Phóng sự chuyên đề

Cuộc chiến chống dịch COVID - 19 của Việt Nam

Hơn trăm ngày qua, tính từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân Việt Nam đồng thuận bước vào cuộc chiến chống dịch. Tính đến thời điểm này 28/4/2020, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch Covid, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Chống dịch như chống giặc, mỗi người dân đều là chiến sỹ

“Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả....”
Trích Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19
của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Hơn ba tháng qua, trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội của Việt Nam lan tỏa những chuyện lay động lòng người trong mùa chống dịch. Câu chuyện hai chị em Trần Bảo Ngân (7 tuổi) và Trần Bảo Trân (6 tuổi) thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã mổ con heo đất tiết kiệm trong 5 năm, ủng hộ hơn 14 triệu đồng cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An phòng chống dịch bệnh COVID-19. Rồi anh Hoàng Tuấn Anh ở Tp. Hồ Chí Minh đã sáng chế cây “ATM gạo”, hỗ trợ hàng nghìn người hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Câu chuyện cụ bà Vũ Thị Sim (103 tuổi) ở Quảng Ninh tích góp, dành dụm tiền từ việc đi thu gom vỏ chai, giấy vụn để ủng hộ một triệu đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid-19 của địa phương khiến nhiều người cảm động.

Câu chuyện để thế giới cảm nhận Việt Nam như đang bước vào cuộc chiến với COVID-19 thực sự là những người chiến sỹ biên phòng trên chốt vùng biên. Trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt chặn phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Long An, trung úy Nguyễn Đình Thông (Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị) được tin bố anh đã qua đời tại quê nhà Hà Tĩnh. Đồn Biên phòng đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay trước căn nhà tạm là chốt kiểm soát mà trung úy Thông đang làm nhiệm vụ để anh và đồng đội thắp hương tiễn biệt người đã khuất. Trung úy Nguyễn Đình Thông cũng như hàng triệu chiến sỹ của quân đội nhân dân Việt Nam đã gạt tình riêng, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.


Binh chủng hóa học – Bộ Quốc Phòng tiến hành khử khuẩn ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn


 Khử khuẩn thường xuyên trên máy bay trong những ngày dịch COVID-19. Ảnh: Phong Sơn


Kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh vào Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Phong Sơn


Lực lượng chức năng tiến hành xét nghiệm nhanh virus Sars-CoV-2 ngoài cộng đồng tại Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Nhân viên y tế đến tận nhà để kiểm tra sức khỏe người dân tại ở dịch Hạ Lôi – Mê Linh. Ảnh: Nguyễn Phong Sơn


Lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra lịch sử dịch tễ cho người dân Hạ Lôi – Mê Linh. Ảnh: Phong Sơn


Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm virus Sars-CoV -2 cho từng người tại Hạ Lôi – Mê Linh. Ảnh: Phong Sơn


Cán bộ y tế thường xuyên được khử trùng và diệt khuẩn tại Khu cách ly Trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: An Quốc Việt


Khu vực lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm virus SAR-CoV-2 tại khu cách ly Trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.Ảnh: An Quốc Việt


Những suất cơm được người dân tình nguyện chuyển đến Bệnh viện để các y, bác sĩ tuyến đầu trong yên tâm trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19.
Ảnh: Thanh Giang



Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm virus SAR-CoV-2 tại khu cách ly Đại học FPT. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn


Máy đo thân nhiệt được sử dụng tại các cơ quan hành chính ở Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Những bức tranh cổ động giúp người dân Hà Nội có thêm khí thế, động lực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn 


Khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội vắng bóng người trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội Ảnh: Công Đạt

Trong hơn 100 ngày cả nước gồng mình chống dịch, thật cảm động khi đọc bức thư cảm ơn lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam của chị Joanna Zythowska đến từ Ba Lan, khách du lịch tại Hội An bị cách ly. Trong thư có đoạn: "Các bạn đã mạo hiểm cả mạng sống của mình để giúp chúng tôi. Việt Nam sẽ ở lại trong trái tim tôi mãi mãi”. Trong trận chiến này, Công an nhân nhân là lực lượng quan trọng, không quản ngại, khó khăn, gian khổ, quyết liệt thực hiện chủ trương giãn cách xã hội mà Chính phủ đề ra.
Việt Nam là điển hình cho cả các nước đang phát triển và phát triển trong nỗ lực đối phó với dịch với COVID-19. Phần lớn thành công là nhờ vào sự đoàn kết xã hội.
Nhà báo Joshua Hanks đăng trên trang worker.org


Có những thời điểm, Việt Nam đã cách ly hơn 80.000 người tại hàng nghìn cơ sở cách ly tập trung trên toàn quốc. Các ổ dịch như bị cách ly như: xã Sơn Lôi (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc), phố Trúc Bạch (Ba Đình – Hà Nội), thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam – Ninh Thuận), thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Mê Linh - Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đều được người dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hy sinh những lợi ích kinh tế để ngăn chặn dịch. Anh Phạm Văn Thêm, người dân thôn Hạ Lôi chia sẻ: “Thời điểm bị cách ly, Hạ Lôi có hơn 100 ha hoa đến kỳ thu hoạch nhưng chúng tôi đã phải cắt bỏ vì ý thức được rằng việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, thực hiện cách ly, giãn cách xã hội là điều phải làm vì lợi ích chung của toàn quốc”.

