Con người tìm ra lửa, tất yếu phải có cách tạo ra lửa và giữ lửa. Đèn dầu là một vật dụng giữ lửa, gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người và cũng là biểu hiện cho những giá trị văn hóa độc đáo của một dân tộc. 650 chiếc đèn cổ trưng bày trong Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” tại Nhà truyền thống Tổng Giáo phận TP.HCM như một biên niên sử theo suốt chiều dài lịch sử - văn hóa Việt từ thế kỷ 5 TCN đến trước 1975.
Không gian trưng bày các hiện vật đèn dầu đủ loại qua các thời đại của Việt Nam thực sự khiến khách tham quan phải trầm trồ. Đèn dầu đủ loại, đủ kích cỡ làm bằng đủ các chất liệu, bao gồm: đất nung, đồng, gốm, gỗ, thủy tinh đã mang đến những góc nhìn văn hóa đa diện. Các hiện vật đèn dầu trưng bày tại Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” là của Linh mục Nguyễn Hữu Triết cùng 10 nhà sưu tập khác trên khắp cả nước.
Theo bà Trịnh Thị Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, linh mục Triết và Tổng Giáo phận TP.HCM đã có đóng góp đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ở đây, có nhiều hiện vật vô giá mà thế hệ sau nhờ đó sẽ hiểu biết thêm được về văn hóa dân tộc qua các giai đoạn lịch sử.
Không gian trưng bày Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam”.
Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” với hàng trăm hiện vật đèn dầu đủ kích cỡ
làm bằng nhiều chất liệu khác nhau đã mang đến những góc nhìn văn hóa đa diện.
Khách tham quan phải trầm trồ trước đủ loại đèn dầu như một cuốn biên niên sử qua nhiều thời đại.
Góc trưng bày các loại đèn dầu thể hiện được quá trình giao thoa văn hóa
giữa Việt Nam với Ấn Độ, hay với các nước châu Âu.
Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” tại Nhà truyền thống Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. |
Là một đất nước nông nghiệp, chiếc đèn dầu từ xa xưa đã trở thành người bạn với người nông dân Việt Nam. Ra đồng từ những lúc trời còn tối, người nông dân một tay cầm đèn, vai vác cày, một tay dắt trâu. Hay các bà các mẹ đi chợ từ 2 giờ sáng cho kịp chuyến đò, rồi đi bộ hàng chục cây số cho kịp phiên chợ sáng, đều mang theo một ngọn đèn dầu. Nhớ khi xưa, nhà ở ven đê sông Hồng, bà ngoại tôi bao nhiêu năm đi chợ, chỉ có mấy nải chuối với thêm chục cái nón lá sắp sẵn hai bên quang gánh. Gà gáy quá canh ba lại tất tả dậy quảy gánh ra chợ, không quên mang theo chiếc đèn dầu nhỏ (đèn con). Trên đê lúc này đã í ới tiếng gọi, lấp loáng trong đêm là những đốm lửa nhỏ từ những chiếc đèn dầu, như phận người, phận đời qua bao thế hệ… Tôi chỉ nhớ và hình dung được vậy thôi vì bà ngoại mất sớm. Mẹ tôi kể, gần nửa thế kỷ đi bộ không biết bao cây số mà bàn chân bà ngoại đã trở nên gày guộc, chai sần, còn cái chân đèn dầu thủy tinh thì đã nhẵn thín vì bàn tay bà cầm…
Đó là từ thế kỉ XX, còn ngược dòng thời gian, từ thời Đông Sơn (thế kỷ 5 TCN), đèn lúc này làm bằng đất nung, bấc để trong và khơi lên. Sau này, đèn làm bằng đồng, chân đèn tùy theo tầng lớp trong xã hội mà có kiểu cách khác nhau. Riêng tầng lớp quý tộc, vua chúa, chân đèn thường được chạm trổ rất công phu, đúc nhiều biểu tượng đẹp mắt và phản ánh nhiều giá trị văn hóa đương thời.
Thời Lý (thế kỷ XIII), thời Trần (thế kỷ XIV) những chiếc đèn thường làm bằng đất nung với kiểu dáng, kích cỡ rất phong phú và đa dạng. Trang trí hoa văn cũng rất đẹp mắt và được tráng men đủ màu sắc.
Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” cũng có những chiếc đèn thuộc nền văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, giúp khách tham quan hiểu thêm về những đặc trưng văn hóa của các nền văn hóa này. Ngoài ra, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, một số hiện vật đèn dầu trong triển lãm còn thể hiện được quá trình giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với Ấn Độ, hay với các nước châu Âu.
Đèn đồng hình con hươu thời Đông Sơn, TK5-1 TCN.
Đèn gốm thời Lý - Trần, TK XIII-XIV.
Các loại đèn dầu bằng đồng Champa, TK XIII-XVIII.
Đèn đồng Champa, TK XVII.
Đèn gốm Khmer, TK XVIII-XX.
Góc trưng bày các loại đèn dầu bằng gốm Nam Bộ (Lái Thiêu, Biên Hòa), TK XIX-XX.
Các loại đèn dầu làm bằng gốm được tráng men nhiều màu sắc, hoa văn rất đa dạng.
Đèn dầu gốm có nhiều hình dạng khác nhau.
Đèn dầu thủy tinh được dùng nhiều ở TK XX.
Đèn dầu bằng gốm Biên Hòa tráng men xanh và có hoa văn độc đáo, TK XX.
Đèn dầu có chân đèn làm bằng gốm.
Dạng đèn dầu gốm khơi bấc có hình dạng độc đáo.
Trang trí trên chân đèn bằng gốm mang tính thẩm mỹ rất cao. |
Bạn Nguyễn Ngọc Thảo Uyên, sinh viên trưởng Đại học Khọc xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Những chiếc đèn với đủ niên đại trưng bày trong triển lãm đã tạo nên một dòng văn hóa - lịch sử thật thú vị. Nhiều chiếc có tính thẩm mỹ rất cao chứng tỏ nghề điêu khắc đã phát triển mạnh từ lâu rồi. Em cảm nhận được mỗi thời đại đều có những dấu ấn riêng ngay trên những chiếc đèn dầu…”./.
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt