Chân dung

PGS Phạm Quang Cường và robot “Made in Vietnam”

Là một trong 100 tri thức người Việt ở nước ngoài nhận lời mời về nước trao đổi về tiến trình thúc đẩy cách mạng 4.0 tại Việt Nam, PGS Phạm Quang Cường đã phác thảo chiến lược phát triển “hữu cơ” công nghệ robot tại “Hội nghị Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh về câu chuyện phát triển robot “Made in Vietnam”.
Từ câu chuyện bên lề…
Đạt giải thưởng lớn nhất tại Hội nghị Robotics: Khoa học và hệ thống (năm 2012), Phạm Quang Cường với vai trò là trưởng nhóm CRI Group lại tiếp tục đạt giải nhì về Airbus Shopfloor Challenge tại ICRA 2016.

Giải thưởng cùng các nghiên cứu của anh sau đó đã được giới thiệu trên truyền thông quốc tế như New York Time, Guardian, CNN, Science, Nature, MIT Technology Review, …

Được mời về nước lần này, câu chuyện mà chuyện gia robot Phạm Quang Cường trao đổi bên lề Hội nghị "Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam" đã khiến mọi người có cái nhìn thay đổi và lạc quan về một tương lai không xa của công nghệ robot “Made in Vietnam”.



PGS Phạm Quang Cường là một trong 100 trí thức người Việt ở nước ngoài
nhận lời mời về nước để trao đổi về tiến trình thúc đẩy cách mạng 4.0 ở Việt Nam.


PGS Phạm Quang Cường cùng đồng nghiệp và sinh viên tại Trường cơ khí Kỹ thuật hàng không vũ trụ,
Đại học Công nghệ Nanyang Singapore. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS Phạm Quang Cường và các đồng nghiệp trong một chuyến đi dã ngoại.
Hiện đang sống và làm việc tại Singgapore, theo anh đây là đất nước rất khuyến khích
và tạo điều kiện để các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu.

Theo PGS Phạm Quang Cường, để có một phòng nghiên cứu robot cơ bản với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại mang tầm quốc tế với vài robot, camera 3 chiều, cảm biến, … cũng chỉ cần đầu tư khoảng 100.000 - 200.000 USD.

Cũng theo anh Cường, trong giai đoạn đầu Việt Nam chưa thể sản xuất được một con robot cứng, nhưng lại có rất nhiều thứ xung quanh dây chuyền sản xuất robot mà Việt Nam có thể triển khai làm được.

“Mình có thể mua một con robot cứng về, còn lại tất cả những thứ khác trong dây chuyền mình có thể tự làm được rồi”, anh Cường nhấn mạnh.

Chẳng hạn, trong một dây chuyền sản xuất robot trị giá 1 triệu USD, các con robot cứng chỉ chiếm dưới nửa triệu đô la, còn lại là một hệ thống dây chuyền.

Theo đó, các công đoạn như xây dựng, thiết kế dây chuyền, viết các lập trình phần mềm thao tác cho con robot… theo anh Cường, các chuyên gia IT của Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Như vậy, chi phí sẽ được giảm đi rất nhiều.


PGS Phạm Quang Cường (sinh năm 1984) là cựu sinh viên của Ecole Normale Superieure, rue d’Ulm (Pháp), sau đó là thành viên của JSPS tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Năm 2013, Phạm Quang Cường gia nhập NTU (Singapore) với tư cách là trợ lý giáo sư. Hiện nay, PGS Phạm Quang Cường là giảng viên Trường Cơ khí Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
“Tôi đã từng làm việc với các đồng nghiệp tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Họ rất giỏi và đã từng có những công bố rất tốt trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Đây chính là nguồn nhân lực khiến tôi luôn lạc quan về sự phát triển công nghệ của Việt Nam”, chuyên gia robot Phạm Quang Cường cho biết.

Điều còn thiếu như nhận định của PGS Phạm Quang Cường là Chính phủ cần tập trung ngân sách vào các dự án nghiên cứu công nghệ cho nền kinh tế tương lai.

Anh Cường khẳng định: “Để sản xuất một con robot cứng, điều này không quá khó như mọi người tưởng tượng. Trung Quốc đã làm nhiều rồi và rất rẻ. Nên tôi nghĩ viễn cảnh này không quá xa vời với Việt Nam”.

