Phóng sự chuyên đề

40 năm: Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh

Sau 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, Tp. Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển đầy ngoạn mục. “Hòn ngọc Viễn Đông” của 40 năm về trước giờ đã vươn lên mang dáng dấp của một “Siêu đô thị” thời hiện đại. Bởi ở đó không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình kiến trúc mang tầm thế kỷ… mà còn có cả một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa vững vàng, năng động và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đô thị hiện đại bên sông Sài Gòn

40 năm về trước, Sài Gòn từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi người Mỹ đã đổ vào mảnh đất này hàng triệu triệu đô la để xây dựng nó thành một “đế chế” ăn chơi đầy toan tính nhằm phục vụ cho cỗ máy chiến tranh khổng lồ của họ đang hiện diện ở đó. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự hào nhoáng, lấp lánh ánh đèn màu của những hộp đêm, nhà hàng, khách sạn, cư xá luôn tấp nập bóng dáng những người lính Việt Nam Cộng hòa và các cố vấn Mỹ, thì đại bộ phận người dân Sài Gòn vẫn phải sống trong bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh ở những khu ổ chuột nghèo nàn nằm kéo dài lê thê bên bờ sông Sài Gòn, và ở những khu “xóm nước đen” dọc theo đôi bờ các con kênh đen ngòm, bẩn thỉu luôn ngập ngụa rác và muỗi mòng. Vì vậy, cái mĩ từ “Hòn ngọc Viễn Đông” dường như chỉ là một giấc mơ xa vời đối với đại bộ phận người dân Sài Gòn trước 1975.

40 năm sau, câu chuyện về “Hòn ngọc Viễn Đông” dường như đã lùi xa dần vào dĩ vãng. Thảng hoặc cũng có người nhắc đến nhưng rồi nó lại nhanh chóng bị lãng quên, bởi so với Sài Gòn xưa, Tp. Hồ Chí Minh hôm nay đang là “miền đất hứa”, một thành phố đáng sống, đáng để lập nghiệp, để tự do hít thở bầu không khí đang căng tràn năng lượng và nhựa sống.



Sau 40 năm, Tp. Hồ Chí Minh giờ đã là một đô thị khang trang, hiện đại mang tầm khu vực.
Ảnh: Nguyễn Minh Tân


Tp. Hồ Chí Minh 40 năm sau ngày giải phóng đã có những bước phát triển năng động nhưng vẫn gìn giữ được
những giá trị văn hoá bền vững khi cuộc sống người dân ngày càng đi lên. Ảnh:Đặng Kim Phương


Tp. Hồ Chí Minh đổi thay mạnh mẽ với các công trình kiến trúc hiện đại, mang tầm thế kỷ bên sông Sài Gòn.
Ảnh: Lê Minh


Những vùng đầm lầy kênh rạch xưa nay đã trở thành những khu đô thị hiện đại. Ảnh: Kim Chi


Dòng kênh xanh lộng lẫy ánh đèn đêm. Ảnh: Kim Chi


Hệ thống hạ tầng giao thông được mở mang thông suốt với các tuyến đường cao tốc, cầu, hầm vượt hiện đại...
tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối thành phố với các vùng phụ cận. Ảnh: Đặng Kim Phương


Hầm Thủ Thiêm, một trong những công trình hầm ngầm
vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á ngày nay. Ảnh: Nguyễn Luân


Việc quy hoạch và phát triển Tp. Hồ CHí Minh trở thành một thành phố hiện đại
với tầm nhìn rộng đang là ưu tiên số một của chính quyền. Ảnh: Nguyễn Thắng


Một góc sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cửa ngõ đón khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại thành phố.
Ảnh: Đặng Kim Phương

 

(Ông Lê Hoàng Quân,
Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh)
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 là xây dựng Tp. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á
Thả bộ trên cầu Khánh Hội, cây cầu nối giữa quận 1 và quận 4, ông Đinh Viết Tú, kiều bào định cư ở Mỹ nay có dịp trở về quê hương ăn Tết Ất Mùi 2015, mắt không ngừng dõi theo những con tàu đang tấp nập ngược xuôi trên sông Sài Gòn và ngắm nhìn những tòa nhà tráng lệ sừng sững vươn lên dọc hai bên bờ sông.

