Phóng sự chuyên đề

Côn Đảo - “Hòn ngọc” của Biển Đông

Trước đây, Côn Đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Giờ đây, giữa biển khơi của Tổ quốc, Côn Đảo trở thành một “hòn ngọc” lộng lẫy thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những bãi biển, bãi san hô cùng những vạt rừng xanh ngút ngàn được bao bọc bởi sóng và gió biển…
Từ địa ngục đến thiên đường du lịch:
Huyện đảo Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 đảo lớn, nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Tp. Vũng Tàu 97 hải lý.

Do nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á nên Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm. Vào năm 1294, đoàn thuyền của nhà thám hiểm Marco Polo người Italia trên đường từ Trung Hoa trở về nước đã gặp bão phải dạt vào trú tại Côn Đảo. Từ đó, đến thế kỷ 15-16, rất nhiều đoàn du hành của châu Âu đã ghé thăm Côn Đảo.

Côn Đảo bắt đầu hình thành hệ thống nhà tù tàn bạo kể từ năm 1862, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông thuộc Nam kỳ. Từ đó đến năm 1975, suốt 113 năm, địa danh Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian”, nơi lưu đày, giam cầm những người chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ.
 

Du khách tham quan tìm hiểu về lịch sử Côn Đảo tại Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh


Du khách tham quan khu Chuồng Cọp ở Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh


Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong nghĩa trang Hàng Dương,
nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của Tổ quốc. Ảnh: Lê Minh


Di tích lịch sử Cầu Tàu 914, nơi ghi dấu bước chân lưu đày của hàng chục nghìn tù chính trị ở Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh
 
«
      Có hai phương tiện đến Côn Đảo là máy bay và tàu thủy. Hãng hàng không VASCO (Công ty Bay Dịch vụ Hàng không) khai thác tuyến bay Tp. Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại với tần suất 28 chuyến/tuần; Cần Thơ - Côn Đảo và ngược lại (4 chuyến/tuần). Về tàu thủy: 2 tàu Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 vận chuyển 200 khách/chuyến, tần suất 4 ngày/chuyến. 

»
Chính tại đây, thực dân Pháp đã giam cầm, gông cùm, xiềng xích và dùng đủ các đòn tra tấn tàn bạo nhất để hòng dập tắt ý chí của các chiến sĩ cách mạng luôn đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc. Dấu ấn tố cáo đanh thép nhất cho sự dã man của chế độ nhà tù khét tiếng này chính là khu biệt lập Chuồng Bò do thực dân Pháp xây dựng năm 1876, khu biệt lập Chuồng Cọp do Pháp xây dựng năm 1940 và được Mỹ mở rộng thêm vào năm 1963. Và sự tàn khốc của nhà tù Côn Đảo phần nào được thể hiện qua việc vào tháng 5/2012 nó được công nhận kỷ lục Guiness châu Á về “Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất”.

Theo các nhà hải dương học, Côn Đảo chính là nơi phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến vùng biển ven bờ Việt Nam. Năm 1992, Ngân hàng Thế giới đã xếp Côn Đảo vào hàng đại diện tiêu biểu của các khu bảo tồn biển toàn cầu.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, chỉ chưa đầy 45 phút bay, trời và biển Côn Đảo đã hiện ra dưới tầm mắt chúng tôi một màu xanh trong như ngọc. Sân bay Cỏ Ống, tên gọi thân thuộc của Cảng hàng không Côn Đảo đón chúng tôi trong cái nắng, gió mang đậm hương vị của biển, và mở ra một không gian với hình ảnh thiên nhiên hoang sơ trải dài trên những triền núi non hùng vĩ.

Là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam, hiện Côn Đảo được xem là thiên đường nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên đối với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2011, Côn Đảo còn được tạp chí du lịch uy tín thế giới của Anh - Lonely Planet bầu chọn vào top 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới.

