Khám phá

Ngôi trường nữ sinh đầu tiên ở miền Trung

Cách đây hơn 100 năm, trường Đồng Khánh (Trường THPT Hai Bà Trưng ngày nay) ở TP. Huế là ngôi trường đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh 13 tỉnh miền Trung. Đây còn là một trong số ít những ngôi trường trong cả nước giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp.
Vào đầu thế kỷ XX rất ít phụ nữ Việt Nam có điều kiện đi học. Hầu hết các trường học nổi tiếng ba miền Bắc, Trung, Nam chỉ giành cho nam sinh. Đơn cử là Trường Quốc Học - Huế, thành lập năm 1896; miền Nam có trường Trung học  Chasseloup-Laubat, thành lập năm 1874; miền Bắc có trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat), thành lập năm 1908.

Năm 1917, Vua Khải Định đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ Trung học Đồng Khánh. Kiến trúc của ngôi trường vừa mang nét tinh tế, cầu kỳ của kiến trúc Pháp, vừa toát lên vẻ cổ kính, trang nghiêm. Từng dãy phòng học được thiết kế ấn tượng bởi những mái vòm duyên dáng. Sắc hồng thắm của các dãy hành lang tuyệt đẹp gợi cảm xúc thương nhớ cho bất cứ ai nếu từng một lần đặt chân ghé thăm ngôi trường này.



Năm 1917, Vua Khải Định đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường.


Toàn cảnh trường nhìn từ trên cao.


Nữ sinh Đồng Khánh một thời nổi tiếng với vẻ đẹp công dung ngôn hạnh.


Sau khi đất nước thống nhất, trường có tên là trường cấp III Trưng Trắc.
Năm 1981, trường đổi tên thành trường THPT Hai Bà Trưng và tên gọi này được sử dụng cho tới bây giờ.


Từng dãy phòng học được thiết kế ấn tượng.


Kiến trúc mái vòm bên trong hành lang của các dãy phòng học.


Các hiện vật được lưu giữ trang trọng bên trong nhà truyền thống.


10 đồng tiền cổ gắn bó với quá trình xây dựng trường.


Trang phục nữ sinh Đồng Khánh qua các thời kỳ.


Sắc hồng thắm của ngôi trường.

Trường Đồng Khánh xưa nằm trên trục đường chính của thành phố và bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng. Lối vào trường được trồng thẳng tắp những hàng cây xanh rờn, rợp bóng mát.

Tại trường Đồng Khánh, các nữ sinh ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh về may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt… còn được học cách nuôi dạy con, quản lý gia đình, ứng xử giao tiếp, đồng thời được học một số môn học cơ bản về cứu thương. Vì vậy, nữ sinh Đồng Khánh một thời nổi tiếng với vẻ đẹp công dung ngôn hạnh.

Được biết trong lịch sử, nhiều nữ sinh Đồng Khánh đã trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo dục, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà báo, văn nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa trên nhiều lĩnh vực.... Kể đến là bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, hay bà Trần Thị Như Mân (phu nhân nhà văn hóa Đào Duy Anh), nhân sĩ Đào Thị Xuân Yến (tức bà Tuần vũ Nguyễn Đình Chi), nhà Cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp)…

Từ năm 1975 đến nay, trường thu nhận cả học sinh nam và nữ. Trung bình hàng năm, trường có trên 40 lớp học, giảng dạy khoảng hơn 2.000 học sinh cấp trung học cho thành phố Huế. Trường THPT Hai Bà Trưng ngày nay là một địa chỉ giáo dục có uy tín tại tỉnh Thừa Thiên - Huế./.


Theo dòng lịch sử, trường đã mang nhiều tên gọi khác nhau: từ 1919 - 1954, mang tên Cao đẳng tiểu học Đồng Khánh; từ 1955- 1975, với tên gọi trường Nữ trung học Đồng Khánh, gồm hai cấp: Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp. Sau khi đất nước thống nhất, trường có tên là trường cấp III Trưng Trắc. Năm 1981, trường đổi tên thành trường THPT Hai Bà Trưng và tên gọi này được sử dụng cho tới bây giờ.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Luân

Xôi ngũ sắc – Tinh hoa đất trời Mường Lò

Xôi ngũ sắc – Tinh hoa đất trời Mường Lò

Không chỉ là món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực của vùng đất Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái),  xôi ngũ sắc còn mang một ý nghĩa đặc biệt trong quan điểm, trong suy nghĩ của người Thái đó là “thuyết ngũ hành”. Món xôi ngũ sắc thường được làm trong các dịp lễ, Tết để thông qua đó thể hiện khát vọng được yêu thương của con người, đó là lòng hiếu thảo yêu mẹ, kính cha của con cháu và đặc biệt là khát vọng tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa, qua đó mong cầu những điều may mắn, tốt lành đến với bản làng, quê hương.

Top