Ngày 7/10/2011, tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam. Đây là bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeranont.
Bộ sưu tập là những bức họa vô giá của hơn 33 họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Lương Xuân Nhị, Vũ Giáng Hương… là thế hệ họa sĩ được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và một số họa sĩ trưởng thành sau kháng chiến chống Pháp.
Lễ khai mạc Triển lãm.
Ông Tira Vanichtheeranont (áo trắng) tặng hoa cho các vị khách mời.
Một góc không gian Triển lãm.
Ông Tira Vanichtheeranont kí tặng sách ảnh “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của hội họa Việt Nam hiện đại”. |
Bộ sưu này do ông Tira Vanichtheeranont mua lại từ ông Petro Paris, một người từng làm tham tán thương mại của sứ quán Ý tại Việt Nam. Đây là một bộ sưu tập rất có giá trị, gồm các tranh, kí họa, phác thảo bằng nhiều chất liệu được sáng tác trong giai đoạn từ những năm 1930 – 1970, một thời kì đặc biệt trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Tác phẩm “Bác Hồ đọc báo” (1969 - họa sĩ Mai Văn Hiến)
Tác phẩm “Bác Hồ câu cá ở Pác Pó” (họa sĩ Mai Văn Hiến)
Tác phẩm “Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó” (30/11/1969 - họa sĩ Phan Kế An)
Tác phẩm “Đầu nguồn” (1976 - họa sĩ Trần Văn Cẩn) |
Những họa sĩ tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Công Văn Trung, Trần Duy, Nguyễn Văn Bình, Văn Giáo, Phạm Viết Song… thuộc nền nghệ thuật tiền chiến, có tính chất mở đường cho hội họa Việt Nam non trẻ. Họ trung thành với bút pháp hiện thực kết hợp đôi chút với bút pháp ấn tượng, và muốn đưa tinh thần của nghệ thuật truyền thống vào tác phẩm.
Xem bộ sưu tập tranh, người yêu tranh như được thấy lại một Công Văn Trung đầy hoài cổ, một Nguyễn Văn Bình sâu sắc và giản dị qua các bức sơn mài, còn Bùi Xuân Phái thì lúc nào cũng đáu đáu với số phận của con người và nghệ thuật, của đời sống thị dân buồn tẻ. Văn Giáo và Phạm Viết Song hướng hội họa đến những vấn đề xã hội trực diện, họ luôn có thái độ chính trị rõ ràng và hăng hái với những chủ đề lớn. Những mộc mạc nhiều chất dân gian của Mai Văn Nam, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ hay Tôn Đức Lượng, Nguyễn Như Huân… sau gần nửa thế kỉ vẫn làm người ta xúc động bởi chúng là kí ức của cả một thời, một thế hệ.
Thời thế đã thay đổi, nghệ thuật Việt Nam cũng đã thay đổi căn bản nhưng các tác phẩm nhỏ nhẹ trong sưu tập này vẫn cho thấy một khúc quanh rất quan trọng của lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại.
Tác phẩm “Chân dung tự họa” (1986 - họa sĩ Bùi Xuân Phái)
Tác phẩm “Phong cảnh Si Sơn” (họa sĩ Công Văn Trung)
Tác hẩm “Kéo pháo” (1961 – họa sĩ Lê Văn Xương)
Tác phẩm “Mùa gặt” (1985 – họa sĩ Nguyễn Văn Bình)
Tác phẩm “Đánh cá” (1979 – họa sĩ Phạm Viết Song)
Tác phẩm “Đi học” (1966 – họa sĩ Trần Đình Thọ)
Tác phẩm “Kí họa chiến tranh” (1972 – họa sĩ Đức Dụ) |
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân