Nghệ thuật

Những "siêu phẩm" từ vỏ ốc

Biến những chiếc vỏ ốc vô tri vô giác thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo chính là niềm đam mê tột cùng của cô gái khuyết tật Trần Thị Ngọc Hiếu. Những sản phẩm của cô đã được bạn bè quốc tế biết đến. 
Cơ duyên đưa cô gái khuyết tật này đến với tác phẩm nghệ thuật bằng ốc là trong một lần có người bạn đến từ nước Anh mang những con ốc cho Trần Thị Ngọc Hiếu để làm tranh, trước đó chị đã biết làm các sản phẩm tranh đá quý. Qua tìm hiểu, chị Hiếu mới biết những bức tranh ốc là sản phẩm nổi tiếng lâu đời của một làng chài ven biển ở nước Anh. Với kinh nghiệm làm tranh đã có trước đó, chị hợp tác thành công với người bạn Anh để hoàn thành những bức tranh ốc trong vòng một tháng.

Thế rồi từ việc thực hiện những bức tranh cho người bạn đó, Trần Thị Ngọc Hiếu nhận thấy nguồn ốc ở Việt Nam cũng khá đa dạng và phong phú nên từ năm 2014 chị bắt tay làm thêm những sản phẩm từ vỏ ốc. Đến nay, các sản phẩm làm từ vỏ ốc của chị Hiếu khá đa dạng như tranh, hộp nữ trang, hoa cưới, hộp đựng bút, lọ hoa…


Bị liệt cả hai chân và một bàn tay, nhưng với niềm đam mê tranh nghệ thuật,
cô gái khuyết tật Trần Thị Ngọc Hiếu đã biến những con ốc vô tri vô giác thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.



Hiện tại, chị Hiếu có khoảng 70 loại ốc đa dạng về màu sắc với những cái tên như ốc chai, ốc vú nàng, ốc đá…






Những vỏ ốc được thu thập từ nhiều nguồn, khi là chị đến các làng chài ven biển hỏi mua,
khi thì bố mẹ và những người bạn thân thiết sau những chuyến đi chơi đem về tặng.


Bị liệt hai chân và tay phải nhưng chị vẫn rất khéo léo xếp các vỏ ốc.


Các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và con mắt nghệ thuật.


Từ những vỏ ốc vô tri qua bàn tay của chị Hiếu phút chốc biến thành những bông hoa.

Vì là những sản phẩm nghệ thuật từ vỏ ốc nên quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu vỏ ốc. Hiện tại, chị Hiếu có khoảng 70 loại ốc đa dạng về màu sắc với những cái tên như ốc chai, ốc vú nàng, ốc đá… được thu thập từ nhiều nguồn, khi là chị đến các làng chài ven biển hỏi mua, khi thì bố mẹ và những người bạn thân thiết sau những chuyến đi chơi đem về tặng.

Chị Hiếu chia sẻ: “Khi làm công việc này, Hiếu thấy mình kết nối được với nhiều người, hơn nữa thấy công việc của mình làm đẹp thêm cho môi trường với những nguyên liệu không độc hại, những vật vô tri tưởng chừng như vứt đi hoặc bị bồi lấp được mình dùng làm ra những sản phẩm đẹp cũng cảm thấy rất vui.”.

Trong số những sản phẩm bằng vỏ ốc thì sản phẩm tranh ốc là khó làm nhất, bởi thường là làm theo cảm hứng chứ không vẽ phác thảo ý tưởng trước cho sản phẩm. Những chủ đề được chị Hiếu thể hiện trên những bức tranh ốc là bờ biển đẹp hay bình cắm hoa và đặc biệt rất thích tranh thập giá.

Tùy từng bức tranh mà số lượng, màu sắc, hình dạng vỏ ốc được sử dụng khác nhau. Những bức có nền là ốc vụn thì sẽ mất thời gian trong việc giã ốc để dán lên một lớp ốc vụn, sau đó phối màu các con ốc sao cho đẹp mắt để phù hợp với chủ đề định làm rồi gắn vào. Thông thường chị Hiếu sẽ kết hợp cả hai loại vỏ ốc cứng và mềm để tạo được chiều sâu tự nhiên của bức tranh, đặc biệt là trong việc tạo hình những cánh hoa. Tùy cảm hứng, khi hoàn thành xong chị có thể bổ sung thêm vài chi tiết tác phẩm trông đẹp mắt nhất.

Đến nay, hầu hết các tác phẩm của chị Hiếu đều được bạn bè giới thiệu và nhiều khách tìm mua qua fanpage: https://www.facebook.com/tranhdaquycuahieu. Các sản phẩm làm từ vỏ ốc được bán với mức giá dao động từ 300.000 
đồng đến 4.000.000 đồng./.

Một số tác phẩm lưu niệm làm từ vỏ ốc của chị Trần Thị Ngọc Hiếu:

























 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Nguyễn Luân

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top