“Bản sắc được coi là thách thức cho phân khúc cao cấp trong thời đại chúng ta”, đây là nhận định của giáo sư Patricia Anna Hitzler và Günter Müller-Stewens đến từ Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ). Thực tế, các nhãn hàng mới ra đời hàng ngày trên khắp thế giới. Phân khúc cao cấp lại là nơi được đánh giá cạnh tranh nhất, đôi khi là tàn khốc. Để khách hàng bị thu hút và muốn gắn bó, nhãn hàng đó phải có những giá trị đích thực nhất trong sản phẩm, thương hiệu và đặc biệt hơn cả là câu chuyện bản sắc.
Theo các chuyên gia thương hiệu, lịch sử lâu đời, tư duy thiết kế, kỹ thuật chế tác kỹ lưỡng và vật liệu chất lượng cao là 4 yếu tố then chốt để tạo nên đẳng cấp và viết lên câu chuyện bản sắc của một thương hiệu.
Vậy một "lính mới" vừa có mặt trên thị trường được 2 năm, DeSilk có câu chuyện bản sắc gì cho khát vọng tái thiết thương hiệu cao cấp của người Việt trên bản đồ lụa thế giới?
Tôi nói ví von với đồng nghiệp đi cùng rằng DeSilk đang viết lý lịch cho từng tấm vải lụa tơ tằm. Bà Văn Thị Hằng, người sáng lập thương hiệu DeSilk đã cho chúng tôi xem một chiếc áo dài được may từ tấm vải lụa có họa tiết mô tả nghề sơn mài khảm trứng của Việt Nam. Điều đặc biệt, từ một tấm lụa này, người sử dụng có thể tuỳ cách sắp đặt các chi tiết trong nghề sơn mài khảm trứng để tạo ra những chiếc áo dài với những câu chuyện khác nhau. Dù là cách sắp đặt nào nhưng vẫn thể hiện được sự trân quý bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Việt Nam.
Bà Văn Thị Hằng, nhà sáng lập thương hiệu DeSilk. Ảnh: Công Đạt Gian hàng giới thiệu và trưng bày sản phẩm lụa của thương hiệu DeSilk ở Hà Nội. Ảnh: Công Đạt Những vị khách yêu thích và tận tay trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu lụa DeSilk. Ảnh: Công Đạt |
Ai cũng hiểu, lịch sử lâu đời là thế mạnh của những thương hiệu đình đám như Hermes, Louis Vuitton, …. Điều này không là lợi thế với các thương hiệu mới, nhưng không có nghĩa các thương hiệu mới không có cách để viết câu chuyện lịch sử của riêng mình. DeSilk đã làm điều này khá tinh tế và sáng tạo. Họ đã tạo ra những tấm lụa tơ tằm mang trên mình cả một chiều dài văn hoá, lịch sử hàng nghìn năm của các công trình kiến trúc hay làng nghề truyền thống Việt Nam với một góc nhìn mới mẻ.
Hay như mảnh lụa có hoạ tiết là chùa Keo (tỉnh Thái Bình). Ngôi chùa nổi tiếng với trên 400 năm tuổi, là di dích quốc gia đặc biệt, vốn quen thuộc với nhiều người Việt, nhưng với tư duy mỹ thuật khác biệt, các nhà thiết kế DeSilk đã thể hiện một không gian đầy huyền bí, mê hoặc trên những tấm vải lụa bằng sự kết hợp kỹ thuật in hiện đại và truyền thống của người Việt.
Sự pha trộn giữa in kỹ thuật số và dệt truyền thống tạo ra những tuyệt tác làm nổi bật lên cái hồn của người thợ dệt với những sắc thái, màu sắc hoàn toàn mới lạ. “DeSilk muốn mang đến một luồng gió mới bằng cách pha trộn sắc màu văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại”, bà Văn Thị Hằng chia sẻ.
DeSilk đã nói về sứ mệnh của mình như thế này: “Lưu giữ giá trị cho hàng thủ công và bí quyết gia công của người Việt là sứ mệnh của DeSilk”. Thiết kế sáng tạo kết hợp với kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật số đã cho phép DeSilk tạo ra sản phẩm độc đáo không chỉ thể hiện tay nghề của người thợ dệt Việt Nam mà đây sẽ là yếu tố tạo nên diện mạo mới cho những thương hiệu cao cấp của người Việt.
"Lụa rất đỏng đảnh. Mỗi một lô in có sự khác nhau về màu sắc, không hoàn toàn chiều theo mong muốn của mình. Kể cả khi có máy móc hiện đại nhưng nếu không có cảm nhận đặc biệt về lụa thì không in được. Đấy gọi là nghệ thuật khéo léo", nhà sáng lập DeSilk tâm sự về nghề của mình.
