Phóng sự chuyên đề

Qua vùng “đất Thánh” Tây Ninh

Ðạo Cao Ðài là tôn giáo do người Việt sáng lập vào năm 1926 tại tỉnh Tây Ninh và đến nay đã có hàng triệu tín đồ. Với phương châm hành đạo bằng tình yêu thương, nhân nghĩa và đạo đức, sự phát triển của đạo Cao Ðài đã góp phần làm đa dạng, phong phú thêm đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam.
Trái tim của vùng “đất Thánh”

Nói đến vùng “đất Thánh” Tây Ninh không thể không nhắc đến Tòa Thánh Tây Ninh, một công trình kiến trúc tôn giáo nguy nga, độc đáo có một không hai ở miền Nam Việt Nam.

Từ Tp. Hồ Chí Minh đi về hướng Tây Bắc theo Quốc lộ 22 và 22B chừng hơn 80 cây số là đến Tòa Thánh Tây Ninh (ở thị trấn Hòa Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh). Từ xa nhìn lại, ngôi thánh đường hiện lên nổi bật giữa màu xanh viên mãn của rừng cây lá xum xuê.

Tòa Thánh Tây Ninh tọa lạc trong một khu vực rộng lớn có diện tích ước chừng hơn 1 cây số vuông với 12 cổng lớn ra vào ở các hướng và gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau.



Tòa Thánh Tây Ninh, một kiệt tác kiến trúc tôn giáo của Việt Nam phản ánh sự dung hòa của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.


Cổng chính vào Tòa Thánh Tây Ninh.


Kiến trúc mái độc đáo của Tòa Thánh Tây Ninh có sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam
với kiến trúc của thánh đường Hồi giáo và điện thờ của Đạo giáo.


Ở ngôi chánh điện của Tòa Thánh có một quả cầu lớn tượng trưng cho “Càn Khôn”,
trên đó có vẽ một con mắt trái rất lớn gọi là Thiên nhãn, 
có nghĩa là “mắt Trời”, tượng trưng cho Thượng đế,
tức Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài.



Biểu tượng Thiên nhãn được trang trí trên khung cửa chánh điện Tòa Thánh Tây Ninh. 



Và được thờ trang trọng trong mỗi gia đình tín đồ theo đạo Cao Đài.



Một buổi hành lễ của các tín đồ Cao Đài ở Tòa Thánh Tây Ninh.

Khởi công từ năm 1927, khánh thành vào năm 1947, Tòa Thánh Tây Ninh dài 93 m, rộng 22m, được thiết kế mang hình dáng một con long mã nằm chầu uy nghi, đầu hướng về phía Tây với hai cái sừng vươn thẳng lên trời cao là tháp trống và tháp chuông ở hai bên.

Đạo Cao Đài là một tôn giáo có tính dung hợp các tôn giáo lớn trên thế giới mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Kitô giáo. Ngoài việc thờ Thiên nhãn, tức Thượng đế, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, Chúa Giêsu, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm... Ước tính hiện tại đạo Cao Đài có khoảng 4 triệu tín đồ trên toàn thế giới, trong đó riêng Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh quản lí hơn 2,5 triệu tín đồ.
Tòa Thánh Tây Ninh trở thành một kiệt tác kiến trúc tôn giáo của Việt Nam chính nhờ những dấu ấn, đường nét kiến trúc thể hiện trên công trình này. Đặc biệt, công trình có sự giao thoa, hòa quyện một cách kì lạ và độc đáo giữa nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, và cũng thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của nhiều loại hình tôn giáo khác nhau trên thế giới, cụ thể là sự ảnh hưởng của Phật giáo, Kitô giáo, Đạo giáo, Nho giáo,  Hồi giáo và cả Ấn Độ giáo...

Nhìn tổng thể, Tòa Thánh mang dáng dấp của một nhà thờ Thiên Chúa giáo nhưng hệ thống 156 cây cột lớn chạm rồng, cùng với mái ngói, đầu đao... lại mang dáng dấp của kiến trúc đình chùa Việt Nam. Mặt khác, trên nóc Tòa Thánh, phía trước có tượng Phật ngự tòa sen, chính giữa có Nghinh Phong Đài với mái vòm theo kiểu thánh đường Hồi giáo, phía cuối lại có tháp Bát Quái Đài cao ba tầng, 8 cạnh theo mô hình bát quái của đạo Lão. Bên trong nội thất, gian chính giữa gọi là Cửu Trùng Đài với nền nhà được chia thành 9 bậc, cao dần vào phía chánh điện, thể hiện rõ quan niệm phân chia đẳng cấp trong xã hội của Nho giáo. Trên ngôi chánh điện có một quả cầu lớn tượng trưng cho “Càn Khôn”. Trên quả cầu có vẽ một con mắt trái rất lớn gọi là “Thiên nhãn”, xung quanh có trang trí hình mây vờn và hơn 3.000 ngôi sao tượng trưng cho các vì tinh tú và vũ trụ. Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn, có nghĩa là “mắt Trời”, tượng trưng cho Thượng đế, tức Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài.

Điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ công trình này không phải do các nhà thiết kế tài ba xây dựng, mà do chính những người nông dân và các chức sắc Cao Đài, những người chưa từng qua bất kì một trường lớp kiến trúc hay xây dựng nào tự tay làm nên. Tất cả mọi công đoạn xây dựng tòa nhà này đều được làm bằng tay. Người thợ nghĩ đến đâu làm đến đó, không có bất cứ một bản vẽ thiết kế nào.

