Chân dung

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam - người mang “quả ngọt” cho vùng quê mía đường

Hơn 30 năm điều hành doanh nghiệp, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn (Lasuco) luôn được những người nông dân quê ông nhắc đến như người bạn thân thiết của nông nghiệp xứ Thanh. Những người nông dân ở đây ví ông như một vị “thuyền thưởng”, người đưa Lasuco đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt chinh phục những hướng phát triển mới trong nông nghiệp, mang lại “quả ngọt” cho vùng quê mía đường.
Người anh hùng của ngành Mía đường

Tốt nghiệp Đại học, ông Lê Văn Tam có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp khi đảm nhiệm các chức vụ như Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Quản lý xây dựng vùng mía Thanh Hoá. Ông Lê Văn Tam luôn trăn trở làm sao có thật nhiều dự án tốt để thuần hóa vùng đất nông nghiệp tỉnh nhà. Năm 1988, ông về làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty mía đường I kiêm Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn, khi đã ở tuổi 52.

Điều hành lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp là một thách thức nhưng ông Tam không ngại gian khó mà coi đó là cơ hội để mình có thể biến những ý tưởng trở thành hiện thực. Nhà máy mới, con người mới, thị trường cũng mới tất cả đều rất áp lực, có những giai đoạn khốc liệt khi nhà máy thiếu vốn, nguồn hàng sản xuất ra tiêu thụ được ít, nhà máy đứng bên bờ phá sản, Tóc ông như bạc trắng sau những đêm dài suy nghĩ. Không nao núng ông vẫn luôn cùng Lasuco đổi mới và sáng tạo, ông đi vào từng xã, từng thôn động viên nông dân làm việc, tin yêu vào cây mía sẽ “đổi đời” vùng đất nghèo.


Anh hùng lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty mía đường Lam Sơn (Lasuco). Ảnh: Trần Thanh Giang


Toàn cảnh khu nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Anh hùng lao động Lê Văn Tam giới thiệu với các chuyên gia nước ngoài các giống mía mới của Lasuco. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Một góc nhà máy mía đường Lam Sơn, nơi ông Lê Văn Tam đã gắn bó cả sự nghiệp của mình. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Ông Lê Văn Tam luôn tự hào về cây mía và sản lượng mía của công ty Lasuco tạo được thương hiệu uy tín trong cộng đồng. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Ông Lê Văn Tam giới thiệu các dự án mới của Công ty Lasuco với Giáo sư  E.rik. Rom Baut (Bỉ) về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch bền vững.
Ảnh: Trần Thanh Giang

Liên tục trong 10 năm, ông đã liên kết hợp tác với các nhà khoa học, các trường đại học có uy tín, liên kết với địa phương và bà con nông dân và các nhà khoa học xây dựng Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, hình thành quan hệ công-nông-trí thức.
Chương trình “Làm mới lại cây mía và hạt đường Lam Sơn” do ông Lê Văn Tam trực tiếp chỉ đạo đã mở rộng những cánh đồng lớn, cơ giới đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao đạt từ 80 tấn/ha đến 120 tấn/ha, mục tiêu đến năm 2020 đạt 200.000 tấn đường. Sản phẩm không chỉ gắn với sức khỏe cộng đồng mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Đây là mô hình hợp tác kinh tế đầu tiên của Việt Nam kết nối được 3 nhà: nhà nước, nhà nông và nhà trí thức cùng tham gia phát triển kinh tế. Từ mô hình này, ông đã đưa doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng mạnh. Sau 16 năm cổ phần hóa (2000 - 2016), Lasuco đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành mía đường với nhiều bước đột phá mới, vùng nguyên liệu được mở rộng, năng suất mía nguyên liệu đạt tới gần 1,4 triệu tấn, nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ, tổng tài sản của công ty 2.367 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với năm 2000, tăng 64,8 lần so với năm 1990.

