Đời sống Việt

Tái hiện lịch sử quân sự Việt Nam qua mô hình

Những chiếc xe tăng gắn liền với chiến thắng 30/4 của dân tộc, những chiếc máy bay trong trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ trên không, mô hình quân sự của quân binh, vận tải, pháo binh, tăng thiết giáp, phòng không hay sa bàn quân sự Việt Nam, tất cả đều được anh Nguyễn Hoàng Quang (Hà Nội) tái hiện bằng thú chơi mô hình độc đáo. Anh chính là người tiên phong đưa nghệ thuật chơi mô hình tái hiện lịch sử quân sự Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống Việt. Sinh năm 1981, anh Nguyễn Hoàng Quang có thú chơi không giống ai, đó là thú chơi gắn liền với những câu chuyện lịch sử quân sự của dân tộc Việt Nam. Với vốn kiến thức của một người yêu thích lịch sử từ khi còn rất nhỏ nên Hoàng Quang rất muốn tìm một thú chơi đặc biệt để thỏa mãn đam mê của mình. Tình cờ được xem bộ mô hình quân sự của Liên Xô trên internet, anh thích thú vô cùng và tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mình không khám phá và tạo những mô hình lịch sử quân sự Việt Nam? Nhiều thế hệ người Việt với tài năng quân sự đã từng viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc được thế giới biết đến.
 
Năm 2008, Hoàng Quang bắt đầu tìm hiểu về cách lắp ráp mô hình quân sự qua sách báo và internet. Thời gian đầu anh chưa có kinh nghiệm trong tạo hình, lắp ráp nên hầu hết các mô hình anh phải đặt mua từ Nga. Rồi anh tự học, tự sáng tạo và mô hình đầu tiên là chiếc máy bay MiG 21. Máy bay MiG 21 F96-số hiệu 5121 đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Khi bắt tay vào làm mô hình máy bay MiG 21, Hoàng Quang đã làm hỏng đến 3 lần, nhưng anh không hề nản chí, chiếc máy bay được hoàn thành trong 3 tháng và được đánh giá là làm hiệu ứng tốt, mô hình giống với máy bay thật đến 99%.


Đam mê lịch sử quân sự, đặc biệt là lịch sử quân sự Việt Nam, hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Hoàng Quang 
gắn bó với thú chơi lắp ráp mô hình khí tài quân sự.



Mỗi mô hình quân sự có từ hàng trăm đến hàng ngàn chi tiết.
Người chơi phải mất hàng tháng để hoàn thiện một mô hình khó.



Để hoàn thiện được mô hình, theo anh Hoàng người chơi cần thực hiện rất nhiều công đoạn từ cắt, giũa các chi tiết ,
lắp ráp các chi tiết nhỏ thành khối, sơn, phủ bóng và làm các hiệu ứng phù hợp với sản phẩm.



Hiện anh Hoàng Quang có hơn 100 mô hình khí tài quân sự Việt Nam của nhiều quân, binh chủng khác nhau.

Rồi lần lượt các mô hình khác tiếp tục được anh lắp ráp thành công như: Xe tăng T59 mang số hiệu 390, chính một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975. Rồi mô hình pháo binh, tăng thiết giáp, vận tải… số lượng cũng nhiều dần lên. Từng mô hình quân sự gắn liền với từng câu chuyện lịch sử của quân đội Việt Nam nên luôn mang lại cảm giác thú vị cho cả người sáng tạo và người được xem mô hình. Người làm mô hình như được truyền cảm hứng, sống trong lịch sử còn người xem thì lại có cơ hội khám phá những kiến thức và được tận tay chơi với mô hình quân sự lịch sử vậy.

