Nghệ thuật

Người “vẽ” lịch sử qua các sa bàn

Được mệnh danh là "phù thủy" trong lĩnh vực sa bàn hiện nay, anh Lê Xuân Giang đang sở hữu nhiều mô hình đặc sắc mang giá trị lịch sử cao cũng như những mô hình sinh động mang đậm dấu ấn đất nước, con người Việt Nam. Theo anh Giang, sa bàn là loại hình nghệ thuật tổng hòa hết các kỹ thuật và kỹ năng của một người chơi mô hình cần phải có. Nó là thứ ngôn ngữ kể chuyện đầy đủ và là bài học lịch sử trực quan sinh động nhất.

“Một lần tình cờ mình vào hiệu sách thấy họ bán những mô hình về những khí tài quân sự thì thấy khá tò mò. Sau đó, mình mua một mô hình về bắt đầu tìm tòi. Lâu dần, mình thấy mô hình có thể nâng lên tầm tác phẩm nghệ thuật, có không gian, có chiều sâu và có những câu chuyện sau mô hình đó”. 

Đó là cơ duyên mà anh Lê Xuân Giang (32 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) bắt đầu đến với “nghiệp” sa bàn. Vốn xuất thân từ “dân” mỹ thuật, lại từng thích đi lính nên những đề tài về người lính được Lê Xuân Giang khá trau chuốt và cảm thấy tâm đắc nhất. 
  
Trong căn phòng làm việc chỉ rộng chừng 15m2 của mình ở quận Bình Thạnh, nhiều mô hình đặc sắc mang tính giá trị lịch sử cao cũng như những mô hình sinh động mang đậm dấu ấn đất nước, con người Việt Nam đã được Lê Xuân Giang lồng khung kính, trưng bày một cách nâng niu và trân trọng. Đó là những tác phẩm từng được vinh danh tại các giải thưởng mô hình thế giới hay cũng có thể là những tác phẩm mà Giang tâm đắc nhất.



Phác thảo ý tưởng trên giấy.


Anh Lê Xuân Giang kiểm tra chất lượng tượng.


Những chi tiết trên sa bàn đều đạt đến độ tinh xảo.


Tô màu cho sa bàn.


Anh Lê Xuân Giang người được mệnh danh là “phù thủy” trong lĩnh vực sa bàn hiện nay.
    
Không mấy bất ngờ khi cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie (Đức) vào ngày 6/6/1944 trong thế chiến thứ 2 lại được anh Giang thể hiện khá sinh động như vậy. Trong đó, có cả người, cảnh vật và những chi tiết mang đậm dấu ấn lịch sử. Để hoàn thiện được mô hình này, anh đã mất hơn 6 tháng, trong đó có những chi tiết mà anh phải sang Nhật Bản hay một số nước khác để học hỏi, tìm cách làm. Điều đó cho thấy những đam mê của chàng trai này đối với thế giới sa bàn.
  
Không chỉ có hình ảnh người lính trong thế chiến thứ 2, Lê Xuân Giang còn tái hiện cuộc tổng tiến công của quân và dân Việt Nam khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 trong tác phẩm “Từ miền núi xuống đồng bằng”. Trong mô hình này, không khí hành quân khẩn trương tiến về miền Nam giải phóng Sài Gòn được Giang thể hiện khá chân thực và rõ nét. Hay như tác phẩm “Ngày trở về” thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc của quân và dân ta sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
  
Một khía cạnh khác cũng được Giang khai thác khá tốt về chân dung người lính trong cuộc chiến chống Mỹ, đó là tình đồng đội qua tác phẩm “Đồng đội”. Tác phẩm này thể hiện rõ tình đồng đội đậm sâu của những người lính trong trận chiến An Lộc. Họ vừa phải chiến đấu chống lại sự tấn công ráo riết của Đế quốc Mỹ nhưng cũng vừa chăm sóc đồng đội, cố gắng đưa những chiến sĩ bị thương ra khỏi vùng nguy hiểm.
  
Ngoài những hình ảnh về người lính, Giang còn tạo ra nhiều mô hình sinh động khác mang đậm dấu ấn đất nước, con người Việt Nam, nhất là cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nổi bật là tác phẩm “Chợ nổi” đã được anh mô phỏng rõ nét văn hóa của người dân miền sông nước, sự bình dị và đầy tính nhân văn…



Tác phẩm “Chợ nổi”. Ảnh: Tư liệu


Tác phẩm “Ngày về”. Ảnh: Tư liệu


Toàn cảnh sa bàn “Tiến về đồng bằng”.


Những tiểu cảnh trong chiến tranh được miêu tả trực quan, sinh động trên sa bàn.


Một góc trong tác phẩm “Tiến về đồng bằng”.


Sự quyết tâm của người lính được thể hiện trên sa bàn “Tiến về đồng bằng”.


Những người lính thể hiện được sự thần thái qua đôi bàn tay điệu nghệ của anh Lê Xuân Giang.


Một góc tác phẩm “Đại bàng hạ cánh”.


Góc suy tư về chiến tranh trong tác phẩm " Đại bàng hạ cánh".


Tình cảm của những ngưới lính cũng được thể hiện trên sa bàn.
  
Dù vẫn luôn bận rộn với công việc chính của mình, nhưng hàng ngày anh Giang vẫn dành thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và lên ý tưởng cho việc thực hiện các sa bàn. Chính thức “bước chân”  vào lĩnh vực này từ năm 2010, đến nay anh Giang đã có một số tác phẩm đặc sắc tham gia triển lãm quốc tế về mô hình.
  
Đáng chú ý, năm 2017, tác phẩm “Đại bàng hạ cánh” của Lê Xuân Giang đã đạt giải Vàng tại sự kiện Malaysia Hobby show. Hay trước đó, tác phẩm “Chợ nổi” của anh cũng đạt giải bạc tại cuộc thi mô hình AFC Club tại Đài Loan vào năm 2016. Các tác phẩm của anh cũng tham gia triển lãm tại các show mô hình thường niên ở Shizouka, Nhật Bản.
  
Với khối “tài sản” kha khá của mình, Lê Xuân Giang đang “ấp ủ” mở một cuộc triển lãm cá nhân để giới thiệu những tác phẩm sa bàn của mình đến đông đảo công chúng./.

 
 Bài và ảnh: Nguyễn Luân – Thông Hải & Tư Liệu


Top