“Tôi xa quê hương đã 23 năm, mỗi lần về đây lại có một cảm xúc thật khó tả. Sài Gòn đổi thay nhanh quá! Thành phố hôm nay hiện đại và to lớn quá!” – ông Tú xúc động nói.

Như để chứng minh thêm cho lời nói của mình, ông Tú kể ra một loạt tên những công trình hiện đại mà ông vừa mới biết qua những lần dạo chơi quanh Thành phố như: hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, khu đô thị Phú Mỹ Hưng…

Nhân câu chuyện của ông Đinh Việt Tú, tôi chợt nhớ đến những con số thống kê gần đây của Liên hợp quốc. Theo đó, người nhập cư chiếm 1/3 dân số Tp. Hồ Chí Minh và con số ấy vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia cũng dự báo rằng, vào năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh sẽ là một “Siêu đô thị” với số dân khoảng 10 triệu người. Vì thế, việc quy hoạch phát triển Tp. Hồ Chí Minh thành một thành phố hiện đại với tầm nhìn rộng đang là ưu tiên số một của chính quyền.

Chẳng thế mà những năm gần đây, bộ mặt hạ tầng kiến trúc Thành phố thay đổi nhanh chưa từng thấy. Những vùng đầm lầy, kênh rạch bẩn thỉu, tối tăm trước đây giờ đã trở thành những khu đô thị kiểu mới hiện đại như: khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Đại Quang Minh, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… Năm 1997, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ đã bình chọn quy hoạch tổng thể đô thị mới Phú Mỹ Hưng là quy hoạch xuất sắc nhất tại khu vực châu Á.

Bên cạnh các khu đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông cũng được mở mang thông suốt. Nhiều tuyến đường mới hiện đại như: đường Trường Sa, đường Hoàng Sa, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, hầm vượt sông Thủ Thiêm, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên… đã và đang được xây dựng tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối khu vực nội đô với các vùng phụ cận, cũng như với toàn bộ khu vực miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên…

Một trong những thành công lớn nữa của Tp. Hồ Chí Minh đó chính là việc tạo dựng được sự hài hòa về mặt cảnh quan kiến trúc giữa cũ và mới. Sài Gòn 317 tuổi cũng là lúc Tp. Hồ Chí Minh bước sang tuổi 40, với những bước chuyển mạnh mẽ của diện mạo đô thị nhưng vẫn bảo tồn được nhiều di sản kiến trúc nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thành phố như: Nhà thờ Đức Bà (hình thành từ 1877), Bưu điện Sài Gòn (1891), Nhà hát Lớn (1900), Tòa Đô chính - nay là UBND Tp. Hồ Chí Minh (1907), Chợ Bến Thành (1914)… Đó chính là nét là tổng thể hài hoà của một thành phố hiện đại, năng động mà vẫn giữ nguyên được những giá trị lịch sử mang tính kế thừa.



Thành phố ngày càng có nhiều dự án phát triển các khu đô thị hiện đại làm thay đổi tích cực
về điều kiện sống và môi trường cho hàng triệu người dân. Ảnh: Kim Chi


Dự án khu dân cư phức hợp tại Sai Gon Pearl nằm trong hướng phát triển đô thị Đông Bắc Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Đặng Kim Phương



Dự án khu dân cư phức hợp tại Sai Gon Pearl nằm trong hướng phát triển đô thị Đông Bắc Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Đặng Kim Phương


Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi từng được bình chọn là quy hoạch xuất sắc nhất khu vực châu Á
của Viện kiến trúc Hoa Kỳ năm 1997. Ảnh: Nguyễn Thắng

Theo quy hoạch đến năm 2025, Tp. Hồ Chí Minh sẽ phát triển hướng đa tâm theo bốn hướng: Bắc, Đông, Tây, Nam. Một số khu đô thị mới đã và đang được hình thành như: Nam Sài Gòn (quận 7), Thủ Thiêm (quận 2), Tây Bắc (huyện Củ Chi), Hiệp Phước, Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), Sinh Việt (huyện Bình Chánh), An Phú Hưng (huyện Hóc Môn)…
Với tư cách là thành phố “đầu tàu” của khu vực miền Nam, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và các khu đô thị mới, mà còn đầu tư phát triển mạnh các Khu chế xuất và Khu công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công 15 Khu chế xuất và Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.500ha, nằm rộng khắp trên địa bàn 9 quận, huyện. Sự hình thành các Khu chế xuất và Khu công nghiệp này không những thu hút nhanh chóng vốn đầu tư nước ngoài mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đô thị hóa những khu vực chung quanh.

Sức sống của thành phố trẻ

Ngay sau ngày giải phóng 30/4/1975, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp chính quyền Tp. Hồ Chí Minh là ổn định và nâng cao đời sống cho người dân. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng đô thị; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân cũng liên tục được nâng cao và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.

Với khẩu hiệu “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Tp. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc chăm lo, nâng cao đời sống người dân bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả như: phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn; nâng dần chuẩn an sinh xã hội thành phố ngang tầm khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Khẩu hiệu “văn minh, nghĩa tình” còn được thể hiện đậm nét qua nhiều hoạt động văn hóa, du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn; thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước cùng tham gia như: chương trình nghệ thuật chào năm mới; lễ hội đường phố; ngày hội du lịch Tp. Hồ Chí Minh; liên hoan ẩm thực món ngon các nước... Hay các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như: lễ hội Nguyên tiêu, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu… Các chương trình này không chỉ làm cho đời sống văn hóa của người dân Thành phố được nâng cao mà còn có tính chất quảng bá vốn văn hoá giàu bản sắc của người dân Tp. Hồ Chí Minh đến với bạn bè quốc tế.

Theo thông lệ, cứ vào ngày đầu năm mới Dương lịch (1/1), ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh lại tổ chức đón đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến địa phương bằng những tiết mục âm nhạc truyền thống, trong không khí vui tươi, ấm áp.



Mỗi năm Tp. Hồ Chí Minh đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế đến thăm,
chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Tư liệu BAVN


Du khách quốc tế thăm Dinh Thống Nhất, trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
Ảnh: Nguyễn Luân


Đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới trước Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Tư liệu BAVN


Ngày nay, Tp. Hồ Chí Minh mang trên mình vóc dáng của một đô thị hiện đại,
năng động và sẵn sàng hội nhập sâu rộng. Ảnh: Tư liệu BAVN


Tưng bừng lễ hội múa rồng trên đường phố Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu BAVN


Ngày xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Tư liệu BAVN


Công viên văn hóa Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh


Du khách và người dân thành phố vui chơi tại khu du lịch Suối Tiên. Ảnh: Lê Minh


Trình diễn văn hóa dân tộc tại Lễ hội Trái cây được tổ chức thường niên tại Khu du lịch Suối Tiên. Ảnh: Lê Minh

Anh Jack Kelly, du khách người Anh chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với khí hậu và con người Tp. Hồ Chí Minh, nên đây là lần thứ hai tôi đưa gia đình đến đây tham quan, nghỉ ngơi. Cảnh quan, nhất là lịch sử vùng đất này quả thật là có rất nhiều điều thú vị để chúng tôi khám phá…”.

Được biết, năm 2014, Thành phố đã đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, trong ánh nắng phương Nam khi mùa xuân về, hàng triệu lượt du khách và người dân đã tấp nập đổ về Tp. Hồ Chí Minh tham quan, vui chơi tại các điểm du lịch nổi tiếng như: khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, đường hoa Hàm Nghi, hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn…

Đặc biệt, năm 2014, cùng với 20 tỉnh thành khác ở Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận tin vui khi Đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa đất phương Nam, được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới. Có thể nói, Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh là một trong những cái nôi của loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo này. Có thể nói, trước bước tiến của thời đại và sự hội nhập văn hóa ngày càng mạnh mẽ, bằng nội lực và tình yêu quê hương đất nước, con người Tp. Hồ Chí Minh vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình. Vì vậy, nếu có dịp về thăm mảnh đất này và đến với những vùng ngoại ô của Thành phố như Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… người ta mới thấy được hết sức lan tỏa sâu rộng của loại hình nghệ thuật đặc biệt này trong đời sống của người dân. Và có lẽ, đó cũng chính là một nét văn hóa đặc biệt làm nên bản sắc văn hóa phóng khoáng, thân thiện và mến khách của người dân Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và người dân đất phương Nam nói chung.

