Nghệ thuật

"Hồn quê" trong tranh Lê Tuấn Anh

Nhắc đến hoạ sỹ (HS) Lê Tuấn Anh, những người mê tranh ắt hẳn khó có thể quên được hai chữ “hồn quê” trong những tác phẩm của anh. PGS - HS Lê Anh Vân đã từng nhận xét: “Làng quê thể hiện trong tranh của HS Lê Tuấn Anh được sắp xếp một cách có trình tự, mảng màu hài hoà, xử lý sắc nét, dẫn người xem đến với những sinh hoạt đời thường giản dị, gần gũi mà đậm chất thơ”. Vây, HS Lê Tuấn Anh ở đâu trong dòng chảy “hồn quê” của hội họa Việt mà khiến những người đã từng xem tranh của anh cứ phải khắc khoải, ám ảnh, quên rồi nhớ.
Chúng ta bắt đầu khám phá 12 bức hoạ đặc tả về “tam môn”: cổng làng, cổng chùa, cổng nhà của Lê Tuấn Anh được thể hiện bằng những kỹ thuật phương Tây hiện đại, đó là kỹ thuật mache.
 
Với kỹ thuật này, bằng cách kết hợp sơn dầu với điệp, màu bột, giấy dó, những vết loang, vết nhăn, vết xước, vết rạn được hiện lên như nhiều nhà phê bình đã nói “thực hơn cả chữ thực”. Bởi, chính những chi tiết thể hiện mang bản sắc này của Lê Tuấn Anh, mà “tam môn” trong tranh của anh hiện lên với đầy những lớp lang văn hoá, thăng trầm, rêu phong, cổ kính, khiến người xem như cảm nhận được, soi được chính cuộc đời của mình trong những lớp bụi thời gian.
 

HS Lê Tuấn Anh là người đi đầu trong hội hoạ về sự phối hợp kỹ thuật,
phong cách giữa Á – Âu vào dòng tranh truyền thống Á Đông.



Chỉ bằng những vật dụng hội họa thông thường…


...HS Lê Tuấn Anh đã tạo nên những vết loang, vết nhăn, vết xước, những mảng vỡ
để hình thành lên màu xưa cũ trên tranh của ông.



Góc trưng bày tác phẩm của HS Lê Tuấn Anh

 
Nếu ngắm kỹ tranh của Lê Tuấn Anh, có lẽ sẽ có không ít người thắc mắc về những nét vẻ nghiêng: cổng làng nghiêng, cổng chùa nghiêng, cổng nhà nghiêng,… Chủ thể trong những bức tranh này đều vượt ra ngoài bố cục của nó ở đời sống thực. NhưPGS -  HS Lê Anh Vân đã nói: “Nó không bị mẫu thức theo một niêm luật nào, gần như là phá bỏ niêm luật để tạo nên bố cục đặc biệt. Ví dụ như bức tranh về lễ hội, HS nhìn ở góc độ không như mọi người nhìn bình thường, mọi vật chao đảo, lay động trong niềm vui ngày lễ hội và trong ấy chứa đựng nét màu của tinh thần chất đồ họa dân gian. Đây là cái quý nhất trong tranh của HS Lê Tuấn Anh”.
 
Với những nét vẽ “nghiêng ngả” táo bạo khiến chủ thể trong tranh bị xô lệch, không đứng yên, tác giả qua đó muốn ẩn dụ nói đến sóng gió cuộc đời của mỗi con người. Đó là sống ở đời, ai cũng ít nhiều phải chịu những xô lệch. Bởi vậy con người hãy đón nhận nó bằng sự lạc quan, bình tĩnh. Có như thế mỗi người mới tìm được nhịp điệu riêng cho mình. Đây chính là nét văn hoá mang tính ẩn dụ đặc trưng của người Á Đông đã được Lê Tuấn Anh khai thác một cách tinh tế.
 
“Màu và chất có khi phớt nhẹ như điểm mực, có khi lại đặc quánh, chắc như khảm, phô diễn được cả hình, cả nét, cả màu trong một bút pháp nửa thực nửa hư”, với bút pháp riêng này, Lê Tuấn Anh dường như đã đi đến tận cùng của cảm xúc, khiến nét vẽ của người nghệ sỹ như “không phải mình vẽ mà là vô thức của tạo hoá đã mượn bàn tay của mình để gieo những hạt giống xinh đẹp xuống trần gian…”.

Chẳng vậy mà, khi đứng trước những bức tranh đồng quê của anh, hồn người như được lắng lại với những dấu vết thời gian, với những mảng vỡ thời gian in hằn trên từng chi tiết. Ở trong đó, người ta thấy lấp ló bóng dáng của người đàn bà đẹp, cái đẹp đắm thắm đã được nhuốm gội màu thời gian, khiến nó có một sự ám ảnh kỳ lạ.
 
“Hồn quê” là 1 trong 4 mảng đề tài mà Lê Tuấn Anh theo đuổi trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Ba mảng đề tài khác của anh như: miền núi, miền biển và tâm linh (Phật giáo) cũng được anh thể hiện trên chính tinh thần, tư tưởng và cá tính luôn đi đến tận cùng cảm xúc. Chẳng vậy mà, khi “du lịch” đến miền biển qua tranh của Lê Tuấn Anh, người xem được sống đúng với nỗi khắc khoải của người vợ, người mẹ chờ chồng, chờ con đi biển trở về; hay là được trở về với niềm vui cuộc sống một cách đơn giản, bình dị đến không ngờ của người miền núi.../.



Một trong 12 bức ảnh về “Tam môn” của HS Lê Tuấn Anh.


Bức họa bình dị đậm nét làng quê được phác họa qua bàn tay HS Lê Tuấn Anh.


Bức tranh quán xá thân thuộc trước cổng làng xô nghiêng đã gây ấn tượng mạnh với công chúng thưởng lãm .


Hình ảnh quá đỗi quen thuộc của làng quê nhưng lại mới lạ với những "vết xước" trong tranh Lê Tuấn Anh.


Nét cổ kính, nhuốm bụi của thời gian của làng quê trong tranh Lê Tuấn Anh.


Hình ảnh phiên chợ quê mộc mạc mà gần gũi được tái hiện trong tranh Lê Tuấn Anh.


Lễ hội làng cũng được HS Lê Tuấn Anh tái hiện lại một cách sinh động trong tranh của mình.


Nét cổ kính, nhuốm bụi của thời gian trong tranh Lê Tuấn Anh.


"Màu thời gian" trong tranh về đề tài "Hồn quê"  của HS Lê Tuấn Anh.


Tác phẩm Cây đa cổng làng của HS Lê Tuấn Anh.


 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Khánh Long

Điện Biên vẫy gọi – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Điện Biên vẫy gọi” – tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chiều 27-3, tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội), Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo công trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - vở diễn “Điện Biên vẫy gọi”.

Top