Kinh tế

Công nghệ nuôi biển: những mô hình độc đáo ở Khánh Hòa

Với điều kiện địa lý hiếm nơi nào có được, tỉnh Khánh Hòa đã phát triển nghề nuôi biển như một hướng đi chiến lược, nhất là khi các Tổ chức quốc tế như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và người dân cùng hợp tác, biến lợi thế này thành hiện thực. Với những mô hình nuôi biển độc đáo như hải sâm nuôi ghép với ốc hương, nuôi cá song vua… không chỉ mang lại nguồn thu nhập, giúp ổn định cuộc sống mà còn là giải pháp bảo tồn nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, bờ biển kéo dài trên 3.260 km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm: các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển hở.

Khánh Hòa được coi là thủ phủ nuôi trồng thủy sản ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, nhất là nghề nuôi biển bởi có điều kiện tự nhiên thuận lợi như bờ biển dài, nước trong sạch, độ mặn phù hợp, nhiệt độ các mùa ít chênh lệch, nhiều vịnh sâu và kín gió… Hiện nghề nuôi biển ở Khánh Hòa còn được ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt là những đột phá trong sản xuất nhân tạo giống nhằm phát triển nghề nuôi biển ở địa phương này.

Bảo tồn "Thần dược" hải sâm trước nguy cơ tuyệt chủng

Được xem là thần dược xứ biển, Hải sâm (Holothuroidea, Echinodermata) từ xưa vốn đã được biết đến bởi là món ăn bổ dưỡng ở nhiều nơi, đặc biệt là Trung Quốc. Thần dược xứ biển này cũng được đánh giá cao bởi lợi ích nhận thức như thuốc cổ truyền dưới dạng chiết xuất, chế biến dạng thuốc viên, thuốc bổ... Đó là lý do nhu cầu mua hải sâm cao, dẫn đến hải sâm bị khai thác đến mức tận diệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. 

Là một trong những quốc gia độc tôn về nguồn lợi hải sản này, đặc biệt là hải sâm cát ở Việt Nam, tìm thấy ở vùng cửa sông hay vịnh có đáy cát, ở độ sâu từ 2 - 2,5m. Do đặc điểm sống dạng quần đàn, thường dễ tìm thấy nên dễ hải sâm bị khai thác quá mức. Ở một số nơi, trước đây hải sâm sinh trưởng trong tự nhiên rất nhiều nhưng nay chỉ còn lại một số ít, đặc biệt là vùng biển Khánh Hòa. Do đó, việc nghiên cứu nuôi hải sâm, đặc biệt hải sâm cát không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề bảo tồn nguồn thủy sản này, do sách đỏ thế giới phân vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.



Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung (người cầm loa trong ảnh) giới thiệu với
các cựu nghiên cứu sinh là các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà nghiên cứu nông nghiệp đến từ các tổ chức đối tác của ACIAR tại Việt Nam
bể nuôi 
rong nho, một loài thuộc rong biển được nuôi ghép cùng hải sâm.  


Ngoài giá trị thương phẩm chế biến trên thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, rong nho khi nuôi ghép cùng hải sâm cũng 
được coi là những “cỗ máy” lọc sinh học  giúp cải thiện môi trường nước, chất lượng đáy ao, bằng con đường hấp thu dinh dưỡng. 


Nuôi hải sâm cát khó nhất là giai đoạn ra giống ban đầu bởi thời gian này kéo dài, từ 3 - 4 tháng.


Ao nuôi hải sâm kết hợp với ốc hương tại Khu thực nghiệm của Dự án hợp tác quốc tế giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III
 và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.



 Các cựu nghiên cứu sinh là các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà nghiên cứu nông nghiệp hăm thực địa dự án nghiên cứu do ACIAR tài trợ
được dẫn dắt bởi TS Nguyễn Đình Quang Duy, cựu nghiên cứu sinh ACIAR đang công tác tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, Nha Trang. 


Sau hơn một năm nuôi, trọng lượng thương phẩm thu hoạch của hải sâm cát đạt 3 con/kg tươi. Các hình thức nuôi ghép giữa hải sâm và tôm,
hải sâm với ốc hương và rong nho...  đã làm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo sinh kế bền vững cũng như tạo công ăn việc làm cho
 người dân vùng ven biển và hải đảo.

Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đình Quang Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III), chuyên gia hàng đầu về hải sâm ở Việt Nam thì quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III qua hai đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang - Khánh Hòa", giai đoạn 2003 - 2004 và "Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”, giai đoạn 2008 - 2009.

Trong số các loài hải sâm nhiệt đới, hải sâm cát có giá bán cao nhất trên thị trường, dao động từ 115 - 640 USD/kg đến 1.670 USD/kg (đối với mẫu nặng hơn 1,5kg).
Trong năm 2015, tổng sản lượng nuôi hải sâm cát trên toàn cầu chỉ là 156 tấn, trị giá 732.000 USD, phần lớn được sản xuất ở Việt Nam và Malaysia

(Nguồn: FAO, 2018).
Sau hơn 10 năm nghiên cứu, cả hai dự án này cùng với các dự án hợp tác quốc tế khác về loài hải sâm cát khác được nghiên cứu về cơ bản đã hình thành nghề nuôi nguồn lợi hải sản này tại Việt Nam, chủ yếu là nuôi thương phẩm trong ao. Đặc biệt, gần đây các dự án hợp tác quốc tế nghiên cứu về hải sâm giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) đã làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát, đồng thời nghiên cứu các hình thức nuôi ghép giữa hải sâm và tôm, hải sâm với ốc hương, nuôi đăng biển. Ngoài ra, dự án hợp tác quốc tế này cũng tổ chức tập huấn sản xuất giống và các giải pháp quản lý môi trường ao nuôi và tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển ở Khánh Hòa...

Nhiều trại sản xuất giống hải sản, diện tích nuôi sử dụng nuôi các loài hải sản (tôm, ốc hương, cá biển...) không hiệu quả đã được chuyển đổi qua sản xuất giống và nuôi hải sâm cát như gia đình ông Đồng Văn Hải ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh). Theo ông Hải, với sự giúp đỡ của các kỹ sư thuộc Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung (thuộc Viện III), việc cùng nuôi ghép thử nghiệm giữa ốc hương hải sâm và rong biển trên cùng một diện tích ao nuôi của gia đình ông bước đầu đã có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn nuôi hải sâm không tốn kém bởi chúng ăn thức ăn dư thừa hoặc chất thải của đối tượng nuôi khác, nên phát huy công năng trên một diện tích đất, nhà xưởng, mặt nước nuôi trồng. Ngoài ra, chúng được ví như “máy cày sinh học của biển” bởi có khả năng lọc cát, làm sạch nước mang lại lợi ích lớn cho việc cải thiện môi trường tự nhiên lẫn ao nuôi.

Hiện con giống hải sâm cát có giá giao động từ 3000 -10.000 đồng/con, tùy loại kích cỡ. Thời gian nuôi thương phẩm hải sâm cát đạt được tại các mô hình trung bình từ 10 - 12 tháng, có thể thu hoạch với kích cỡ khoảng 3 - 4 con/kg, năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống trung bình khoảng 80%. Việc triển khai sản xuất nuôi trồng hải sâm cát ở quy mô công nghiệp sẽ mở rộng nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm một đối tượng có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm, nhất là việc làm cho phụ nữ vùng hải đảo và ven biển. Sản phẩm từ nghề nuôi sẽ góp phần vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và y học cao, góp phần cải thiện sức khỏe người dân.

Hợp tác đa phương và làm chủ công nghệ sản xuất giống cá song vua

Cùng với hải sâm, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng đã sản xuất thành công giống cá song vua hay còn gọi cá mú nghệ và giống lai giữa song vua và song hổ, có giá trị kinh tế cao, mở ra cơ hội phát triển nghề nuôi cá song bền vững.

Theo Tiến sĩ (TS) Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang (Viện III), cá song vua là một đối tượng ưu tiên cao đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam bởi là loài có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, loài này lại chưa có cơ sở sản xuất giống ở quy mô thương mại ở Việt Nam bởi thiếu kiến thức về nuôi vỗ thành thục và sinh sản của cá, tỷ lệ ấu trùng sống thấp. Công các nghiên cứu và nghề nuôi cá song vua gặp nhiều khó khăn do mức đầu tư cao trong việc lưu giữ và duy trì đàn cá song vua bố mẹ. Hiện chỉ có Đài Loan là nơi có thể sản xuất được số lượng lớn cá song vua giống. Các nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam thường nhập cá giống nơi đây về nuôi thương phẩm.