Trải qua thời gian trong suốt gần một thế kỉ qua, Tòa Thánh vẫn tồn tại rực rỡ xứng danh là trái tim, là một kiệt tác kiến trúc tôn giáo trên vùng “đất Thánh” Tây Ninh, trở thành điểm hành hương của hàng triệu tín đồ Cao Đài ở khắp thế giới và là điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế mỗi khi đến với nơi này.

Sức sống mới ở vùng “đất Thánh”

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng, ngay sau những ngày Tết cổ truyền của người Việt là lúc dòng người hành hương và du khách đổ về Tòa Thánh Tây Ninh để tham gia một trong hai đại lễ lớn nhất trong năm của đạo Cao Đài, đó là Đại lễ Vía Đức Chí Tôn (từ 8 đến 15 tháng Giêng). 


Theo quan niệm của người theo đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chính là Thượng đế, đấng tạo hoá sinh ra vạn vật trong vũ trụ, Người được các tín đồ tôn kính gọi là đấng cha hiền (Đại từ phụ) của nhân loại; còn đấng mẹ hiền (Đại từ mẫu) là Đức Diêu Trì Kim Mẫu.

Đại lễ Vía Đức Chí Tôn là lễ hội mang đặc trưng văn hóa của người theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh. Dù năm nào cũng tổ chức, nhưng tất cả tín đồ luôn coi đây là sự kiện trọng đại, ý nghĩa trong đời sống tinh thần để thể hiện tấm lòng hiếu hạnh của mình đối với Đức Đại từ phụ.

Vào ngày lễ lớn này, cùng với nghi thức dâng hương, cúng bái, cầu kinh... các tín đồ và du khách thập phương còn được khám phá nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu võ thuật dân tộc, thi múa tứ linh... rất đặc sắc, tạo nên bầu không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng hân hoan, sôi nổi và ấn tượng.


Ngoài ra, đối với du khách, ngoài việc được trải nghiệm không khí lễ hội, chuyến hành hương còn là dịp để khám phá kiến trúc độc đáo có một không hai của Tòa Thánh Tây Ninh.


Biểu diễn long mã và tứ linh vào dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn ở Tòa Thánh Tây Ninh. 


Bà con theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh hân hoan đón mừng Đại lễ Vía Đức Chí Tôn.



Ba thế hệ trong một gia đình theo đạo Cao Đài cùng tham gia ngày Đại lễ Vía Đức Chí Tôn.


Đội lễ nhạc biểu diễn trong ngày Đại lễ Vía Đức Chí Tôn.


Đông đảo du khách và người dân tham quan gian triển lãm nhạc cụ truyền thống
của bà con theo đạo Cao Đài người Khmer trong ngày Đại lễ Vía Đức Chí Tôn.


Trước khi nhập môn (18 tuổi), 
các em nhỏ có cha mẹ là người theo đạo Cao Đài 
đã được gia đình giáo dục lối sống đạo đức lấy yêu thương và nhân nghĩa làm trọng của đạo Cao Đài.

Trong dịp Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, dù bận nhiều việc nhưng ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh (Đầu sư là chức sắc cao nhất trong đạo - PV), Chưởng quản Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi để nói chuyện đạo và đời.

Vào hai ngày đại lễ của đạo Cao Đài là Vía Đức Chí Tôn và Hội Yến Diêu Trì Cung, cùng với nghi thức dâng hương, cúng bái, cầu kinh... các tín đồ và du khách thập phương hành hương về Tây Ninh còn được khám phá nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu võ thuật dân tộc, thi múa tứ linh... rất đặc sắc, tạo nên bầu không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng hân hoan, sôi nổi và ấn tượng.
Theo ngài Đầu sư, Cao Đài là tôn giáo tổng hợp nhiều triết lí hướng thiện gắn liền với cuộc sống, hướng các tín đồ chăm lo đến đời sống kinh tế, sống hòa thuận trong thế giới đại đồng, cùng nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Hội Thánh đã hướng dẫn, khích lệ, động viên chức sắc, chức việc và tín đồ Cao Đài thực hiện tốt vai trò của người công dân trong hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đời sống mọi mặt, đặc biệt là đời sống kinh tế của đồng bào theo đạo Cao Đài ở Tây Ninh hiện đã được cải thiện rất nhiều so với trước. Toàn huyện Hòa Thành hiện có 552 doanh nghiệp, và đa số các chủ doanh nghiệp là tín đồ của đạo Cao Đài. Hàng năm, các doanh nghiệp này đã cùng với chính quyền địa phương tạo điều kiện chăm lo tốt vấn đề giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho người dân, cũng như thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, ngày nay, nếu có dịp về miền “đất Thánh” Tây Ninh, du khách sẽ có cơ hội được khám phá và tìm hiểu thêm đạo Cao Đài, một tôn giáo độc đáo của người Việt đã góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận quần chúng nhân dân và thực hiện sứ mạng kết nối người dân không chỉ về tinh thần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nơi vùng đất phương Nam trù phú và mến khách./.

 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Ðạt - Ảnh: Nguyễn Luân


Top