Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc


Đầu năm 2023, trong vai trò của một người người lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Văn Hiển đặt chân tới thị xã Bambari thuộc tỉnh Ouaka của Cộng hòa Trung Phi xa xôi. Đó là nơi có thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt cùng với xung đột và bạo lực khiến cho vùng đất nghèo nàn, lạc hậu này luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.

Với bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, Trung tá Nguyễn Văn Hiển đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, bắt nhịp hoàn thành tốt mọi công việc, được cấp trên và bạn bè, đồng nghiệp quốc tế tin tưởng, đánh giá cao. Anh chia sẻ: “Hoạt động độc lập trong môi trường làm việc đa quốc gia, sự khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ cũng như tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi mỗi sĩ quan ‘mũ nồi xanh’ Việt Nam phải không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Cán bộ Bệnh viện dã chiến Việt Nam khám bệnh cho người dân bản địa ở Nam Sudan. Ảnh: Cục gìn giữ hòa bình

Đại tá Jhalendra Bhattarai, chỉ huy trưởng lực lượng tác chiến Bambari nhận xét: “Trung tá Nguyễn Văn Hiển đã thể hiện cam kết cao nhất đối với những giá trị của Liên hợp quốc, có những đóng góp tích cực cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bambari trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong môi trường tác chiến đầy khó khăn, thử thách”. Còn Đại tá MD Rafiqul Islam, Phó Tham mưu trưởng Lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA đánh giá: “Trung tá Nguyễn Văn Hiển tại Phái bộ MINUSCA đã vượt trên cả sự mong đợi”.

Trung tá Nguyễn Thị Liên, người phụ nữ Việt Nam duy nhất tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi thì được bạn bè quốc tế, người dân địa phương và truyền thông thế giới đặc biệt yêu quý gọi là “Madam Liên”.

Đến Cộng hòa Trung Phi từ tháng 6/2019, trung tá Nguyễn Thị Liên và các đồng nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đất nước này đang chịu sự tác động của xung đột vũ trang, bất ổn chính trị và sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Ngoài công việc tại đơn vị, những lúc rảnh chị lại tìm cách đến với người dân địa phương, hướng dẫn, giúp đỡ người dân nghèo cách trồng trọt để cải thiện đời sống.

 
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam hướng dẫn học ngoại ngữ cho các em học sinh ở khu ti nạn Bentui
ở Nam Sudan. Ảnh: Nguyễn Á

Chị Liên cho biết, nhà nào có đất chị đều hướng dẫn và khuyến khích họ trồng rau. Kết quả là các gia đình xung quanh khu vực đơn vị chị đóng quân nhà nào cũng có vườn rau. Nhà thì có ruộng rau muống, nhà thì giàn mùng tơi, giàn bầu Việt Nam… để ăn. Ngoài cây rau, chị còn hướng dẫn họ trồng thêm ngô và đậu để tăng nguồn lương thực tại chỗ. Không những thế, Trung tá Liên còn hướng dẫn người dân cách làm giá đỗ, làm bánh sắn và làm cả bột đậu xanh cho trẻ em uống để nâng cao sức khỏe… Chị đến với người dân Cộng hòa Trung Phi bằng những việc làm và tình cảm thiết thực, giản dị, chân thành như thế nên người dân rất quý mến và gọi chị là “Madam Liên”.

Nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến tặng quà cho các em thiếu nhi Nam Sudan. Ảnh: Cục gìn giữ hòa bình

Cũng giống như anh Hiển, chị Liên, Thượng tá Bùi Đức Thành, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cũng từng có thời gian làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Châu Phi, cụ thể là tại Nam Sudan. Những ngày tháng vất vả ở Nam Sudan, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, anh Thành và các đồng đội còn dành thời gian hỗ trợ, chăm sóc người dân sinh sống quanh địa bàn khu vực đóng quân. Những món quà của các anh tuy giản dị, đôi khi chỉ là mớ rau, quả bí hay tập vở, cây bút cho các cháu nhưng rất được người dân nâng niu, trân trọng. Vì thế mỗi khi nhìn thấy những người lính với hình ảnh cờ đỏ sao vàng trên ngực áo là các em đều reo lên: “Việt Nam!”.

