Tiêu điểm

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV: Hoàn thành công tác nhân sự

Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 5-8/4, các đại biểu Quốc hội tập trung hoàn thành công tác nhân sự của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Kỳ họp thứ 11 dành 7 ngày xem xét, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt Nhà nước
 
Ngày làm việc đầu tuần 5/4, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Với 468/468 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.


Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, trình độ chuyên môn: cử nhân kinh tế. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV.
 
Trước đó, vào đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết này.

 
Sáng 5/4/2021, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 tuyên thệ nhậm chức
Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau khhi trúng cử với tỷ lệ 97,75% phiếu bầu. Ảnh: Thống Nhất / TTXVN.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trí Dũng / TTXVN
 
Chiều 5/4, tại kỳ họp thứ 11, với 462/466 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Phạm Minh Chính

Theo đó, Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958, quê quán Thanh Hóa; là Tiến sỹ Luật học, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương khóa XII; đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Văn Điệp / TTXVN


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Phương Hoa / TTXVN

Trước đó, vào đầu phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ và tiến hành bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Minh Chính. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Minh Chính.
 
Trước đó, sáng 31/3, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Với 473/473 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, bằng 98,54% tổng số đại biểu Quốc hội, bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, làm Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sinh ngày 15/3/1957, quê quán xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trình độ lý luận chính trị cao cấp, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bí thư Thành ủy Hà Nội.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Trọng Đức / TTXVN

Cơ sở để tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội
 
Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Suốt chặng đường gần 5 năm qua, Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
 

Các Đại biểu Quốc hội tham dự Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Dương Giang / TTXVN
 
Trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn những khó khăn, thách thức đan xen, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, đặt ra nhiều yêu cầu mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã phối hợp chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức không ngừng cải tiến, đổi mới và luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc.
“Kỳ họp này là dịp để chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác, từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới. Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết với ý nghĩa trên, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, đánh giá công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

 


 

Trên cơ sở đó, sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước để ổn định về mặt tổ chức và cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, kiện toàn Hội đồng Bầu cử quốc gia để tiếp tục chỉ đạo công tác bầu cử.

Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội nghe các báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; sẽ nghe kết quả hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3/2021.

Quốc hội nghiên cứu, xem xét một số báo cáo khác của Chính phủ, trong đó có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Đến nay, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung để trình ra Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng để góp phần vào thành công của kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này.

 
Trong phiên khai mạc sáng 24/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-202 của Chính phủ.

Trong các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội thực hiện miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; tiến hành quy trình bầu Phó Chủ tịch nước, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

 


 

Sau đó, Quốc hội thực hiện quy trình phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; phê chuẩn Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Theo chương trình, chiều 8/4, Kỳ họp thứ 11 họp phiên bế mạc, chính thức khép lại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV../.
 
TTXVN / Báo ảnh Việt Nam

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Việt Nam - Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 3 vừa qua theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã công bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Top