(BAVN Online) Nằm bên dòng Tô Lịch thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội có một ngôi đền thờ một nhân vật rất đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam - người được suy tôn là "Vạn thế sư biểu", tức người thầy của muôn đời, đó chính là nhà giáo Chu Văn An (1292–1307).
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Chu Văn An nổi tiếng là một nhà giáo tài đức, có nhiều học trò thành đạt. Sự nghiệp giáo dục của ông đã được người đương thời cùng các thế hệ sau suy tôn là “Vạn thế sư biểu”. Sau khi mất, ông đã được dựng tượng thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội và lập đền thờ làm Thành hoàng làng tại Thanh Trì, Hà Nội – một làng cổ nổi danh của Thăng Long xưa.
Chu Văn An người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm Thành hoàng, thì ông sinh năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370).
Đền thờ Chu Văn An ở Thanh Liệt – Thanh Trì – Hà Nội. |
Khán thờ sơn son thếp vàng có đặt tượng thờ thầy giáo Chu Văn An. |
Đền là nơi tụ họp, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong làng. |
Những họa tiết chạm khắc tinh xảo của đền. |
Những họa tiết chạm khắc tinh xảo của đền. |
Sách sử kể rằng, Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi thi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số môn đệ ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Những người này khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm ông ngày càng lan xa nên học trò đến theo học càng nhiều.
Đức độ và tài năng của ông được mọi người ca ngợi nên triều đình đã vời ông ra kinh đô phụ trách Quốc Tử Giám (trường đại học dầu tiên của Việt Nam). Đến thời Trần Dụ Tông (1336–1369), nhà vua chỉ lo ăn chơi, truỵ lạc nên triều chính thối nát. Lúc này, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” (sớ xin chém đầu 7 tên gian thần) nhưng vua không nghe. Từ đó, ông kiên quyết từ quan về ở vùng núi Phượng Hoàng, thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương mở trường dạy học và mất tại đây.
Thấy ông khí tiết thanh cao, học vấn uyên thâm, xứng đáng là một nhà giáo tiêu biểu của nền giáo dục quốc gia nên vua Trần Nghệ Tông (1321–1394) đã cho dựng tượng thờ ông tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Người làng Thanh Liệt cũng dựng đền thờ, phong ông là Thành hoàng làng.
Đền thờ Chu Văn An nằm bên dòng Tô Lịch, thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tương truyền, đền được nhân dân dựng sau khi ông mất, sang thời Lê Trung Hưng (1533–1789), người ta đã phối thờ cả các cụ đỗ đại khoa của làng nên trở thành Văn chỉ (nơi thờ các vị đỗ đạt cao trong làng).
Đền được làm theo kiểu chữ “Công” với ba nếp nhà gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung. Bộ phận quan trọng nhất trong đền là hậu cung, nơi có khám thờ lớn sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo và chiếc bài vị thờ Chu Văn An được đặt trang nghiêm ở trong đó.
Trải qua năm tháng với nhiều lần trùng tu, và gần đây nhất là nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân trong vùng cùng nhiều nơi khác trong cả nước đã quyên tiền tiến hành trùng tu tường, khuôn viên đã bị hư hỏng nặng.
Đền Chu Văn An hiện vẫn lưu giữ được một số di vật quý như hai bức y môn, cửa võng, bốn hoành phi, bốn đôi câu đối, lọ độc bình, một đỉnh đồng, năm sắc phong thần thời Lê - Nguyễn, một cuốn thần phả ghi tiểu sử Chu Văn An, sáu bia đá, một khám thờ…
Năm 1989, đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là nơi người dân cả nước đến chiêm ngưỡng, thờ phụng để tôn vinh một nhà sư phạm, một đại trí thức danh tiếng bậc nhất của nền giáo dục Việt Nam xưa và nay.
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Thành Đạt