Chuyện về Trung tá Nguyễn Văn Hiển, trung tá Nguyễn Thị Liên và Thượng tá Bùi Đức Thành cũng chính là những chuyện thường ngày mà những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam đã làm để đem lại bình yên và hạnh phúc cho người dân Châu Phi xa xôi trong suốt 10 năm qua.

 

Tháng 6 năm 2014, Việt Nam chính thức cử hai sĩ quan quân đội đầu tiên đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Hiện nay, Việt Nam đang đứng vị trí 39 trên tổng số 117 quốc gia cử quân và cảnh sát với quân số triển khai thường xuyên tại các Phái bộ thực địa với 274 người, trong đó có 36 nữ quân nhân.

Trong 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các đơn vị và các sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng giao. Nhiều sĩ quan khi kết thúc nhiệm kì được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng thưởng Bằng khen, Thư khen. Đặc biệt, 100% cán bộ của Quân đội Nhân dân Việt Nam được chỉ huy các Phái bộ thay mặt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Số lượng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc và các quốc gia cử quân khác.

Lực lượng gìn giữ hòa bình chơi trò dân gian Việt Nam “Bịt mắt bắt dê” cùng người dân bản địa
ở Nam Sudan. Ảnh: Nguyễn Á

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 10 năm qua Việt Nam đã cử khoảng 100 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong đó, các sĩ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập chiếm khoảng 20% so với tỉ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%. Bên cạnh đó, các nữ quân nhân tham gia trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 chiếm tỉ lệ 16-21% (con số này cao hơn so với tỉ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%); nữ quân nhân thuộc đội công binh Việt Nam chiếm khoảng 12%, trong khi các đội công binh gìn giữ hòa bình của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia.

Đại úy Phạm Văn Hà, Trưởng ban đảm bảo (thứ 2, bên trái) cùng thiếu úy Lưu Tuấn Hưng trong một lần đi chợ
gần khu căn cứ Bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan. Ảnh: Nguyễn Á
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam giao lưu cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Ảnh: Nguyễn Á
Người dân ở Nam Sudan biểu diễn vũ điệu bản địa giao lưu cùng Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Á

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ với người dân cũng như chính quyền sở tại, tạo được nhiều thiện cảm, sự tin yêu, quý trọng thông qua các hoạt động hỗ trợ, thiết thực giúp cải thiện đời sống của người dân, như: làm đường, dạy học, hướng dẫn làm nông nghiệp, đóng bàn ghế học sinh, làm nhà, dựng lớp học, khoan giếng, tặng máy phát điện, khám chữa bệnh, cấp khẩu trang phòng dịch, cấp phát thuốc miễn phí... Cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn, nhân đạo vì cộng đồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được chỉ huy Phái bộ và lãnh đạo Liên hợp quốc ghi nhận như một sáng kiến, mô hình tham khảo tốt và được ví như “luồng gió mới” trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với các lực lượng khác của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Ảnh: Cục gìn giữ hòa bình

Theo đánh giá của chỉ huy Phái bộ và các cơ quan của Liên hợp quốc, lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo, kỉ luật cao và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với chỉ huy các Phái bộ cũng như bạn bè và đồng nghiệp quốc tế.

Các sĩ quan của Bệnh viện dã chiến Việt Nam giao lưu cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sadan.
Ảnh: Nguyễn Á

Có thể khẳng định việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước, là bước đi làm sâu sắc thêm đường lối đối ngoại quốc phòng của quân đội Việt Nam. Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam cho sứ mệnh hòa bình trên thế giới góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương; tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước./.

Bài: Thông Thiện         Ảnh: Nguyễn Á, Thông Hải/Báo ảnh việt Nam, Cục Gìn giữ hòa bình


Top