“Thuyền trưởng” Lê Văn Tam đã thực sự truyền năng lượng cho nông dân và công nhân Lasuco thêm yêu mảnh đất quê mình và tạo thành một phong trào sản xuất tích cực, nhiệt huyết. Từ năm 1999 ông liên tiếp là đại biểu quốc hội khoá X khoá IX và X. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy đường số II với tổng mức đầu tư 451,098 tỷ đồng, ông Lê Văn Tam đã đưa năng lực sản xuất của Công ty lên 6.500 TMN, gấp 2,6 lần trước đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn bắt đầu tiên phong trong ngành thí điểm mô hình bán cổ phần ưu đãi cho người trồng mía như tiếp thêm sức mạnh cho người dân cùng doanh nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2008, Lasuco chính thức được niêm yết và giao dịch tại sàn chứng khoán.

Với những thành công mang đậm dấu ấn của một người mở đường, sáng tạo, ông Lê Văn Tâm được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông đã “chèo lái” đưa Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn thành điểm sáng của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cùng nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tiên phong chinh phục những lĩnh vực khác trong nông nghiệp

Không dừng lại với thành công trong ngành mía đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Văn Tam còn mở rộng đầu tư của Lasuco sang lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, phát triển tối đa giá trị của nông sản trên mảnh đất Lam Sơn với nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng. Lasuco hiện đã xây dựng Khu nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn với mức đầu tư 200 tỷ VNĐ nhằm mục đích nghiên cứu và chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực giống mía, cây lương thực, rau, hoa, cây ăn quả, cây cảnh. Lam Sơn đã đổi mới từng ngày khi Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn thành công và đưa ra thị trường nhiều loại cây trồng như hoa lan, dưa Kim Hoàng Hậu, cam không hạt...năng suất cao. Đây là nơi trở thành cơ sở sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam từ khâu nhân giống, đến trồng trọt và bảo quản.



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng ông Lê Văn Tam khi đến thăm Trung tâm công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Tòa nhà hiện đại của Công ty cổ phần nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty mía đường Lam Sơn (Lasuco) cùng các chuyên gia quốc tế
tại Hội thảo “Tre và điện mặt trời cho du lịch bền vững”. Ảnh: Trần Thanh Giang


Ông Lê Văn Tam giới thiệu các sản phẩm của Công ty với các lãnh đạo ngành nông nghiệp. Ảnh: Trương Bá Vinh.


Trung tâm nghiên cứu nhân giống cây trồng chất lượng cao của Lasuco. Ảnh: Trương Bá Vinh


Mô hình trồng dưa lưới chất lượng cao của Lasuco đã làm đổi mới cả vùng quê Lam Sơn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Trương Bá Vinh.

Anh hùng lao động Lê Văn Tam với nhiều hàng trăm đề tài khoa học về nông nghiệp có giá trị lớn được áp dụng có hiệu quả cao trong thực tiễn đã được tỉnh Thanh Hóa vinh danh là doanh nhân tâm và tài. Lasuco hiện đã đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, giúp nông dân 10 huyện miền núi của Thanh Hóa khai hoang, mở rộng hơn 10.000 ha đất trồng mía, xây dựng vùng chuyên canh mía rộng lớn.

Gặp ông tại Hội thảo Tre và điện mặt trời cho du lịch bền vững ở Hà Nội, vẫn giọng nói âm vang và nhiệt huyết, ông chia sẻ rằng, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nỗ lực để cùng Lasuco vận hành hiệu quả công viên sinh thái Tre Luồng Thanh Tam. Đây là một quần thể sinh thái lớn bậc nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á được đầu tư 1200 tỷ. Theo ông Tam, Lasuco đang đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tre luồng theo hướng bền vững và phát triển xanh góp phần mở ra một ngành công nghiệp mới cho Việt Nam.

Năm 2020, Lasuco sẽ kỷ niệm 40 năm phát triển và đây cũng là một dấu mốc ý nghĩa đối với sự nghiệp của anh hùng lao động Lê Văn Tam. Ông mong sẽ còn cống hiến nhiều hơn nữa để Lasuco khẳng định thương hiệu trên toàn cầu trở thành một Tập đoàn nông nghiệp lớn mạnh tại Việt Nam, mang lại trái ngọt cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp./.


Anh hùng lao động Lê Văn Tam đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước như Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (1994, 2003, 2011, 2015); Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch nước tặng (1991); Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (1998, 2005, 2015)…
Bài: Bích Vân - Ảnh: Trần Thanh Giang, Trương Bá Vinh

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top