Được phong danh hiệu Phó giáo sư (PGS) của Đại học Paris 7 khi mới tuổi 26, chị Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hiện là người phụ nữ Việt Nam trẻ nhất nhận học hàm này. Để thực hiện giấc mơ toán học của mình, chị quyết định về Việt Nam và mới đây được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất 2018, ở lĩnh vực khoa học - giáo dục.
Thành tích vượt trội trên đất Pháp
Học hết năm thứ 3, ĐH Tổng hợp Hà Nội, Phan Thị Hà Dương nhận được học bổng của Chính phủ Pháp. Với hồ sơ có thành quả học tập tốt, chị được xét đặc cách học tiếp năm thứ 4 tại trường Đại học Paris 6. Đây là một điều rất hy hữu xảy ra với một sinh viên Việt Nam như chị.
Nhận bằng cao học về Hình học đại số năm 1995, thầy hướng dẫn của chị là GS.Christian Peskine (Viện trưởng Viện Toán của Đại học Paris 6 và Paris7) đề nghị học trò mình nghiên cứu cao hơn nhưng Phan Hà Dương lại chọn tin học để tiếp tục việc học.
Theo như cách lý giải của PGS Phan Hà Dương về sự thay đổi này bởi: “Tin học ở Việt Nam, lúc bấy giờ còn khá mới mẻ và mới nghiêng về ứng dụng, nhưng càng phát triển, tin học càng cần nhiều nghiên cứu cơ bản, trong đó có Toán học".
PGS Phan Hà Dương là người phụ nữ Việt trẻ nhất cho đến nay được phong danh hiệu Phó giáo sư (PGS) tại Đại học Paris 7 ở tuổi 26.
PGS Phan Hà Dương cùng các nhà toán học nổi tiếng thế giới trên Website Maths Day for Development.
PGS Phan Hà Dương (thứ ba từ bên phải) thảo luận cùng các đại biểu tại Hội thảo “Maths Day for Development - Ngày Toán học với sự phát triển". |
Tháng 1/1999, luận án Tiến sỹ của Phan Hà Dương được Hội đồng chấm của ĐH Paris 7 xếp vào loại rất xuất sắc (très honorable). Cũng thời điểm đó, khoa Tin học, ĐH Paris 7 cần tuyển 3 Phó GS trong số 100 đơn dự tuyển, với quy trình xét duyệt rất khắt khe. Những người nộp hồ sơ thường đã có bằng Postdoc (sau tiến sỹ) hoặc có kinh nghiệm giảng dạy hợp đồng nhiều năm.
Tuy nhiên, TS trẻ Phan Thị Hà Dương đã xuất sắc vượt qua hầu hết những người lớn tuổi, kinh nghiệm hơn mình để xếp ở vị trí số 1.
Tại Pháp, vị trí PGS, GS sẽ được biên chế chính thức vĩnh viễn. Đặc biệt, với mức lương tháng 3.000 euro (mức trung lưu ở Pháp) và các cơ hội dự hội nghị, hội thảo cùng những hỗ trợ đề tài, Phan Hà Dương có thể yên tâm dành trọn thời gian cho việc giảng dạy và nghiên cứu.
Tuy nhiên, tháng 8/2005, sau 12 năm công tác tại Pháp, Phan Hà Dương cùng chồng, cũng đang giảng dạy tại Mỹ, Pháp, Anh quyết định rời vị trí là niềm ao ước của nhiều người, trở về Việt Nam, làm cán bộ tại Viện Toán học.
Hiện thực hóa giấc mơ toán học trên quê hương
Một trong những lý do để quyết định trở về theo như chia sẻ của PGS Phan Hà Dương xuất phát từ một kỷ niệm: “Bài giảng của người thầy dạy tôi năm đầu đại học đã mở ra cho tôi một chân trời mới. Tôi đã ước một ngày nào đó cũng được đứng trên bục giảng như thầy để có thể truyền đạt niềm đam mê toán học với các thế hệ học trò”.
“Với chúng tôi, được dạy cho sinh viên Việt Nam và làm việc trong cơ quan của Việt Nam là niềm vui và ý nghĩa”, PGS Phan Hà Dương tiếp tục chia sẻ.
Vì vậy, khi về làm việc tại Phòng Cơ sở Toán học, Viện Toán học, PGS Phan Hà Dương tham gia cả giảng dạy và nghiên cứu. Với công việc giảng dạy, hiện PGS Phan Hà Dương đang tham gia giảng dạy chương trình cao học ở Viện Toán học và một số trường đại học nổi tiếng trong nước.
PGS Phan Hà Dương mới đây được vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất 2018 do Tạp chí Forbes bình chọn, ở lĩnh vực khoa học - giáo dục.
PGS Phan Hà Dương chia sẻ về chương trình giáo dục toán học đặc thù ở Việt Nam
tại Hội thảo “Maths Day for Development - ngày Toán học với sự phát triển".
Trên bục giảng, với phương pháp dạy toán sinh động, sáng tạo PGS Phan Hà Dương là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ yêu toán học ở Việt Nam.
PGS Phan Hà Dương chụp ảnh cùng các học sinh tham dự Trại hè toán học và khoa học (MaSSP) 2019. |
Hàng năm chị Hà Dương vẫn được các trường đại học nổi tiếng của Pháp như Paris 6, Paris 7,… mời sang giảng dạy và nghiên cứu với tư cách giáo sư khách mời trong 1 - 2 tháng.
Trong quá trình hợp tác với các nhóm nghiên cứu tại Pháp, PGS Phan Hà Dương đã tìm kiếm cơ hội học bổng cho các sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang học tại các trường danh giá nhất của Pháp.
PGS Phan Thị Hà Dương hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Hội thảo “Maths Day for Development (Ngày Toán học với sự phát triển) tổ chức tại Trung tâm Unesco (Pháp) tháng 3/2019. Hội thảo quy tụ hơn 300 đại biểu tiêu biểu nhất trong lĩnh vực, đến từ nhiều nước trên thế giới. |
Với công việc nghiên cứu, PGS Phan Hà Dương hiện đang nghiên cứu những vấn đề toán học ứng dụng trong tin học, cụ thể đó là toán rời dạc.
Theo PGS Phan Hà Dương, toán rời dạc là cơ sở phải nắm vững nếu muốn phát triển những thuật toán đưa vào máy tính.
Cấu trúc rời dạc này hiện đã được áp dụng cho bài toán mô hình hóa dạng đồ thị như mạng xã hội và nhiều ngành khác.
Còn những bài toán về xác suất, thống kê trong toán học thì đã được ứng dụng trong việc tìm ra phương pháp chữa bệnh.
Hay như lý thuyết số, một ngành lâu đời nhất của toán học cũng đã được ứng dụng trong các ngành như mật mã, tài chính, ngân hàng,…
"Rồi đây, trong sự phát triển của khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ càng ngày càng nhận thấy vai trò của Toán học”, PGS Phan Hà Dương nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo PGS Phan Hà Dương, hiện nay một trong các hướng phát triển toán học của Việt Nam được cộng đồng toán học triển khai đó là xây dựng toán học ứng dụng cụ thể trong các ngành như công nghiệp.
PGS Phan Hà Dương tin rằng, trong một tương lai không xa, với sự phát triển năng động của kinh tế Việt Nam, các nhà toán học như chị sẽ bắt tay cùng các doanh nghiệp để giải bài toán của họ như các nước phát triển Phương Tây đã làm từ nhiều thập kỷ qua./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường