Nghệ thuật

Điêu khắc ánh sáng

Vốn là một kỹ sư xây dựng nhưng với tình yêu nghệ thuật và đam mê sáng tạo, anh Bùi Văn Tự, Giám đốc sáng tạo của Trung tâm triển lãm Độc nhất vô nhị 1102 đã mày mò sáng tạo ra môn nghệ thuật mới mang tên điêu khắc ánh sáng.
Thời còn là sinh viên, khi đi làm thêm về dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, một lần anh để ý thấy bóng của hình non bộ in lên tường rất giống hình con gấu, sau đó anh đã tự mày mò và có ý tưởng kết hợp ánh sáng để tạo hình.

Ban đầu anh thực hiện tác phẩm “Người mẹ” bằng chất liệu xi măng với việc tạo hình chim mẹ mớm mồi cho chim con để khi chiếu đèn vào sẽ trở thành hình ảnh người mẹ đang bế đứa con. Thế nhưng, mọi thứ gần như khác xa trong tưởng tượng khi tạo hình và dùng ánh sáng để diễn tả thông điệp của tác phẩm. Anh đã phải làm đi làm lại khá nhiều lần trong vòng 4 tháng mới hoàn thành.

Năm 2014, anh tham gia chương trình Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam Got Talent) với màn trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đã thu hút được khá nhiều người quan tâm. Đúng thời điểm đó, anh tốt nghiệp đại học Xây Dựng và mong muốn đưa ứng dụng vào trong trang trí nội thất, vì vậy anh đã nghiên cứu chuyển sang chất liệu gỗ, cho đến năm 2016 phát triển thêm trên chất liệu gốm.



Anh Bùi Văn Tự - Giám đốc sáng tạo của Trung tâm triển lãm Độc nhất vô nhị 1102 là người đã kì công mày mò ra nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.


Điêu khắc ánh sáng là một trường phái nghệ thuật được thể hiện bởi sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống với nguồn ánh sáng cố định.


Những bước đầu tiên trong thể hiện nội dung một tác phẩm về tâm linh của anh Bùi Văn Tự.


Mỗi tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng sẽ mất vài tháng để hoàn thiện.


Các họa tiết trên tác phẩm vừa phải sinh động, có câu truyện mà vẫn giữ được nội dung đằng sau khi chiếu sáng.


Ngoài chất liệu trên gốm anh Tự còn thực hiện các tác phẩm ánh sáng của mình trên chất liệu gỗ.


Theo anh Tự, để làm trên chất liệu gỗ rất phức tạp bởi chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể hỏng cả tác phẩm.


Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đòi hỏi người làm phải có tư duy hình ảnh
và sức tưởng tượng tốt mới có thể biến những khúc gỗ vô tri trở nên có hình thù sống động.

Theo kỹ sư Bùi Văn Tự, điêu khắc ánh sáng là một trường phái nghệ thuật được thể hiện bởi sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống với nguồn ánh sáng cố định. Qua đó, tạo nên những hình ảnh độc đáo bằng chính phần bóng của vật thể đã được điêu khắc. Và để thực hiện được tác phẩm điêu khắc ánh sáng cần lên ý tưởng về hình bóng mình định làm, xác định được cấu trúc và tỷ lệ rõ ràng để khi hoàn thiện, tác phẩm không bị sai hoặc biến dạng.

Việc thực hiện tác phẩm trên chất liệu gỗ và gốm đều có những cái khó riêng. Gỗ là vật liệu liền khối, có giá trị kinh tế cao, trong quá trình làm chỉ cần lỡ tay gãy một mảnh là sẽ phải bỏ đi hết. Còn với gốm thì khi tạo hình khó hơn gỗ, bởi độ biến dạng của gốm sau khi cho vào nung là 20%. Vì thế, khi tạo hình phải tính đến độ biến hình của gốm nung ở nhiệt độ 1250 độ C. Điều này đòi hỏi anh Tự phải dày công nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần. Thông thường, nặn hình mất một tháng, phơi khô một tháng rồi mới đem nung, trong suốt 
quá trình đó phải liên tục để ý và chỉnh sửa các chi tiết tác phẩm sao cho vừa vặn nhất.

Đến nay, sau hơn 4 năm miệt mài vừa nghiên cứu vừa thực hiện tác phẩm, anh Bùi Văn Tự đã sáng tạo được khoảng 15 tác phẩm trên gỗ và gốm. Mỗi tác phẩm tùy theo yêu cầu của khách hàng sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tháng, với giá trị dao động từ 30 đến 80 triệu đồng. Và mỗi tác phẩm đều được anh tâm huyết đặt tiêu đề, viết nội dung thông điệp gửi gắm đi cùng./.


Tác phẩm tâm đắc của anh Tự được điêu khắc trên gỗ lũa về hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tác phẩm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Tác phẩm về tâm linh của anh Bùi Văn Tự.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long


Top