Đây là thú chơi rất công phu và đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử quân sự. Có những vật dụng, chi tiết nhỏ như đầu kim mà người sáng tạo, lắp ráp bắt buộc phải dùng kính lúp mới tạo nên được. Mô hình các phương tiện quân sự của Việt Nam được anh Quang thể hiện ở tỉ lệ 1/35 nên để làm ra mô hình chân thật nhất, giống như hiện thực nhất, hiệu ứng chuẩn nhất là một quá trình lao động nghiêm túc và cầu kỳ của người làm mô hình. Anh Quang chia sẻ: Mỗi bộ kit mô hình quân sự thường có từ 400 - 500 chi tiết, thậm chí có bộ lên đến 2.000 chi tiết nên cách làm phải rất khoa học. Anh Quang đã dành một góc nhỏ ngôi nhà mình để trưng bày các mô hình và có một góc làm việc riêng. Nhìn anh Quang thao tác với kìm cắt, giũa, lắp ráp các chi tiết nhỏ thành khối thành phẩm rồi anh lại miệt mài sơn lót, sơn màu, phủ bóng và làm hiệu ứng để nổi bật các điểm sáng, tối của từng chi tiết mới thấy nghề chơi mô hình không hề đơn giản. Người sáng tạo vừa là họa sĩ vừa là kỹ thuật viên đồng thời cũng như người nghiên cứu lịch sử thì mới có thể thổi hồn vào từng mô hình được.

Không chỉ là người chơi mô hình quân sự độc lập có phong cách mà anh Quang còn là người lan tỏa nghệ thuật chơi mô hình quân sự sâu rộng trong cộng đồng. Anh đã thành lập Hội Mô hình quân sự Việt Nam với 15.000 thành viên. Đây là sân chơi để những thành viên yêu thích lĩnh vực sáng tạo mô hình quân sự Việt Nam học hỏi, giao lưu và chia sẻ những mô hình mình thực hiện. Thú chơi mô hình quân sự cũng là một trong những cách giáo dục lịch sử cho các bạn trẻ hiện nay và thế hệ sau này hiểu hơn về sự vĩ đại của lịch sử quân sự Việt Nam.


Mô hình xe tăng tâm đắc nhất của anh Hoàng Quang là mô hình chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 390.
Chiếc xe tăng đánh dấu sự kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.



Mô hình chiếc máy bay MiG-17 huyền thoại mang số hiệu 2011 của không quân Việt Nam.


Những mô hình xe tăng của quân đội Việt Nam qua các thời kỳ của anh Hoàng Quang. 



Mô hình máy bay huấn luyện Yak-52 của không quân Việt Nam trong bộ sưu tập của anh Hoàng Quang.



Mô hình tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển được anh Quang lắp ráp qua tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, những thước phim tư liệu.



Mô hình tàu ngầm Kilo Hải quân Việt Nam.



Mô hình máy bay chiến đấu Su27 quân đội Việt Nam.



Mô hình siêu tăng T90 trong số hơn 100 mô hình khí tài quân sự Việt Nam của anh Hoàng Quang.



Những mô hình khí tài quân sự gợi lại nhiều ký ức hào hùng năm xưa.

Trong thời gian sắp tới, anh Quang mong muốn làm ra những mô hình quân sự vươn tầm quốc tế, anh sẽ đầu tư làm ra những mô hình sa bàn tái hiện lại các trận chiến nổi tiếng của quốc tế như Chiến tranh thế giới hay những mô hình lịch sử đã đi vào huyền thoại của nhân loại. Còn tại Việt Nam, anh Quang và Hội chơi mô hình quân sự sẽ nỗ lực để làm ra nhiều mô hình hơn nữa và triển lãm để công chúng có thể tham quan và tìm hiểu./.

13 năm cần mẫn với chế tạo các mô hình đã giúp anh Quang tập hợp nên một bộ sưu tập mô hình các loại khí tài quân sự Việt Nam độc đáo với hơn 100 mô hình. 
 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Chic Chillax - nơi thương nhớ đồng quê xứ Quảng

Thay vì những không gian thưởng thức cà phê đường phố ồn ào, náo nhiệt như thường thấy thì giờ đây mô hình những quán cà phê mang phong cách đồng quê đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì ở đó người ta tìm thấy sự thư giãn bình yên, một liệu pháp chữa lành chứng quá tải của đời sống đô thị thời hiện đại. Và đó chính là sự thú vị mà Chic Chillax, một không gian thưởng thức cà phê mang đậm phong vị đồng quê xứ Quảng mà nhiều người khó có thể bỏ qua khi đến với phố cổ Hội An.

Top