Là một trong những đất nước được đánh giá có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới, anh Cường gợi ý trong tương lai, các chuyên gia IT của Việt nam có thể đi vào sản xuất software cho robot và xây dựng các dây chuyền sản xuất robot.

Anh Cường cũng lạc quan cho rằng, nếu Chính phủ tập trung ngân sách vào phát triển công nghệ, thì có thể chỉ vài năm hay muộn nhất là 5 năm, Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu một công nghệ robot “Made in Vietnam”.

… đến chiến lược phát triển “hữu cơ” công nghệ robot
Tại Trường Cơ khí Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, ngoài công việc giảng dạy, anh Cường còn phụ trách nghiên cứu mảng robot công nghiệp tại một Trung tâm robot được thành lập trong trường đại học. Ở đó, ngoài anh Cường còn có gần mười giáo sư khác cũng nghiên cứu về robot ở những mảng khác nhau như: robot phẫu thuật, robot cầu đường,…

Anh Cường cho biết, đất nước Singapore rất khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình, thường là theo hai cách.

Cách thứ nhất là để các tập đoàn khai thác bằng sáng chế của mình. Nhưng cách này thường khó triển khai hơn vì liên quan đến “know how” (cách triển khai). Do đó, nhiều nhà khoa học chọn cách thứ hai đó là tự lập công ty. “Đây là cách ngắn nhất để chúng tôi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình”, anh Cường lý giải.



Tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, ngoài công việc giảng dạy, PGS Phạm Quang Cường
còn phụ trách nghiên cứu mảng robot công nghiệp tại một Trung tâm robot. Ảnh: Tư liệu NVCC


PGS Phạm Quang Cường trao đổi với các phóng viên về câu chuyện phát triển robot “Made in Vietnam”
bên lề hội nghị “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Bởi vậy, anh Cường và nhóm nghiên cứu đã thành lập một công ty khởi nghiệp (Eureka Robotics Pte Ltd) để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của chính mình như: ráp tự động ghế, quy mô lớn 3D - in ấn bởi một nhóm rô-bốt di động…Theo anh Cường, trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, ngành robot nói riêng từ kết quả nghiên cứu đến thương mại hóa là rất gần.

Chính vì vậy, tại Hội nghị, anh Cường đã có bài tham luận về chủ đề ứng dụng robot trong sản xuất, phác thảo xu hướng ứng dụng robot trên thế giới và ứng dụng cho Việt Nam.

Anh Cường đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về các ứng dụng robot hiện tại trong sản xuất trên toàn thế giới, và phác thảo các xu hướng phát triển robot chính trong tương lai gần: robot hợp tác, robot kết nối, robot cho các môi trường không có cấu trúc,…

Năm 2013, anh Cường đã về một số trường đại học ở Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác để phát triển các dự án nghiên cứu robot. “Tuy nhiên, thời điểm đó, các đồng nghiệp tại Việt Nam đã nói với tôi rằng, nói về robot ở Việt Nam thì rất hàn lâm vì có rất ít doanh nghiệp có kinh phí để thực hiện”, anh Cường nhớ lại.

Tuy nhiên, với sự phát triển bùng nổ của kinh tế Việt Nam trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt khi biết tại nhà máy sản xuất ô tô điện của Vinfast đang có hơn 1000 robot được sử dụng, anh Cường hoàn toàn lạc quan vào sự hợp tác và cơ hội đóng góp trí tuệ về các dự án robot tương lai cho đất nước.

Theo đó, để có thể làm chủ một nền công nghệ robot như thông điệp của các lãnh đạo Việt Nam, thì Việt Nam cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu robot và tự động hoá trong trường đại học, thành lập các viện nghiên cứu chuyên ngành với các chuyên gia, giáo sư hàng đầu.

“Với sự phát triển kinh tế như hiện nay, Việt Nam sẽ có thể ứng dụng công nghệ robot mà tôi đang nghiên cứu, gần hơn tôi nghĩ”, anh Cường nói về hy vọng hợp tác sau lần về nước này.

“Bắt tay vào những công trình nghiên cứu thực sự. Đó là điều tôi kỳ vọng sau thời khắc lịch sử này”, anh Cường lạc quan chia sẻ./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top