Nghệ thuật

Đình chùa Việt Nam được tái hiện bằng những mảnh ghép lego

Yêu thích những mảnh ghép lego từ khi còn nhỏ, kỹ sư Đặng Huy Hoàng (32 tuổi, Hà Nội) đã tạo ra nhiều mô hình lego về đình chùa và những tác phẩm mang đậm nét văn hóa Việt. Huy Hoàng là một nhà thiết kế công nghiệp, từ năm 2020 anh bắt đầu sưu tập lego, tập trung nhiều thời gian hơn cho thú chơi của mình. Chơi lego cũng có nét tương đồng với nghề khiến Huy Hoàng ngày càng mê mẩn. Ban đầu, anh tự mày mò, học hỏi cách lắp ghép rồi sau đó sáng tạo riêng các thiết kế của mình.

Sản phẩm đầu tay không theo khuôn mẫu của Huy Hoàng là một chiếc máy bay. Anh mất nhiều thời gian vì phải tự thiết kế, tạo hình mà không phải theo mẫu sẵn của hãng sản xuất. Kể từ đó, anh say mê hơn, thực hiện nhiều sản phẩm theo trí tưởng tượng và trải nghiệm của mình.

Gần đây, những sản phẩm của Huy Hoàng nhận được sự chú ý từ cộng đồng khi một hãng thông tấn lớn của nước ngoài đăng tải. Đó là những mô hình đình chùa, những công trình kiến trúc đặc trưng, giao thoa giữa lịch sử và hiện tại trên cả nước.


Căn phòng nhỏ được xếp chật kín bằng những chiếc hộp, ngăn kéo và tủ đầy mảnh xếp lego từ sàn tới trần nhà. Ảnh: Khánh Long/VNP


Khi làm các tác phẩm tự thiết kế, Hoàng phải mất nhiều thời gian hơn so với việc thực hiện theo mẫu sẵn của hãng sản xuất.
Anh sẽ phải thiết kế, tạo hình, chủ động tìm kiếm mảnh lego phù hợp. Ảnh: Khánh Long/VNP



Hoàng cho biết, chi tiết cây xanh hay đường nét trạm trổ trên đình, chùa thường rất khó làm. "Lego đặc trưng là hình vuông cơ bản,
nên để tạo ra một cây có đường nét cong, mềm mại hoặc đường nét chạm trổ trên đình chùa khá phức tạp". Ảnh: Khánh Long/VNP



Các tác phẩm đầy màu sắc và phức tạp của Hoàng lấy cảm hứng từ những khung cảnh gần gũi ở làng quê Việt Nam. Ảnh: Khánh Long/VNP



Anh Hoàng đang hoàn thiện tác phẩm tàu đánh cá do mình thiết kế. Ảnh: Công Đạt/VNP

Huy Hoàng lấy ý tưởng từ những nơi mình đã từng đến, đặc biệt là những khung cảnh gần gũi với quê hương Việt Nam, sau đó trình bày lại công trình đó qua những mảnh ghép lego. Những ngôi nhà, ngôi chùa ở khu phố cổ Hà Nội và phòng khách những năm thập niên 90 trong dịp Tết Nguyên đán..., tất cả đều được thu nhỏ tinh xảo và đầy màu sắc.

Thông thường Huy Hoàng mất từ một tháng đến vài tháng để hoàn thiện một tác phẩm. Mỗi tác phẩm mang màu sắc riêng nên anh tỉ mỉ chăm chút cho từng chi tiết nhỏ. Anh cho biết phải mất khoảng 5 tháng mới hoàn thành một tác phẩm 5.000 mảnh, phần lớn thời gian trong đó là để tìm kiếm những mảnh ghép phù hợp. Hiện nay, anh đang đặt mục tiêu lắp ghép 10 tác phẩm công phu để mở triển lãm. Đến nay, anh đã đi được hơn nửa quãng đường.

Mặc dù sở hữu bộ sưu tập hơn 2 triệu miếng Lego, nhưng Huy Hoàng vẫn luôn kiếm tìm những mảnh ghép mới. Anh làm quen và giao lưu với người có chung niềm đam mê lego trên cả nước. “Tôi muốn đóng góp một phần nào đó để đưa hình ảnh của Việt Nam qua các chất liệu của nước ngoài. Tôi thấy đó là một điều tích cực và khá tự hào”, Hoàng nói về thú chơi lego của mình./.


Nói về sản phẩm xích lô, Hoàng cho biết, đây là một bản thiết kế khó. Đặc biệt là chiếc bánh xe khi lego không sản xuất các mảnh ghép đặc thù.
Vòng bánh gồm những chi tiết tự chế để ghép thành. Ảnh: Công Đạt/VNP



Một bộ bàn ghế, ấm chén uống nước siêu nhỏ được anh Hoàng sáng tạo rất hợp lý. Ảnh: Công Đạt/VNP



Hình ảnh phòng khách những năm 1990 trong dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: Công Đạt/VNP



Ba mô hình bằng lego được anh Hoàng mới hoàn thành, gồm cửa hàng tạp hóa, cổng đình và cổng nhà. Ảnh: Công Đạt/VNP







Một số tác phẩm lego độc đáo của Huy Hoàng. Ảnh: Khánh Long/VNP

Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top