Phóng sự chuyên đề

Cúc Phương – Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á

Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam rộng 22 nghìn ha, là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới đã 3 năm liền (2019-2021) được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á. Trong suốt gần 60 năm qua, kể từ khi Vườn quốc gia được thành lập, công tác bảo tồn động thực vật có những thành công lớn được quốc tế ghi nhận là khu vực bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Đông Nam Á.

Hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng ở Vườn quốc gia Cúc Phương

Ngay sau khi được Tổ chức World Travel Awards vinh danh, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Nguyễn Văn Chính, ông đã lý giải cho chúng tôi tường tận vì sao Cúc Phương liên tục được công nhận Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.

Với địa hình Karts đặc trưng, rừng nguyên sinh Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị khảo cổ học, cổ sinh học và địa chất, địa mạo phong phú. Nhiều di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, có giá trị khoa học về lịch sử tộc người. Trong đó đáng chú ý nhất là Hang Con Moong, Động Người xưa, …. Ngoài ra, hàng chục hang động khô đã được phát hiện, đang khai thác qua các tour tham quan khám phá. Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi cũng khẳng định, núi rừng Cúc Phương vẫn còn nhiều hang động chờ đợi các nhà khoa học, thám hiểm.



Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam với diện tích 22.408ha, là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới.
Đặc biệt, 3 năm liên tiếp gần đây (2019-2021), 
Cúc Phương được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á. Ảnh: Minh Đức


Cán bộ Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương  chăm sóc cá thể linh trưởng trước khi tái thả về tự nhiên. Ảnh: Minh Đức



Cá thể linh trưởng trong môi trường tự nhiên ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức



Một cá thể rùa đất Pulkin ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng



Đến Vườn quốc gia Cúc Phương vào tháng 4 - 5 hàng năm, bạn sẽ được đắm chìm trong khung cảnh thần tiên khi đàn bướm di cư về đây. Ảnh: Minh Đức



Cá thể cầy vòi sinh trưởng trong môi trường tự nhiên ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức



Cây Chò chỉ 1000 năm tuổi ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Trường Huy



Hóa thạch bò sát răng phiến trên 200 triệu năm trong rừng nguyên sinh Cúc Phương. Ảnh: Trường Huy



Cán bộ Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương khám bệnh cho cá thể rùa trước khi tái thả về tự nhiện. Trung tâm có 1.700 cá thể rùa gồm 22 loài bản địa
và quý hiếm như rùa trán vàng, rùa sa nhân, rùa đầu to và rùa Trung bộ đặc hữu của Việt Nam. Mỗi năm Trung tâm còn cứu hộ từ 200 - 300 cá thể
và trưng bày các tiêu bản của nhiều loại rùa, để du khách quan sát các cá thể rùa trong sinh cảnh tự nhiên. Ảnh: Minh Đức


Ngoài ra, VQG Cúc Phương thuộc kiểu rừng nhiệt đới thường xanh đai thấp. Đặc trưng là các hệ sinh thái chuyển tiếp giữa núi đá vôi và núi đất. Diện tích rừng chủ yếu là các lớp quần hệ rừng rậm nhiệt đới thường xanh trên đất thấp (dưới 500 m) và núi thấp (dưới 500 m), phong hóa từ đá phiến và đá vôi. Các kiểu thảm thực vật rừng này thể hiện tính đặc trưng của các hệ sinh thái núi đá vôi và tính đa dạng sinh học cao.

Vườn Quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Đặc biệt, VQG Cúc Phương từ lâu đã là trung tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo tồn động thực vật trong nước và quốc tế. Theo điều tra của các tổ chức thì có đến 2234 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó có đến 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.

Hệ động vật ở Cúc Phương rất phong phú, đa dạng. Về động vật có xương sống có 669 loài thuộc 120 họ, 35 bộ, gồm: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá. Trong số các loài cá sống ở các sông, suối Cúc Phương có một số loài mới được đặt tên lần đầu tiên đó là cá Niết Cúc Phương (có tên khoa học là Pterocrypis cucphuongensis) và Thằn lằn tai Cúc Phương (có tên khoa học là Tropidophorus cucphuongensis)... Động vật không xương sống có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.

Ông Nguyễn Văn Chính còn cho biết thêm, hầu hết cộng đồng cư dân sống xung quanh rừng Cúc Phương là người Mường – một tộc người có nền văn hóa lâu đời, góp phần rất lớn làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Họ có sự kết nối mạnh mẽ với cánh rừng thông qua đời sống tâm thức. Đây là gốc rễ để họ tham gia cùng với ban quản lý Vườn quốc gia bảo vệ thiên nhiên. Bất cứ ai đến với Cúc Phương đều cảm nhận được vẻ nguyên sơ của rừng nguyên sinh – đây là đặc điểm không dễ còn ở nhiều nơi.

“Mê cung” bí ẩn và kì thú

Nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam đã phải thốt lên rằng, Cúc Phương rộng lớn và bí ẩn như “Mê cung kì thú”. Ông Nguyễn Văn Chính lý giải về hiện tượng này rằng: “Một cánh rừng nguyên sinh có lịch sử hàng triệu năm như Cúc Phương, chắc chắn mang trong lòng một hệ giá trị tiềm ẩn và kì thú. Bản thân trong các khối đá vôi luôn rất cằn cỗi, nhưng trên đó lại có một hệ sinh thái với động, thực vật hàng trăm, hàng nghìn loài khác nhau. Rõ ràng đó là sự bí ẩn và kì thú!”.