Đối với đời sống kinh tế, ngay từ năm 2002, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá. Nhờ có chương trình này mà giá cả thị trường luôn ổn định, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo đời sống của người dân. Có thể kể đến các doanh nghiệp tiêu biểu tham gia tích cực vào chương trình bình ổn giá như: Saigon Co.op, Ba Huân, Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty San Hà… Để chương trình ngày càng đạt hiệu quả cao, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề án như: phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng bình ổn; phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường hợp tác thương mại với các tỉnh phía Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết nối cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường…

Hiện nay, ngoài gần 9.000 điểm bán hàng bình ổn giá với hơn 350 mặt hàng khác nhau, Tp. Hồ Chí Minh còn tổ chức được hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động đến với vùng sâu, vùng xa, các Khu chế xuất và Khu công nghiệp để phục vụ kịp thời nhu cầu đời sống của người lao động nghèo.



Bên trong Robins, khu mua sắm chất lượng cao của Thành phố. Ảnh: Lê Minh


Vietnam Motorshow, một trong các sự kiện uy tín thường xuyên được tổ chức,
thu hút các thương hiệu xe nổi tiếng thế giới được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Luân


Hệ thống cầu cảng của Tp. Hồ Chí Minh cũng đang ngày càng hoàn thiện. Trong ảnh: Tân Cảng Cát Lái.
Ảnh: Đặng Kim Phương


Tổng Công ty May Nhà Bè (NBC), một thương hiệu lớn của ngành dệt may Tp. Hồ Chí Minh, đã cho ra đời các dòng
sản phẩm cao cấp chủ lực như: veston, sơ mi cao cấp... có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ảnh: Đặng Kim Phương


Xưởng sản xuất trứng sạch Ba Huân, một thương hiệu nổi tiếng của Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đặng Kim Phương

Năm 2014, GDP của thành phố chiếm hơn 20% cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.131 USD/người, dự kiến đến cuối năm 2015 đạt 5.826 USD/người.
Là địa phương có lượng dân cư đông nhất cả nước nên vấn đề nhà ở cũng rất được chính quyền Tp. Hồ Chí Minh quan tâm. Để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp; bằng nguồn vốn trong nước và sự hỗ trợ của quốc tế, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng hàng loạt dự án nhà ở, khu chung cư giá rẻ. Hiện trên địa bàn Thành phố có 62 dự án với khoảng gần 70.000 căn hộ dành cho các đối tượng gồm công nhân, cán bộ công nhân viên chức... thuê, thuê mua. Trong đó có 14 dự án nhà lưu trú dành cho công nhân với khoảng 10.000 căn; 46 dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên với 8.000 căn; còn lại là các dự án xây dựng kí túc xá cho sinh viên, nhà tái định cư.

Có thể nói, sau 40 năm, từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đến một “Siêu đô thị” hiện đại với nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vững vàng và phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế đang ngày càng hiện rõ ở Tp. Hồ Chí Minh, mảnh đất đầy nắng và gió của vùng đất phương Nam giàu đẹp và mến khách./.



Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt, Nguyễn Oanh
Ảnh: Nguyễn Thắng, Lê Minh, Đặng Kim Phương,
Nguyễn Luân, Nguyễn Minh Tân, Kim Chi & Tư liệu BAVN

Việt Nam - thiên đường ẩm thực đường phố

Việt Nam - thiên đường ẩm thực đường phố

Ẩm thực đường phố Việt Nam nổi tiếng thế giới với giá cả bình dân, không gian thưởng thức gần gũi, thân thiện và đặc biệt là sự tươi ngon, tinh tế, hấp dẫn, phong phú, đa dạng cả về nguyên liệu, hương vị lẫn hình thức... nên nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cả những đầu bếp lừng danh như Anthony Bourdain (Mỹ), Gordon Ramsay (Anh), Jamie Oliver (Anh)… đều đã dành nhiều lời ngợi khen đặc biệt.

Top