Theo con đường uốn quanh qua những dãy núi trập trùng, phía dưới miên man sóng vỗ, chúng tôi đến trung tâm huyện Côn Đảo, nơi có những bãi tắm lý tưởng và khu nghỉ dưỡng được thiết kế độc đáo dành cho du khách. Ở đó có khu resort 5 sao Six Senses Côn Đảo, một quần thể nghỉ dưỡng nằm độc lập được một dãy núi ôm trọn với 50 biệt thự bằng gỗ nằm trên bãi biển dài 1,6km theo phong cách đơn giản mà sang trọng. Ngoài ra, Côn Đảo còn có nhiều bãi tắm, điểm du lịch hấp dẫn vẫn nguyên vẻ hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng đang chờ du khách khám phá như: bãi Đầm Trầu, bãi An Hải, bãi Suối Nóng, vịnh Côn Sơn, vịnh Đầm Tre, bãi Nhát - đỉnh Tình Yêu…
 

Sân bay Cỏ Ống đón du khách đến với Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh


Huyện đảo Côn Đảo là quần đảo gồm 16 đảo lớn, nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
nằm trên vùng biển phía Nam Biển Đông của Việt Nam. Ảnh: Lê Minh


Con đường đến trung tâm huyện Côn Đảo uốn quanh qua những dãy núi trập trùng sóng vỗ. Ảnh: Lê Minh




Các loài động vật hoang dã trên Côn Đảo. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Rùa biển Chelonia mydas (còn gọi rùa xanh hay vích) trong mùa sinh sản. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Chim nhạn Côn Đảo. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Sú đỏ. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Gắn thiết bị theo dõi định vị vệ tinh cho bò biển trên Côn Đảo. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo






Biển Côn Đảo có hệ động thực vật rất phong phú, trong đó có những loài quý hiếm và đặc hữu.
 Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Du khách lặn ngắm san hô. Ảnh: Tư liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo


Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm trên bãi biển Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh


Côn Đảo có nhiều bãi tắm hấp dẫn du khách. Ảnh: Lê Minh

«
     Theo UBND huyện Côn Đảo, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện năm 2013 đạt tỉ trọng: Dịch vụ - Du lịch chiếm 86,95%, Công nghiệp - Xây dựng 7,95%, Nông nghiệp 5,1%. Trong đó, doanh thu Dịch vụ - Du lịch của huyện đạt 980,03 tỷ đồng. Năm 2013 có trên 90.000 lượt du khách đến Côn Đảo, riêng khách quốc tế trên 17.000 lượt người, dự kiến Côn Đảo sẽ tiếp tục đón trên 94.000 lượt du khách trong năm 2014.

»
Đến Côn Đảo, du khách còn có thể tham gia chuyến dã ngoại trên các hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo nằm trong hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Côn Đảo như hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Tre, hòn Trứng, hòn Trác hay hòn Cau… Đây là nơi cư trú của khoảng 285 loài thực vật và hơn 100 loài chim, thú có vú đặc hữu như sóc mun, chim gầm ghì trắng, chuột núi…, cùng nhiều sản vật quý hiếm như tổ yến, đồi mồi, vích, hải sâm, rau câu… Tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, các nhà khảo cổ còn phát hiện được các di vật thời đại đá mới - sơ kỳ thời đại đồng thau (cách nay khoảng 3.000 năm) cùng những di chỉ mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh muộn - Chăm sớm (cách nay khoảng gần 2.000 năm).