Ông Chính cũng khẳng định thêm, với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý VQG Cúc Phương luôn thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.

Công tác bảo tồn thực vật được thực hiện từ năm 1985, VQG Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật với diện tích 167 ha. Đến nay đã trồng và sưu tập được 811 loài. Vườn thực vật Cúc Phương được đánh giá là Vườn thực vật được xây dựng một cách bài bản đầu tiên trong hệ thống các VQG và khu Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.

Hiện nay, VQG Cúc Phương đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, đó là: Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê tê; bảo tồn các loài Rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác (hươu, nai, các loài trong họ Trĩ, các loài Khỉ …).  Hiện đang cứu hộ, bảo tồn 64 loài với 2700 cá thể động vật hoang dã.



Kiểm lâm VQG Cúc Phương thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ vườn. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng


 Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức) tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam
với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức



Gấu được các cơ quan chức năng bắt giữ  trong những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép
được chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn gấu Cúc Phương trước khi tái thả về tự nhiện. Ảnh: Minh Đức



Cán bộ Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương thực hiện quy trình cho những loài rùa quý hiếm sinh nở trong môi trường bán hoang dã. Ảnh: Minh Đức



Cán bộ bộ Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương chăm sóc linh trưởng được cứu hộ. Ảnh: Minh Đức



Cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương tham gia tái thả động vật hoang dã sau khi cứu hộ về rừng nguyên sinh. Ảnh: Ninh Đức Phương



Tiêu bản tê tê được trưng bày tại Bảo tàng Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức



Đàn nai được chăm sóc ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Ninh Đức Phương

 

Du khách quốc tế thích thú với đàn bướm ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức



Bảo tàng Cúc Phương có vị trí trong khuôn viên của Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Trong những năm qua, bảo tàng đã sưu tập hàng nghìn mẫu côn trùng, bướm,
xén tóc, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, chim, các loài thú khác như gấu, báo, khỉ, voọc,… nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và du lịch. Ảnh: Minh Đức



Chương trình giáo dục nhận thức bảo tồn trong dự án bảo tồn Cúc Phương được thành lập năm 1996 với sự tài trợ của BP và tổ chức phi chính phủ ARA tại Đức.
Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Minh Đức


Cúc Phương có nhiều trung tâm, chương trình cứu hộ động vật hoang dã như: Chương trình bảo tồn Rùa, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và Tê tê, Chương trình cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng. Các Trung tâm, Chương trình cứu hộ này đa phần nằm xung quanh khu cổng Vườn và đẩy đủ biển chỉ dẫn nên du khách có thể đến thăm quan, tìn hiểu. Các hoạt động này vẫn đang được đẩy mạnh, nhất là liên kết với các trường học lân cận để giáo dục về môi trường cho học sinh và sinh viên.

Loại hình du lịch sinh thái được xem là hướng đi chính trong định hướng phát triển của Vườn, cũng là chiến lược phát triển mà tỉnh Ninh Bình định hướng cho VQG Cúc Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

Từ khoảng thánh 5 trở đi, nếu có dịp đến với VQG Cúc Phương du khách sẽ có cơ hội khám phá xứ sở của nhiều loài Bướm lạ và đẹp. Vào những ngày này, VQG Cúc Phương như “ngày hội” của các loại bướm. Theo kết quả ghi nhận ở đây có tới hơn 400 loài bướm.


Từ tháng 7 đến nay, VQG Cúc Phương đã mở tour “Về nhà” để du khách tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với “ngôi nhà tự nhiên”. Với tour du lịch này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng mà còn trở thành “sứ giả” giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.

Du lịch cộng đồng là mô hình đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hình thức du lịch này đã đi vào hoạt động từ những năm 2009, 2010 và cụ thể là ở những bản người Mường thuộc vùng đệm của Vườn như bản Trác (xã Lạc Thịnh, Yên Thủy, Hòa Bình), bản Khanh (xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình). Du khách tham gia tour này sẽ được khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, tham gia giao lưu văn nghệ, tìm hiểu tập tục người bản địa…

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phục hồi du lịch sau dịch Covid – 19, VQG Cúc Phương đã xây dựng, ban hành, vận hành các sản phẩm du lịch sinh thái mới. Giám đốc VQG Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết: “Từ tháng 8 đến nay, Vườn đã tổ chức nhiều chương trình du lịch như: Hành trình hồi sinh (cộng đồng, du khách có tình yêu thiên nhiên tham gia cùng với Vườn trong nỗ lực cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm nguy cấp), Chương trình “Học tập trải nghiệm 01 ngày dành cho học sinh vùng đệm và các địa phương giáp ranh với Vườn quốc gia Cúc Phương”, các chương trình “Tình nguyện” và tour “Về nhà”. Thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi rất mong muốn được đón tiếp, phục vụ du khách khi về với rừng Cúc Phương luôn là những “bước chân xanh, sống an lành, song hành đẩy lùi Covid”./.


Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam có trụ sở đặt trong khuôn viên Vườn quốc gia Cúc Phương, đã được trao giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường, còn được mệnh danh là “Nobel Xanh.”


Bài: Ninh Đức Phương Ảnh: Ninh Đức Phương, Minh Đức, Ninh Mạnh Thắng, Trường Huy

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top