Tiềm năng địa phương

Miến làng So

Sản phẩm miến làng So (xã Cộng Hoà, Quốc Oai, Hà Nội) được làm từ nguyên liệu 100% bột củ dong giềng nguyên chất từ lâu đã nổi tiếng với sợi miến thơm ngon và dai mềm. Hiện ở xã Công Hòa có khoảng hơn 100 hộ làm miến với sản lượng trung bình một ngày khoảng 3 tấn/1 hộ cung cấp khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
Người dân xã Cộng Hòa không ai nhớ rõ nghề làm miến chính xác xuất hiện ở làng từ bao giờ, chỉ biết đó là nghề truyền thống của các cụ xưa để lại. Dân làng cho biết, tên gọi miến làng So gắn liền với đình So, là một ngôi đình đẹp nổi tiếng được mệnh danh là “đệ nhất xứ Đoài xưa”.

Chúng tôi đến làng So vào đúng vụ miến Tết nên chứng kiến không khí làm việc rộn ràng của người làm miến nơi đây với đầy đủ các công đoạn khác nhau từ làm bột, làm sợi, hong miến,... Một ngày lao động của người làng So bắt đầu rất sớm, thường từ 5h sáng và kết thúc vào lúc 7h tối. Từ tờ mờ sáng, đồng loạt các lò làm miến trong làng đều lên lửa, tiếp đó là tiếng máy quấy bột, máy tráng miến bắt đầu chạy ro ro, xình xịch báo hiệu một ngày làm việc của những người làm miến làng So.

Với khối lượng trung bình từ 4 đến 5 tấn bột/ngày vào những ngày giáp Tết, chị Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở sản xuất miến Hà Tiến (Xóm Đình, Thôn 5, xã Cộng Hoà) bắt đầu một ngày làm việc của mình từ 3h sáng.
 

Nghề làm miến ở làng So (xã Cộng Hoà, Quốc Oai, Hà Nội) là nghề truyền thống kế thừa từ các thế hệ trong làng để lại.


Người dân làng So phơi miến dong trên sân đình làng.


Miến dong ở làng So được tráng nguyên tấm, sau đó cắt thành sợi và được mang đi hong khô.


Không sử dụng phương pháp sấy khô bằng nhiệt, miến làng So được phơi khô tự nhiên bằng gió.


Thu gom miến thành phẩm sau khi hong khô bằng gió trời.


  Ở làng So có khoảng 70-80 cơ sở làm miến dong tại gia đình và mỗi cơ sở thường tạo công ăn việc làm
cho 7 đến 8 lao động trong khu vực.


Theo chị Nguyễn Thị Hà, chủ một cơ sở dản xuất miến truyền thống ở làng So thì sở dĩ khách hàng ưa chuộng miến
của làng vì nó được sản xuất theo phương thức truyền thống cho sản phẩm miến dai và ngon.


Đóng gói miến thành phẩm tại một cơ sở sản xuất miến dong.

Chị Hà chia sẻ với chúng tôi, từ ngày kế nghiệp làm miến truyền thống của ông bà để lại, sản lượng tiêu thụ miến của gia đình cứ tăng dần đều theo cấp số nhân. Ngược thời gian khoảng hơn 10 năm trước, gia đình chị Hà chỉ làm và tiêu thụ một vài tạ miến mỗi ngày. Đến nay, khối lượng miến đựơc làm trung bình mỗi ngày là 4 tấn. Miến làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thậm chí vào dịp Tết, miến thành phẩm của gia đình chị không đủ cung cấp ra thị trường.

Hiện tại công nghệ sấy khô đã được áp dụng rất nhiều ở các làng nghề khác, tuy nhiên với miến làng So thì vẫn giữ cách làm khô truyền thống từ quy trình phơi dưới ánh nắng và gió nhiên nhiên. Vậy nên, ở bất kỳ địa điểm nào chạy dọc triền đê sông Đáy qua làng So đều dễ dàng bắt gặp các sạp miến được người dân trải đầy, trắng xóa khắp các lối đi, ngõ xóm…

Sở dĩ người làng So không dùng công nghệ sấy khô sợi miến mà chọn cách hong khô tự nhiên bởi đó cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi miến của làng So được dai và thơm hơn. Theo chị Nguyễn Thị Hà thì: “Việc sấy khô này hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên chúng tôi luôn phải cập nhật những bản tin dự báo thời tiết 24/24”.

Được biết, hiện ở làng So có từ 70 – 80 lò chế biến miến với sản lượng từ 3,5 – 4 tấn bột/ngày/lò và số nhân công làm thuê từ 8 – 10 người/ lò. Thu nhập bình quân của những người lao động làm thuê nơi đây từ 4 – 5 triệu đông/tháng/người. Còn các hộ sản xuất kinh doanh như gia đình cô Hà thì một năm thu nhập trung bình cũng được từ 400 – 500 triệu đồng. Có năm tiêu thụ nhiều còn thu được tiền tỷ từ việc sản xuất miến./.
 
Bài: Vy Thảo - Ảnh: Việt Cường


Top