DeSilk đã tạo ra những tấm lụa tơ tằm mang trên mình cả một chiều dài văn hoá, lịch sử hàng nghìn năm của các công trình kiến trúc hay làng nghề truyền thống Việt Nam với một góc nhìn mới mẻ. Ảnh: Công Đạt Những bộ sưu tập khăn lụa cao cấp của thương hiệu lụa DeSilk. Ảnh: Công Đạt Mỗi chiếc khăn nhỏ đều mang một câu chuyện riêng, một ý nghĩa riêng. Ảnh: Công Đạt Những chiếc cà vạt bằng lụa cao cấp của DeSilk. Ảnh: Công Đạt Bộ quà tặng sang trọng của thương hiệu lụa DeSilk. Ảnh: Công Đạt |
Sự khéo léo của những người thợ thủ công Việt Nam được thể hiện tối đa trên những sản phẩm của DeSilk từ áo dài, cho đến những chiếc khăn duyên dáng dành cho các quý cô thành đạt hay chỉ là những chiếc nơ nhỏ xinh gắn trên túi xách. Từ thế kỷ 17,18, sự khéo léo của những người thợ thủ công Việt Nam đã được các nước Phương tây đánh giá vào hàng bậc nhất thế giới. Đây chính là lợi thế đặc biệt của nghề thủ công Việt Nam mà ít nơi nào có được.
Cách làm của DeSilk đó là không chỉ ứng dụng công nghệ, mà còn liên tục tìm kiếm cách sử dụng, làm mới các kỹ thuật và kỹ năng của người thợ, hướng đến quảng bá kỹ nghệ thủ công Việt Nam. “Các nhà thiết kế của chúng tôi đã phối hợp với những thợ truyền thống, và kết quả của sự trao đổi này vượt qua giá trị của một sản phẩm, mang đến những kiến thức, kỹ nghệ quý giá cho những người thợ tài hoa Việt Nam”, bà Văn Thị Hằng nhấn mạnh.
Vượt qua ngoài biên giới của Việt Nam, những nhà thiết kế của DeSilk đến từ Thụy Sĩ, quê hương của các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới. Bởi vậy, họ đã mang lại cho DeSilk sự nghiêm ngặt, kỷ luật và độ chính xác mà một thương hiệu cao cấp quốc tế cần phải có. Cùng với những tư duy thiết kế khác biệt, những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử được tái hiện trên những tấm lụa với một hình dáng mới, mang cả sự huyền bí của phương Đông và phong cách mỹ thuật thời trang của phương Tây. Theo bà Hằng, DeSilk luôn hài hòa hai yếu tố Đông Tây, như chính sự cân bằng âm dương của vũ trụ.
Là người có niềm đam mê bất tận với lụa, bà Văn Thị Hằng đã trăn trở và trực tiếp đi khắp Việt Nam để tìm ra những sợi tơ tốt nhất cho những đứa con tinh thần của mình. Sau khi đến vùng sản xuất lụa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tận mắt chứng kiến chuỗi sản xuất với nhiều nhà máy lâu đời, được gặp gỡ những người nông dân có tình yêu đặc biệt với nghề dệt thủ công, bà Hằng đã xác định Bảo Lộc chính là vùng đất để tạo ra sản phẩm lụa cao cấp.
Dệt lụa đã là một phần trong văn hóa của người Việt xuyên suốt nhiều thế kỷ. Trên thực tế, tơ lụa Việt Nam trải qua thăng trầm của lịch sử, chưa bao giờ mất đi giá trị từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới – ông Fei Jianming nhận định, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.
Mỗi làng nghề truyền thống Việt Nam, câu chuyện tổ nghề lựa chọn và giao sứ mệnh cho những người con cháu trong làng vẫn luôn là những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền. Đó là lý do các làng nghề có tuổi đời hàng nghìn năm với nhiều thế hệ. Điều này khiến tôi liên tưởng đến người sáng lập DeSilk, khi trước đó bà Văn Thị Hằng làm việc trong một lĩnh vực không liên quan đến lụa, nhưng tình yêu với lụa tơ tằm của bà đã bắt đầu từ khi còn là một cô bé được sinh ra ở mảnh đất là quê hương của nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng của Hà Nội, cứ lớn dần lên và thôi thúc.
Với tình yêu bất tận và một tinh thần cầu toàn cần có của một thương hiệu quốc tế cao cấp mà chúng tôi cảm nhận được ở người sáng lập DeSilk, chúng tôi tin DeSilk sẽ thành công với khát vọng đưa thương hiệu lụa made in Vietnam chinh phục các thị trường danh tiếng như Thụy Sĩ, Pháp, Nhật, Ý, Anh..../.
Một số sản phẩm đặc sắc của thương hiệu lụa DeSilk. Ảnh: TLNVCC: |
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt