Phóng sự chuyên đề

Bản sắc văn hóa ASEAN

Phát biểu nhân dịp Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Chúng ta vui mừng chào đón sự ra đời Cộng đồng ASEAN của hơn 600 triệu người dân với các nền kinh tế năng động có tổng GDP đạt 2600 tỷ đô la Mỹ và là một cộng đồng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và truyền thống”. Giấc mơ và ý tưởng về một cộng đồng “sông núi không còn ngăn cách mà gắn kết chúng ta trong hợp tác và hữu nghị” như Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 giờ đã trở thành hiện thực.

Khi sông núi không còn ngăn cách 
Cách đây 9 năm, vào năm 2007, tại Thủ đô Manila, Philippines, bên tách cà phê sáng chờ đưa tin về Hội nghị Hội đồng Nhân dân Đông Nam Á lần thứ 6 (ASEAN People’s Assembly 6, gọi tắt là APA 6), chúng tôi và các đồng nghiệp đến từ các nước ASEAN đã nói chuyện với nhau về sự hình thành của Cộng đồng chung ASEAN, mặc dù chưa ai có thể đoán biết được câu chuyện sẽ đi đâu về đâu, bởi có lẽ lúc ấy còn quá sớm để nói về một điều lớn lao như thế (tháng 1/2007 các nhà Lãnh đạo ASEAN mới quyết định rút ngắn 5 năm tiến độ hình thành Cộng đồng vào năm 2015 so với mốc năm 2020 mà Tuyên bố hòa hợp Bali II đưa ra vào năm 2003 – PV).

Và cũng tại Hội nghị này, bà Carolina Hernandez, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Philippines, đồng thời cũng là Chủ tịch kì Hội nghị lần này đã nói đại ý rằng, đại bộ phận người dân ASEAN đều đã từng trải qua những giai đoạn lịch sử khó khăn, trong đó có chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, và bây giờ là cả những lo âu về nạn khủng bố, bất ổn... Chính vì vậy người dân ASEAN ai cũng mong muốn được sống trong một môi trường hoà bình và thịnh vượng.



Vẻ đẹp cổ kính của Cố đô Huế, Việt Nam. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Chùa Hòn Đá Vàng (Kyaikhtiyo), một di tích nổi tiếng của Myanmar. Ảnh: Kim Phương/Báo ảnh Việt Nam


Cung điện Hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Hoàng Quang Hà
/Báo ảnh Việt Nam


That Luong Vientiane được xây dựng vào năm 236 Phật lịch (tức năm 307 trước Công nguyên)
là một công trình kiến trúc nổi tiếng của Lào. Ảnh: Nguyễn Thắng
/Báo ảnh Việt Nam


Đền Bayon trong quần thể Angkor Thom của Campuchia. Ảnh: Kim Phương
/Báo ảnh Việt Nam

Ở Đông Nam Á có đến hàng trăm dân tộc khác nhau, vì thế phong tục, tập quán rất đa dạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cùng sinh ra và lớn lên trong một khu vực địa lí, và cùng chịu ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước nên văn hóa, tín ngưỡng các nước Đông Nam Á dù rất đa dạng nhưng vẫn có nét chung, đó là: tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng người đã mất. Tóm lại, văn hóa Đông Nam Á là nền văn hóa thống nhất trong sự đa dạng.
Câu chuyện 9 năm trước nay đã trở thành hiện thực. Để đến được cái đích ngày hôm nay, chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy khó khăn và thử thách như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Vượt qua những thăng trầm và khác biệt, Cộng đồng ASEAN 2015 ngày nay là ngôi nhà chung của đại gia đình các quốc gia Đông Nam Á”.

Và khi “sông núi không còn ngăn cách”, người dân ASEAN ngày càng có cơ hội được gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn trong một “đại gia đình” đa văn hóa, đa dân tộc nhưng cùng một tầm nhìn, một bản sắc. Vì thế, hơn lúc nào hết, trụ cột Văn hóa – Xã hội với những giá trị trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường, đến ứng phó các thách thức như bệnh dịch, ma túy, thiên tai... sẽ góp phần chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân một cách toàn diện và thực chất.

Bằng chứng là trong thập kỷ qua, tỷ lệ người nghèo, người cực nghèo ở các nước thành viên đã giảm hơn 4 lần; số người thuộc tầng lớp trung lưu tăng gấp 6 lần, từ 50 triệu người năm 2004 lên 300 triệu người năm 2014.

Các hoạt động hợp tác hiệu quả và sôi động thông qua nhiều khuôn khổ và cơ chế đã hình thành thói quen hợp tác và chia sẻ, để cùng nhau xây dựng đại gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Tinh thần tương thân tương ái này đang dần định hình bản sắc chung ASEAN để nối kết người dân ASEAN với nhau trong ý thức cộng đồng và đưa các giá trị ASEAN vươn xa ngoài khu vực.



Liên hoan múa rồng Hà Nội. Ảnh: Công Đạt
/Báo ảnh Việt Nam


Trình diễn nghệ thuật ca trù, Di sản Văn hóa Thế giới của Việt Nam. Ảnh: Tất Sơn
/Báo ảnh Việt Nam


Vẻ đẹp thiếu nữ Malaysia. Ảnh: Trần Thanh Giang
/Báo ảnh Việt Nam


Điệu múa truyền thống của người Brunei. Ảnh: Hoàng Quang Hà
/Báo ảnh Việt Nam


Đoàn nghệ thuật truyền thống Indonesia biểu diễn tại Tuần Văn hóa ASEAN 2004.
Ảnh: Hoàng Quang Hà
/Báo ảnh Việt Nam


Đoàn nghệ thuật truyền thống Philippines biểu diễn tại Festival Huế 2012.
Ảnh: Trần Thanh Giang
/Báo ảnh Việt Nam


Vũ điệu truyền thống Singgapore. Ảnh: Vũ Khánh
/Báo ảnh Việt Nam
 
Dấu ấn Việt Nam
Cộng đồng ASEAN hình thành không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực mà còn đối với từng quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Và điều này còn có ý nghĩa hơn khi sự kiện này trùng hợp với dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam gia nhập gắn bó với Hiệp hội (1995 - 2015). Hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN và được các nước ghi nhận.

Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong việc thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện các văn kiện định hướng cho việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Điển hình như trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến, chủ trì xây dựng và trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua hai văn kiện quan trọng của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN, và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.


Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến và cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng các Tuyên bố khác như: Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN; Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Thanh niên tình nguyện và Doanh nhân trẻ; Tuyên bố ASEAN về tăng cường hợp tác trong quản lý thảm họa. Các Tuyên bố này đều được thông qua vào năm 2013. Đây là các văn kiện quan trọng, định hướng hoạt động cũng như thúc đẩy quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.


Lễ trao Giải Liên hoan Ảnh và Phim Phóng sự - Tài liệu về các dân tộc trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam năm 2015.
Ảnh: Tất Sơn
/Báo ảnh Việt Nam


Bà Mai Thị Hạnh (áo dài đỏ), Phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,
tham dự Liên hoan Ẩm thực “Cộng đồng ASEAN với bạn bè quốc tế, lần III - 2015”.
Ảnh: Trần Thanh Giang
/Báo ảnh Việt Nam


Đoàn thanh niên Brunei đến Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Các phóng viên, nghệ sĩ ASEAN tham quan không gian trưng bày về văn hóa ASEAN
tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Ảnh: Việt Cường
/Báo ảnh Việt Nam


Đoàn nghệ thuật truyền thống Philippines biểu diễn tại Festival Huế 2012.  Ảnh: Trần Thanh Giang
/Báo ảnh Việt Nam


Thanh niên các nước Đông Nam Á giao lưu với thanh niên Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Nhân dân Hà Nội đi bộ “Đồng hành vì Cộng đồng ASEAN hoà bình và thịnh vượng”
chào mừng kỷ niện 43 năm  thành lập ASEAN và 15 năm Việt Nam gia nhập khối ASEAN. Ảnh: Ngọc Trường/TTXVN



Thanh niên các nước Đông Nam Á giao lưu và sinh hoạt cùng với một gia đình người Việt ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Không chỉ đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện, Việt Nam còn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa – xã hội thiết thực nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân các nước Đông Nam Á. Liên tục trong những năm gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ngoại giao nhân dân… đã được Việt Nam đăng cai tổ chức, tạo thành những nhịp cầu giao lưu sôi nổi, hữu ích giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè các nước ASEAN.

Điển hình như sự kiện Tuần Văn hoá ASEAN khai mạc tại Hà Nội vào năm 2004 đã thu hút tới gần 500 nghệ sĩ đến từ các nước ASEAN tham gia biểu diễn, tạo nên một sự kiện văn hóa lớn mang tính quảng bá, khuếch trương cho các giá trị văn hóa Đông Nam Á. Hay như tại các kỳ Festival Quốc tế Huế, công chúng thường xuyên được thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của các nghệ sĩ đến từ Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Malaysia, Singapore…. Và Liên hoan Ảnh và Phim Phóng sự - Tài liệu về Cộng đồng ASEAN do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã 3 lần tổ chức cũng đã tạo được uy tín và tiếng vang lớn. Ngoài ra còn hàng trăm sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác như hội thảo, triển lãm tranh ảnh, giao lưu ẩm thực, du lịch khám phá, hỗ trợ y tế, diễn tập phòng chống thiên tai thảm họa… cũng thường xuyên được tổ chức. Và cả sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, báo chí cũng tạo thành một kênh thông tin quan trọng giúp tăng cường kết nối Cộng đồng.

Dẫu rằng hành trình phía trước của Cộng đồng ASEAN vẫn còn bộn bề công việc phải làm, trong đó có không ít khó khăn và thử thách, nhưng với tinh thần đoàn kết, gắn bó và sẻ chia vì một tầm nhìn, một bản sắc, hơn 600 triệu người dân Đông Nam Á, trong đó có nhân dân Việt Nam, sẽ có đủ niềm tin và bản lĩnh để đồng lòng vượt qua mọi thách thức vì tương lai một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh./.






“Mục tiêu cơ bản  và kế hoạch tổng thể của ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng một xã hội hòa thuận và rộng mở, nơi mà cuộc sống và phúc lợi của người dân ngày càng nâng cao. Chính những giá trị đó của ASCC không chỉ làm phong phú bản sắc ASEAN mà còn tạo nên sức mạnh nội tại góp phần vào sự phát triển hội nhập và bền vững của cả Cộng đồng”.
(PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)


Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Nguyễn Thắng, Hoàng Quang Hà, Tất Sơn,
Trần Thanh Giang, Công Đạt, Kim Phương, Việt Cường,
Tư liệu Báo ảnh Việt Nam & TTXVN

Đà Nẵng – Quảng Nam: Hợp nhất để sẵn sàng vươn ra biển lớn

Đà Nẵng – Quảng Nam: Hợp nhất để sẵn sàng vươn ra biển lớn

Việc sáp nhập hai địa phương vốn có nhiều duyên nợ là Đà Nẵng và Quảng Nam để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển nhằm xây dựng một thành phố Đà Nẵng mới trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chính là bước cụ thể hóa chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện của Trung ương, một định hướng lớn, mang tầm chiến lược, là bước đột phá về thể chế để chuẩn bị cho tầm nhìn 100 năm phát triển đất nước.

Top