

Dàn hợp ca Hi Vọng đã biểu diễn tại lễ Quốc khánh của các Đại sứ quán Mỹ, Pháp, Angola, Thụy Điển, Úc, Thụy Sĩ… và được cộng đồng quốc tế vinh danh. Nhiều đại sứ đã viết thư cảm ơn GS, NS Tôn Thất Triêm rất xúc động, ông là người mang âm nhạc kết nối tình hữu nghị Việt Nam và quốc tế. Dàn hợp ca Hi vọng đã thu âm thành công 4 CD, DVD các bài hát Quốc ca của 20 quốc gia trên thế giới. Các bạn khuyết tật của Dàn nhạc đều nỗ lực học tiếng Anh, trau dồi văn hóa các nước để có thể hát và đàn thành công nhiều giai điệu khó. Nhiều đại sứ, Thủ tướng các nước sau khi xem biểu diễn đã đến chia sẻ, hỏi thăm từng thành viên của Dàn hợp ca Hi vọng.

GS, NS Tôn Thất Triêm bồi hồi nhớ lại kỷ niệm với bà SuSan Adams, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), người đã gửi một lá thư cảm ơn tới ông bởi vào năm 2004 chương trình do nghệ sĩ  Tôn Thất Triêm và dàn hợp ca Hi vọng biểu diễn đã hội tụ 700 khán giả và quyên góp được 5.200 usd ủng hộ cho trẻ em khuyết tật Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Hiện bà Susan đã mất và GS, NS Tôn Thất Triêm vẫn giữ lá thư đó như một kỷ niệm khó quên.



Âm nhạc của nghệ sỹ Tôn Thất Triêm đến với chiến trường miền Trung cổ vũ quân và dân Việt Nam vượt qua khó khăn khốc liệt của cuộc chiến.
Ảnh chụp những năm 1965, trong ảnh nghệ sỹ Tôn Thất Triêm ngoài cùng bên trái. Ảnh: Tư liệu


Giáo sư, Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm biểu diễn tại sự kiện hòa nhạc quốc tế nhân Quốc khánh của Thụy Sĩ năm 1989. Ảnh: Tư liệu


Ông Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ nước Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam, tham gia biểu diễn cùng nghệ sĩ Tôn Thất Triêm
và các bạn trẻ khiếm thị tại chương trình nghệ thuật “Không giới hạn”.


Giáo sư, Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm (người đánh đàn piano) biểu diễn tại sự kiện hòa nhạc quốc tế
gây quỹ ủng hộ trẻ em khuyết tật năm 2002 tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Theo ông Michael W.Marine, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thì các nghệ sỹ trong dàn Hợp ca Hi vọng đều là sứ giả của âm nhạc và văn hóa. GS, NS Tôn Thất Triêm đang làm những điều kỳ diệu để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia ở mọi cấp độ thông qua văn hóa và nghệ thuật biểu diễn. Ông là nghệ sỹ đẳng cấp thế giới và là nhà tổ chức âm nhạc phi thường. Còn e Trần Quốc Hoàn, nghệ sĩ khiếm thị đàn bầu, người được thầy Triêm dìu dắt nhiều năm luôn tự hào về người thầy kinh yêu của mình: Thầy Triêm đã dạy hợp ca biểu diễn thành thạo, chuẩn chỉ nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thầy miệt mài chỉnh âm, dạy từng kỹ năng văn hóa cho từng trò và luôn đồng hành cùng dàn Hợp ca Hi vọng biễu diễn. Tiếng đàn tài hoa của thầy Tôn Thất Triêm đã vang lên khắp bốn phương trời, từ: Nga, Ukraine, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan đến Italy, Tây Ban Nha. Thụy Sỹ, Mỹ…/.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Công Đạt, Tư liệu

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

UNESCO và Thành phố Di sản Hà Nội

Nhân dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024),  ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ảnh Việt Nam về thành phố Di sản Hà Nội.

Top