Khám phá

Chiêm ngưỡng nhiều bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam qua triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" tại Vesak 2025

Lần đầu tiên thông tin của 87 bảo vật quốc gia thuộc Phật giáo Việt Nam được giới thiệu đến công chúng, tăng ni, phật tử cùng tìm hiểu và thưởng lãm thông qua triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Có 87 phiên bản và hình ảnh bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam được trưng bày tại Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.

Triển lãm do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, mang chủ đề “Văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ - Pháp phục - Kiến trúc - Di sản”, giới thiệu các giá trị đặc trưng của Phật giáo Việt Nam bên cạnh tinh thần hội nhập, kết nối cùng văn hóa Phật giáo các nước trên thế giới.

Tượng thiên thủ thiên nhãn chùa Báo An.
Bộ tượng Tam Thế ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở (Hưng Yên), chế tác thế kỷ 19, công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018.
Tượng Quan Âm Tống Tử chùa Mía (Hà Nội).
Tượng Quan âm tọa sơn chùa Mía (Hà Nội).

Tại đây, công chúng được chiêm ngưỡng không gian tái hiện sinh động các yếu tố văn hóa Phật giáo như nghi lễ, pháp phục, nhạc cụ truyền thống, kinh sách, mộc bản, trà đạo, sắc phong, cùng hệ thống tranh ảnh, tư liệu quý hiếm.

Ba pho tượng Tam Thế ở chùa Linh Ứng (Bắc Ninh), thế kỷ 17, được công nhận bảo vật Quốc gia năm 2013.
Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), có niên đại khoảng thế kỷ 17.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh).
Tượng phật A Di Đà tiếp dẫn chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Tượng Phật Pháp Vân chùa Dâu (Bắc Ninh), niên đại thế kỷ 16, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017.
Động Tuyết Sơn chùa Mía (làng cổ Đường Lâm - Hà Nội) chế tác trong thế kỷ 17-18.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên mô hình về 87 bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo được quy tụ tại sự kiện văn hóa tín ngưỡng mang tầm quy mô quốc tế, trong đó bao gồm tượng thờ, phù điêu, pháp khí, kinh sách cổ… được trưng bày và giới thiệu như những chứng tích sống động về vai trò của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam. Các bảo vật phản ánh rõ dấu ấn của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn trong tiến trình định hình bản sắc Phật giáo Việt Nam. Nhiều du khách cũng như giới tang, ni, phật tử tỏ ra khá thích thú và trầm trồ khi lần đầu tiên tận mắt thấy nhiều bảo vật với nguồn gốc xuất xứ cũng như những câu chuyện hấp dẫn xoay quay những bảo vật quý giá trong kho tàng văn hóa Phật giáo. Một số bảo vật được công chúng quan tâm, tìm hiểu nhất có thể điểm qua như: mô hình tái hiện tháp Phật tích thời Lý (tỉnh Bắc Ninh), Mộc bản kinh Phật tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang), Áo cà sa và chiếc âu thời Nguyễn, chim Anh Vũ và tục thờ cúng của người Việt xưa, Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở (tỉnh Hưng Yên), pháp phục Phật giáo Việt Nam…

Bộ kinh Tịnh Độ Tạng gồm 25 tập, biên soạn hơn 120 tác phẩm kinh, luận, chú, sớ, sao, cũng như các trước tác học thuật của hành giả và học giả nổi tiếng trên thế giới, cùng với bộ Đại từ điển Tịnh độ chuyên biệt.
Sắc phong ban cho Xung Tuệ Chiêu Huy Hiển Trứ Đại Thánh Pháp Điện Phật.
Một góc không gian triển lãm.
Mẫu pháp phục Phật giáo Việt Nam được trưng bày trong triển lãm.
Tháp thờ - Chân khắc chữ nổi.
Kinh quyển, giấy thời Nguyễn thế kỷ XIX – XX (chùa Quán Sứ - Hà Nội).
Bên cạnh các phiên bản trưng bày là nhiều hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia Phật giáo Việt Nam.

Đây không chỉ là những di sản vật chất quý giá mà còn là minh chứng sinh động về vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa - tinh thần của người Việt qua các thời kỳ. Thông qua triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" mong muốn giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam luôn được thế hệ sau trân trọng, gìn giữ, kế thùa và lan tỏa./.

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phật giáo Việt Nam đã cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự (Quận 10, TP.HCM) tôn trí, cũng như để công chúng có thể đến và chiêm bái xá lợi (đến ngày 10/5), sau đó, xá lợi trái tim của ngài được thờ tự vĩnh viễn tại Việt Nam Quốc Tự.

 

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam

Độc đáo nghi thức rước nước trong Lễ hội làng Bát Tràng

Độc đáo nghi thức rước nước trong Lễ hội làng Bát Tràng

Năm 2025, làng gốm Bát Tràng của Việt Nam chính thức là thành viên của Làng nghề thủ công sáng tạo Thế giới. Hòa chung niềm vui đó, Lễ hội làng gốm Bát Tràng năm nay đã được lan tỏa và vươn xa ra ngoài không gian làng quê. Ấn tượng nhất của Lễ hội làng gốm Bát Tràng là nghi thức rước nước để tế tại đình làng cổ Bát Tràng nhằm tưởng nhớ công lao đức tổ nghề, tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại, gửi gắm ước vọng cầu cho quốc thái dân an, sự hòa bình, an vui cho quê hương, đất nước.

Top