Từ thực tế trên, dự án “Phát triển công nghệ cá song vua ở Việt Nam, Philippines và Australia” được thực hiện từ 1/1/2014 đến 31/12/2018 đã giải quyết nút thắt này bằng cách kết hợp các nguồn lực thông qua hợp tác đa phương. Đây là Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ và GS.TS Abigail Alizur, ĐH Sunshine Coast (Australia) làm Trưởng dự án. PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III và Tiến sĩ Felix Ayson, Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á là điều phối viên dự án tại Việt Nam và Philippines.



Kỹ thuật viên kiểm tra tinh trùng của cá song vua bố, hiện sinh trưởng và phát triển tốt tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang.


Cùng với cá song vua bố mẹ là hệ thống ươm nuôi cá giống hiện đại để cho ra đời con giống đồng đều, chất lượng.


TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang và cộng sự kiểm tra bể ương nuôi ấu trùng cá song vua.  


Nuôi cấy tảo làm thức ăn cho cá giống ở giai đoạn dưới 25 ngày tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang .

Con cá mú lai được nuôi tại trung tâm có ngoại hình đẹp, vừa phát triển nhanh, vừa chống chịu tốt môi trường khắc nghiệt.

Là Trưởng nhóm thực hiện dự án tại Việt Nam, TS Trương Quốc Thái cho biết, mục tiêu dự án phát triển công nghệ nuôi cá song vua tại 3 nước, tuy nhiên tùy thế mạnh mỗi nước mà mục tiêu dự án được chia ra thực hiện. Ở Việt Nam và Philippines, với thế mạnh về nuôi nên tập trung phát triển kỹ thuật ươm nuôi, kỹ thuật cho đẻ, kỹ thuật ươm nuôi ấu trùng lên cá giống.

Dự án đã hỗ trợ cho Trung tâm thu thập và nuôi dưỡng đàn cá song vua bố mẹ từ giữa năm 2016 với số lượng là 16 con. Hiện đàn cá song vua bố mẹ đang phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt tại Trung tâm và đang được cho đẻ lấy trứng để ương nuôi ấu trùng. Tỷ lệ sống của đàn cá bố mẹ đến nay là 100%, trọng lượng đàn cá đạt từ 30 - 60 kg/con, tỷ lệ thành thục là 78%.


Khánh Hòa có 3 vịnh Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong với diện tích trên 100.000ha. Điều kiện tự nhiên, khí tượng thủy văn nơi đây rất thuận lợi cho việc nuôi biển, nhất là đối tượng tôm hùm và cá biển, trong đó có cá song vua.
Cùng với cá song vua bố mẹ là hệ thống ươm nuôi cá giống hiện đại để cho ra đời con giống đồng đều, chất lượng. Cũng theo TS Trương Quốc Thái, với sự hỗ trợ của ACIAR, tới thời điểm này, Trung tâm đã trở thành nơi cung cấp nguồn trứng cá song vua uy tín cho nhiều trại sản xuất giống trên cả nước.

Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá song vua và đã sản xuất được số lượng 80.000 con trong năm 2018 với chất lượng tốt, số con giống này được bán trợ giá cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, hoạt động nuôi thương phẩm cá song vua đang phát triển tốt, do loài cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh cao, chống chịu tốt với sự thay đổi của môi trường, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng.

“Thành công của dự án chưa dừng lại ở đây. Bởi số lượng con giống tại trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi cá song vua hiện nay trên cả nước. Những năm gần đây, việc phụ thuộc vào nguồn giống cá song vua nhập từ Đài Loan, Trung Quốc… vẫn còn lớn. Vì thế, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển dự án này, không ngừng bổ sung, gia tăng đàn cá bố mẹ và nâng cao quy trình công nghệ sản xuất giống để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nuôi”, Tiến sĩ Trương Quốc Thái cho biết./.


Bài và ảnh: Trọng Chính

 

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Hà Nội nâng cao năng lực chế biến nông sản cho doanh nghiệp

Những năm gần đây đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần những sản phẩm chế biến nhanh, đảm bảo dinh dưỡng và tiện lợi trong sống. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần chuyên nghiệp hóa giá trị sản phẩm nông nghiệp mang lại một phong cách tiêu dùng mới: nhanh, ngon, chất lượng.

Top