Với mong muốn mang đến sự mới lạ cho khách hàng, chủ quán cà phê Robotcafe trên phố Lạc Trung, Hà Nội đã chế tạo thành công một chú robot làm nhân viên phục vụ bàn. Quán Robotcafe không chỉ là không gian thưởng thức đồ uống độc đáo, mà còn là nơi truyền cảm hứng để các bạn trẻ Việt Nam tích cực tham gia lĩnh vực sáng tạo công nghệ.
"Nhân viên bồi bàn" này được đặt tên là Mortar có chiều cao 1,3m, nặng 20kg. Bộ khung vỏ của robot được chế tạo từ nhựa composite thạch cao, sử dụng ắc quy và có thể chạy liên tục trong 15 giờ. Mortar đảm nhận phần lớn công việc của một nhân viên phục vụ bàn, mang đồ uống tới tận tay khách hàng và còn biết mời khách lấy đồ uống.
Trong quá trình phục vụ khách, robot sẽ di chuyển theo đường kẻ trên mặt sàn nhà có gắn cảm biến kim loại. Không gian quán cà phê được trang trí như trong một chiếc phi thuyền với những ô cửa sổ có gắn hình ảnh vũ trụ. Khách ngồi uống cà phê sẽ có cảm giác như đang du hành trong không gian vũ trụ bao la.

Quán cà phê Robotcafe là cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đưa robot vào phục khách hàng.

Bạn Vũ Trung Thanh là một trong những thành viên sáng lập ra quán cà phê Robotcafe.

Robot Mortar là sáng chế đầu tay của những thành viên trong quán Robotcafe.

Nhân viên sau khi pha chế chỉ việc đặt đồ uống lên khay của robot.

Điều khiển số bàn gọi nước và robot sẽ mang đến tận nơi cho khách.

Bộ điều khiển robot Mortar là một màn hình cảm biến đặt ngay trên mặt.

Robot Mortar có thể hoạt động liên tiếp trong vòng 15 giờ và thời gian sạc pin là 6 giờ.

Robot Mortar được lắp đặt cảm ứng từ để nhận diện kim loại
nên những chỉ đường được dán băng dính nhôm sẽ là đường dẫn để Mortar di chuyển.

Khi đưa đồ uống đến các bàn Mortar sẽ phát ra câu nói “Mời quý khách lấy đồ”.

Khuôn mặt Mortar được lập trình bằng một phần mềm với những thay đổi biểu cảm nét mặt.

Robotcafe truyền cảm hứng sáng tạo công nghệ đến các bạn trẻ.

Nhiều khách hàng ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy robot phục vụ trong một quán cà phê ở Hà Nội.

Các bậc phụ huynh đưa con nhỏ đến xem robot phục vụ.

Du khách thích thú với robot phục vụ.

Robot Mortar ra đời là bước khỏi đầu đầy hứa hẹn cho việc áp dụng những mô hình công nghệ tiên tiến ở Việt Nam.

Robot Mortar được kỳ vọng sẽ là tiền đề phát triển những chú robot mới với những tính năng hiện đại hơn. |
Quán cà phê Robotcafe được xây dựng từ niềm đam mê chế tạo robot của 2 chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Phi (sinh năm 1988) và Vũ Trung Thanh (sinh năm 1993). Họ đã dành nhiều thời gian cùng nhau nghiên cứu để chế tạo ra robot có khả năng làm những công việc của một nhân viên phục vụ bàn. Trên thế giới đã có nhiều ý tưởng tương tự, nhưng ở Việt Nam thì Quốc Phi và Trung Thanh là một trong những người đầu tiên đạt được thành công.
Vũ Trung Thanh rất am hiểu về lĩnh vực chế tạo robot. Khi còn là sinh viên anh đã tự tay chế tạo robot phục vụ ngành y học. Sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử Viễn thông trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung Thanh cũng đã thử sức với một số công việc ngoài chuyên môn. Tuy nhiên, niềm đam mê chế tạo robot vẫn luôn trong tâm trí anh. "Sau khi nghe anh Nguyễn Quốc Phi nêu ra ý tưởng về quán cà phê robot tôi đồng ý ngay và bắt tay vào hoàn thành niềm đam mê còn dang dở" - Vũ Trung Thanh chia sẻ.
Bắt tay chế tạo robot từ tháng 3/2017 nhưng phải đến cuối năm robot Mortar mới được hoàn thành. Trong quá trình chế tạo hai bạn trẻ đã gặp nhiều khó khăn, phải tự mầy mò, tìm tài liệu hướng dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Đã có nhiều thử nghiệm không thành công và phải làm lại. Vì vậy, chi phí sản xuất robot Mortar lên đến 100 triệu đồng, vượt xa con số dự kiến ban đầu.
Vũ Trung Thanh cho biết, từ khi hoàn thành cho đến nay, Mortar hoạt động tốt không gặp sự cố nào. Sắp tới các nhà sáng chế trẻ sẽ tiếp tục sản xuất thêm 3 robot nữa để phục vụ trong nhà hàng. Những chú robot thế hệ sau sẽ được nâng cấp hiện đại hơn và có nhiều tính năng mới như: chuyển động các khớp tay linh hoạt hơn, những câu giao tiếp với khách hàng sẽ đa dạng hơn và chi phí dự kiến sẽ chỉ bằng một nửa so với trước.
Quốc Phi và Trung Thanh mong muốn Robotcafe sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhiều bạn trẻ có chung đam mê chế tạo robot phục vụ mục đích thiết thực của cuộc sống./.