Những con người mà chúng tôi vừa kể, chỉ phần nhỏ trong tổng số hơn 100 triệu dân Việt Nam, mà mỗi người như một “chiến sỹ” đang tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ trong chiến dịch chống đại dịch COVID - 19. Điều này được thể hiện qua Công bố khảo sát của Tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (Đức) tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp 5 châu lục: “Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới”.

Những “chiến sỹ áo blu trắng” nơi tuyến đầu

Ít người biết rằng, ngay từ 28/12/2019 khi xuất hiện những thông tin về virut gây dịch bệnh ở Vũ Hán thì mẫu con virut này được gửi về Việt Nam, PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ TW đã nhận định rằng: “Chúng tôi xác định bắt đầu chiến đấu với con virut corona”. Bằng những nỗ lực không kể ngày đêm, chỉ hai tháng sau, PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai và tập thể Viện vệ sinh Dịch tễ TW đã nuôi cấy, phân lập thành công SARS-CoV-2. Sự thành công này đã tạo tiền đề đề Việt Nam để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển vắc xin phòng bệnh. Sự kiện này được WTO công nhận, Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới thành công trong việc nuôi cấy, phân lập thành công SARS-CoV-2.

Bs. Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã có những chia sẽ đầy tâm huyết: “Chính xác virut này và những người bệnh mà nó mang lại là đối thủ sống còn với chúng tôi”. Say sưa nói về công tác phòng chống COVID-19, bác sĩ Cấp nhận định: “Quan trọng nhất của chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam. Nếu vào thì đừng để lan quá rộng. Chúng tôi chỉ gánh vác việc thứ 3 là điều trị cho những bệnh nhân chẳng may bị COVID - 19. Việt Nam chúng ta đã làm rất tốt 2 việc đầu nên nghành y có số lượng bệnh nhân rất nhỏ so với các nước khác nên cố gắng điều trị thành công”.



Lực lượng y tế đi lấy mẫu virus Sars-CoV2 thể hiện sự quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn


Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 "Made in Vietnam" được chế tạo thành công. Ảnh: Công Đạt


Các nhân viên y tế thường xuyên khử trùng diệt khuẩn tại các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân COVID - 19 trên địa bàn toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn


Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương. Ảnh: Ngọc Thành


Hướng dẫn phương pháp chống dịch COVID-19 cho sinh viên trường Đại Học Y Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Chỉ với khoảng thời gian 4 tiếng đồng hồ làm việc liên tục cùng đồ bảo hộ tại khu cách ly Đại học FPT, gương mặt chuyên viên xét nghiệm Nguyễn Thanh Bình (Y tế Quận Nam Từ Liêm) đã hằn sâu những vết lằn do khẩu trang và kính chắn. Nhưng dường như chúng càng tô điểm thêm cho sự quyết tâm và vẻ đẹp
trên gương mặt nữ "chiến sỹ áo trắng"  trong chiến dịch phòng chống Covid-19. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn



Việc lấy mẫu bệnh phẩm buộc kỹ thuật viên phải tiếp xúc rất gần khuôn mặt bệnh nhân, khoảng 0,3 đến 0,5m. Việc dùng que lấy dịch từ cuống họng từ miệng và mũi cũng khiến người nghi nhiễm dễ ho hoặc hắt hơi, đồng nghĩa với việc chuyên viên lấy mẫu phải hứng hàng triệu giọt bắn mỗi ngày vào kính chắn, găng tay, quần áo.  Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn


Một bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại phòng áp lực âm thuộc Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương. Ảnh: Phong Sơn


Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam (3 tháng tuổi) mắc COVID-19 được xuất viện. Ảnh: Công Đạt


Các bệnh nhân nhiễm COVID - 19 vui mừng ngày xuất viện. Ảnh: Phong Sơn

Tính đến ngày 28/4/2020, Việt Nam có 270 người dương tính với COVID – 19, đã điều trị khỏi 222 người, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong.
Chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế nghành y luôn túc trực 24/24, tự cách ly cả tháng chưa về đến nhà. Như chia sẻ của bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh  Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy: “Chỗ có dịch bệnh thì mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Còn bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thì chia sẻ, thời gian qua, anh và các đồng nghiệp đều phải làm việc với cường độ cao gấp 3 lần so với những ngày thường. Với Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, những “chiến sĩ áo trắng” luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Hơn 1.000 cuộc gọi tới mỗi ngày khiến cho các nhân viên trực tại đây hiếm có một bữa cơm trọn vẹn.
Giữa những ngày trong tâm bão đại dịch COVID-19, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang trong giai đoạn bị cách ly do có người bị nhiễm bệnh đã lập kỳ tích với ca cứu sống sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối đã ngưng tim 120 phút mà không bị thương tổn não.

Những tâm sự của Bs. Cấp, Bs. Hùng, Bs. Thắng và kỳ tích ở Bệnh viện Bạch Mai là đại diện cho hàng nghìn cán bộ, y bác sỹ nghành y cùng với toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID – 19./.


"Việt Nam đã thể hiện tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ từ cấp Thủ tướng, kích hoạt cơ chế phản ứng với COVID-19. Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn"
Ông Takeshi Kasai  - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO
 
Bài: Phong Thu
Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn, Công Đạt, Phong Sơn,
Quốc Việt, Ngọc Thành và Thanh Giang 


Top