Côn Đảo còn cuốn hút du khách với tour lặn biển ngắm san hô khám phá thế giới đại dương kỳ thú. Đêm đến, du khách còn có một trải nghiệm thú vị trên hòn Bảy Cạnh khi được chứng kiến những con rùa biển Chelonia mydas (còn gọi rùa xanh hay vích) làm ổ và đẻ trứng bên bờ biển trong không gian lặng lẽ, thanh bình của tự nhiên…

Hiện tại, vấn đề giữ gìn môi trường cảnh quan trong lành, sạch đẹp đang là việc quan trọng để Côn Đảo tạo nên giá trị du lịch bền vững. Ông Trương Hoàng Phục, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết, Côn Đảo đã kêu gọi cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch, bảo vệ môi trường thông qua đề án “Nói không với túi ni lông”. Đồng thời, khuyến khích cư dân và khách du lịch dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển…

Một tiềm năng lớn về kinh tế biển, đảo:
Theo TS Trần Đức Thạnh, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, quần đảo Côn Đảo có 3 đảo được chọn làm điểm chuẩn để lập đường cơ sở thẳng tính chiều rộng lãnh hải của thềm lục địa Việt Nam, hình thành nên một vùng thủy nội địa rộng lớn, trong đó gồm toàn bộ bể dầu khí Cửu Long.

Côn Đảo còn là một ngư trường rộng lớn, rất thuận tiện cho các dịch vụ hậu cần, xây dựng các cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu. Riêng vịnh Bến Đầm có độ sâu 6-18m, rất kín gió, là nơi đặt cảng biển chính của huyện đảo, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như dầu, điện, nước, chợ cá, kho lạnh... Huyện Côn Đảo cũng có đội tàu khá lớn, hàng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản các loại…
 

Trung tâm vận hành nhà máy điện Côn Đảo. Ảnh: Lê Minh


Cảng Bến Đầm nằm trong vịnh Bến Đầm. Ảnh: Lê Minh


Hoạt động nuôi trai lấy ngọc của doanh nghiệp Ngọc Hiền ở Côn Đảo Ảnh: Lê Minh


Chất lượng ngọc trai Côn Đảo có độ bóng lẫn ánh xà cừ không thua kém ngọc trai của các nước nổi tiếng trên thế giới.
Ảnh: Lê Minh


Du khách đến Côn Đảo thường tìm mua ngọc trai để làm đồ trang sức và quà lưu niệm. Ảnh: Lê Minh

Sắp tới, Côn Đảo sẽ hoàn thiện nâng cấp sân bay Cỏ Ống, xây dựng cảng thương mại dịch vụ hàng hải tại Bến Đầm dài 336m cho tàu 2.000 tấn cập bến. Đồng thời, cải tạo các bến tàu du lịch khu trung tâm huyện đảo; xây dựng các bến tàu du lịch trên các đảo nhỏ, cảng Bãi Ông Đụng và cảng hành khách phục vụ tàu 50.000GRT, tàu 70.000GRT.

Ngoài ra, Côn Đảo hiện có khoảng 10 điểm có thể khai thác được yến sào, cùng tiềm năng lớn về nuôi trai lấy ngọc. Chất lượng ngọc nuôi trên vùng biển Côn Ðảo được đánh giá là hơn hẳn những vùng biển khác ở Việt Nam cả về độ bóng lẫn ánh xà cừ, không thua kém ngọc của các nước vốn nổi tiếng với nghề nuôi trai lấy ngọc trên thế giới.

Chúng tôi đã có dịp tham quan doanh nghiệp ngọc trai Ngọc Hiền và được giới thiệu về quy trình nuôi cấy khép kín với công nghệ hiện đại từ khâu lựa chọn con giống, thả nuôi, cấy cho đến khi thành phẩm. Được biết, 75% tổng số ngọc trai do Ngọc Hiền sản xuất được xuất khẩu ra thế giới, kế cả những quốc gia hàng đầu về ngọc trai như Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc Côn Ðảo nhân giống nhân tạo thành công trai giống không chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất lâu dài mà còn giúp cân bằng sinh thái môi trường biển. Và hơn nữa, tiềm năng ngọc trai còn góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân Côn Ðảo.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030, nhằm mục tiêu xây dựng Côn Đảo đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh & Tư liệu VQG Côn Đảo

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top