Nghệ thuật

Độc đáo nghệ thuật tạo hình trái cây Nam Bộ

Hàng năm, cứ từ tháng Sáu trở đi, miền Nam lại bước vào mùa trái cây chín rộ. Ngoài việc mang lại giá trị về kinh tế, dinh dưỡng, dưới bàn tay sắp đặt, tạo hình khéo léo của các nghệ nhân, các loại củ, quả bình thường còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt.
Cách sắp xếp các loại trái cây thành những hình dạng đẹp mắt vốn đã có từ lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa - tín ngưỡng của người dân. Điển hình là việc bày mâm ngũ quả để trưng bày hay thờ cúng vào các dịp đặc biệt như lễ tết, đám hiếu, đám hỉ…

Ngày nay, khi nhu cầu đời sống phát triển, nghệ thuật tạo hình bằng trái cây đã được nâng lên cả về quy mô, hình thức lẫn nội dung. Các địa phương được xem là vựa trái cây lớn ở miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long… cũng chính là nơi xuất hiện nhiều nghệ nhân và cho ra đời môn nghệ thuật độc đáo này.
 

Lễ hội Trái cây Nam Bộ được tổ chức thường niên tại Suối Tiên (Q.9 - Tp. Hồ Chí Minh)
luôn thu hút rất đông du khách đến tham dự. Trong đó, phần hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây”
đồng hành cùng Lễ hội suốt 10 năm qua, đã trở thành một chương trình độc đáo.


Để có được một tác phẩm độc đáo và đẹp mắt, các nghệ nhân phải thực hiện rất công phu, tỉ mỉ.


Tác phẩm “Khát vọng Điện Biên” của tác giả Nguyễn Hoàng Huy (đơn vị Câu lạc bộ Net Việt).


Tác phẩm mang chủ đề tứ linh "long - lân - quy - phụng".


Tác phẩm “Tình yêu đất nước - tình biển đảo thiêng liêng” của tác giả Nguyễn Hoàng Châu (đơn vị Bình Dương).


Một tác phẩm kết trái cây có thể dùng tới hơn 30 loại trái cây, cả trái cây trồng và trái cây rừng.

Tp. Hồ Chí Minh tuy không phải là vựa trái cây lớn nhưng là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc thi về nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, với nhiều tên gọi khác nhau, như hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Quận 9), “Điêu khắc củ quả” tại Công viên 23/9 (Quận 1)… Vì vậy, Tp. Hồ Chí Minh trở thành nơi để các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, thi thố tay nghề và giới thiệu đến công chúng những tác phẩm đẹp mắt, mới lạ.

Năm nay, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức “Lễ hội Trái cây Nam Bộ” diễn ra từ ngày 01 – 08/6/2014 với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc. Trong đó, hội thi trình diễn “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” đã đồng hành cùng lễ hội này trong suốt 10 năm qua.

Từ hơn 30 loại trái cây, củ quả như: bí đỏ, thơm (dứa), thanh long, dừa, ớt, vú sữa, sơ ri,... các nghệ nhân đã khéo léo cắt tỉa, sắp đặt để biến chúng thành những tác phẩm đẹp mắt, những hình dáng mang nhiều ý nghĩa. Các tác phẩm thường xoay quanh các chủ đề đất nước, con người, tổ tiên, Phật pháp, biển đảo…

Tại hội thi lần này người xem được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm đặc sắc như: “Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài của đất Việt” (tác giả Lê Thanh Trang), “Khát vọng Điện Biên” (tác giả Nguyễn Hoàng Huy), “Vì quê hương đất nước” (tác giả Phan Hồng Dũng)…

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tròn (54 tuổi), thuộc đơn vị Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh tham dự hội thi lần này chia sẻ: “Những người theo loại hình nghệ thuật này không phải học từ trường lớp, mà xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống và từ niềm say mê vẻ đẹp qua nghệ thuật sắp đặt trái cây để rồi từ đó tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân hay qua các cuộc thi để nâng cao kỹ năng”.

Được biết, ông Nguyễn Ngọc Tròn đã có gần 30 năm gắn bó với môn nghệ thuật này. Ông học được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng từ cha mình, vốn cũng là một nghệ nhân có tiếng trong vùng. Tại hội thi năm nay, tác phẩm “Việt Nam ơi! Hãy cùng nắm chặt tay giữ vững hòa bình” của ông đã xuất sắc giành được huy chương vàng.
 

Trẻ em thích thú chụp ảnh trước một tác phẩm nghệ thuật tạo hình trái cây.


Ban giám khảo bình chọn, chấm điểm cho một tác phẩm.

Những tác phẩm sắp đặt trái cây nghệ thuật không chỉ rực rỡ màu sắc trái cây, đa dạng về ý tưởng, hình thức, thể loại… mà còn phản ánh nét văn hóa đặc sắc của những xứ miệt vườn cây trái Nam Bộ, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, thông qua các tác phẩm của mình, các nghệ nhân đã gửi gắm vào đó những ước mơ, khát vọng hướng tới tương lai với cuộc sống tươi mới, phát triển hơn./.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Vẽ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên gốm

Vẽ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên gốm

Lần đầu tiên có một triển lãm gốm (lọ, đĩa) trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ câu văn, thơ trong các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với 41 họa sĩ Việt Nam tham gia vẽ. Đây là một hoạt động văn hóa sáng tạo thể hiện câu chuyện nghệ thuật độc đáo có sự quyện hòa của chất đời: Từ thơ, văn đến gốm và hội họa từ cảm hứng con người tác phẩm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.

Top