Văn hóa

Tết Mông xuống phố

Với mong muốn giúp cộng đồng người Mông đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội được trải nghiệm văn hóa dân tộc mình trong thời gian xa nhà, vừa qua Câu lạc bộ sinh viên Mông tại Hà Nội cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình “Tết Mông xuống phố” tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc đón Tết truyền thống sớm hơn so với Tết Nguyên đán. Cộng đồng người dân tộc Mông tập trung sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... Tết năm mới truyền thống của họ bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch với nhiều phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chương trình “Tết Mông xuống phố” với chủ đề “Nhạc cụ - dân ca của người Mông” với những tiết mục nhảy, múa, diễn kịch, đọc thơ mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.
 


Tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chương trình "Tết Mông xuống phố" đã diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động,
tái hiện sống động không gian văn hóa của người Mông.



Các tiết mục văn nghệ trong chương trình đều tái hiện truyền thống văn hóa của dân tộc và mang nhiều thông điệp ý nghĩa.



Gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng của người Mông.



Một gian hàng giới thiệu và bán các loại nhạc cụ truyền thống của người Mông.



Gian hàng giới thiệu các sản vật địa phương của người dân tộc Mông.



Gian hàng bán và cho thuê trang phục dân tộc luôn đông kín khách tham quan và thử đồ.



Đi cà kheo, trò chơi dân gian của người Mông ngay trên phố đi bộ Hà Nội.



Trai gái trong trang phục truyền thống của người dân tộc Mông đứng thành hai hàng ném còn cho nhau.



Những thiếu nữ xúng xính trong bộ váy áo truyền thống đi chơi hội.



 Chương trình còn là nơi giao lưu, kết nối giữa các dân tộc với nhau.

Đến với chương trình, các bạn trẻ và khách tham quan được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật mang đậm sắc màu văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông ở Việt Nam; được trải nghiệm những không gian làm thổ cẩm của người Mông; tham gia các chuỗi hoạt động giới thiệu về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông mỗi dịp Tết đến, Xuân về như: Nghệ thuật trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống; các lễ hội truyền thống ngày Tết của dân tộc Mông; giới thiệu về ẩm thực dân tộc Mông (bánh dày, mèn mén…); các bộ đồ dân tộc, vải dệt thổ cẩm truyền thống, công cụ lao động (cuốc, dao, rựa…) hay nhạc cụ dân tộc (sáo, kèn môi…); Triển lãm ảnh về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và trong những ngày lễ hội của đồng bào người Mông. Đặc biệt khách tham quan được tận hưởng một lễ hội Tết vẹn toàn nhất ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội qua các trò chơi truyền thống của người Mông như ném pao, đánh yến, đi cà kheo, kéo co.

Bạn Lò Thì Mai, dân tộc Thái đang học tập tại Hà Nội tới tham quan chương trình cho biết: Lần đầu em đến tham gia một chương trình Tết của các bạn dân tộc Mông, em có thêm hiểu biết về văn hóa của các bạn qua những tiết mục nghệ thuật, trang phục truyền thống và đặc sản. Em nghĩ đây cũng là cơ hội để chúng em có thể gắn kết văn hóa các dân tộc thiểu số với nhau, qua đó có thể góp phần quảng bá nét đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số đến cộng đồng.”
 


Táo mèo tươi và khô, một đặc sản đặc trưng của vùng núi Yên Bái.


Gian hàng giới thiệu các loại gia vị của rừng như mắc khén, hạt dổi, chẩm chéo...



Sản phẩm mật ong rừng trong gian hàng của người dân tộc Mông ở Điện Biên.



Những quả còn làm bằng vải thổ cẩm được bán làm quà tặng.

Chương trình “Tết Mông xuống phố” tạo ra một không gian văn hóa để các bạn trẻ người Mông thỏa sức sáng tạo và tự tin lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời thu hút được đông đảo các cộng đồng dân tộc khác tới tham gia sự kiện, nhằm góp phần để nhiều người hiểu thêm về giá trị văn hóa người Mông.

 “Đến với Tết người Mông trong những ngày Thủ đô Hà Nội giá lạnh nhất, mình tin mỗi người sẽ cảm nhận tình cảm nồng ấm của người Mông chúng mình nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về”, Sùng Mí Long, thành viên Ban Tổ chức cho biết.


“Tết Mông xuống phố” là sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên từ năm 2016 đến nay nhằm gắn kết cộng đồng người Mông, đặc biệt là các bạn sinh viên, thanh niên người Mông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội được đón Tết truyền thống của dân tộc khi ở xa nhà.
 
 

Bài: Ngân Hà 
Ảnh: Công Đạt

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top